PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 17/08/2021
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 91
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Bắt đầu từ tiết học này, chúng tôi sẽ giảng kinh văn phẩm thứ 41:
HOẶC TẬN KIẾN PHẬT ĐỆ TỨ THẬP NHẤT
Mời xem kinh văn bên dưới:
Thí như Chuyển Luân Thánh Vương, hữu thất bảo ngục, vương tử đắc tội, cấm bế kỳ trung. Tằng lâu ỷ điện, bảo trướng kim sàng, lan song tháp tọa, diệu sức kỳ trân. Ẩm thực y phục như Chuyển Luân Vương, nhi dĩ kim tỏa hệ kỳ lưỡng túc. Chư tiểu vương tử ninh nhạo thử phủ? Từ Thị bạch ngôn: “Bất dã, Thế Tôn! Bỉ u trập thời, tâm bất tự tại, đãn dĩ chủng chủng phương tiện, dục cầu xuất ly, cầu chư cận thần, chung bất tùng tâm. Luân Vương hoan hỷ, phương đắc giải thoát”.
Thí như Chuyển Luân Thánh Vương có ngục bảy báu, vương tử đắc tội bị giam trong ấy. Lầu gác cung điện, trướng báu giường vàng, bao lơn, cửa sổ, sập ghế trang hoàng khéo léo quý lạ. Ăn uống, y phục đều như Chuyển Luân Vương, nhưng dùng xích vàng xiềng lấy hai chân. Các tiểu vương tử ấy có thích chuyện này chăng?” Ngài Từ Thị bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Không ạ! Khi họ bị giam cầm, tâm không tự tại, chỉ toan dùng mọi phương tiện, để mong thoát khỏi, cầu cạnh các cận thần, rốt cuộc không toại ý. Luân Vương hoan hỷ, mới được giải thoát”.
Phẩm này là Hoặc Tận Kiến Phật, đã hết nghi hoặc rồi thì thấy được Phật.
Phật lại nói với ngài Di-lặc: “Thí như Chuyển Luân Thánh Vương có ngục bảy báu”, bảy báu làm thành ngục giam. “Vương tử đắc tội”, con của Chuyển Luân Thánh Vương đắc tội thì “bị giam kín trong ấy”, nhốt ở trong lao ngục bằng bảy báu này. “Màn báu, giường vàng”, màn làm bằng bảy báu, giường làm bằng vàng. “Bao lơn, cửa sổ, sập ghế”, cửa sổ ca-rô, chỗ ngồi nhỏ gọn thoải mái, “trang hoàng khéo léo, quý lạ”, đồ vật quý báu kỳ diệu. “Ăn uống, y phục đều như Chuyển Luân Vương”, thức ăn, đồ mặc giống như Chuyển Luân Thánh Vương vậy. “Nhưng dùng xích vàng xiềng lấy hai chân”, tuy nhiên hai chân bị xích vàng xiềng chặt. “Các tiểu vương tử ấy có thích chuyện này chăng?”, Phật hỏi ngài Di-lặc, vương tử đối với những việc này liệu có vui chăng? “Ngài Từ Thị bạch rằng”, ngài Di-lặc nói: “Bạch Đức Thế Tôn! Không ạ!”, đương nhiên họ không vui ạ. “Khi họ bị giam cầm”, trong lúc họ bị giam kín, “tâm không tự tại”, tâm tình không tự tại, “chỉ toan dùng mọi phương tiện, để mong thoát khỏi”, họ dùng đủ mọi phương pháp muốn thoát khỏi, “cầu cạnh các cận thần, rốt cuộc không toại ý”, nhờ vả những người bên cạnh họ, nhưng sau cùng không đạt được mục đích. “Luân Vương hoan hỷ, mới được giải thoát”, đợi khi phụ vương của họ là Luân Vương hoan hỷ thì mới có thể được giải thoát.
Mời xem kinh văn kế tiếp:
Phật cáo Di-lặc: “Thử chư chúng sanh diệc phục như thị. Nhược hữu đọa ư nghi hối, hy cầu Phật Trí, chí quảng đại trí, ư tự thiện căn, bất năng sanh tín, do văn Phật danh khởi tín tâm cố, tuy sanh bỉ quốc, ư liên hoa trung, bất đắc xuất hiện. Bỉ xử hoa thai, do như viên uyển, cung điện chi tưởng. Hà dĩ cố? Bỉ trung thanh tịnh vô chư uế ác, nhiên ư ngũ bá tuế trung, bất kiến Tam bảo, viễn ly nhất thiết thù thắng thiện căn, dĩ thử vi khổ, bất sanh hân nhạo. Nhược thử chúng sanh, thức kỳ tội bổn, thâm tự hối trách, cầu ly bỉ xứ. Vãng tích thế trung, quá thất tận dĩ, nhiên hậu nãi xuất”.
Phật bảo ngài Di-lặc: “Các chúng sanh này cũng lại như vậy. Nếu có kẻ đọa vào nghi hối, mong cầu Phật trí, cho đến quảng đại trí, không thể sanh lòng tin đối với thiện căn của chính mình; do nghe danh hiệu Phật mà phát khởi lòng tin, nên tuy sanh về cõi ấy, nhưng ở trong hoa sen, không được xuất hiện. Kẻ ấy ở trong hoa thai mà tưởng như đang ở trong vườn hoa, cung điện. Vì sao vậy? Trong đó thanh tịnh, không có các uế ác, nhưng trong năm trăm năm, không thấy Tam bảo, không được cúng dường, phụng sự chư Phật, xa lìa tất cả thiện căn thù thắng, nên xem đó là khổ, chẳng sanh lòng vui thích. Nếu những chúng sanh ấy biết được gốc tội của mình, hết lòng sám hối tự trách, cầu được ra khỏi nơi đó. Khi những lỗi lầm trong đời trước đã hết sạch rồi, sau đó mới được thoát khỏi.