/ 100
77

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 16/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 89

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiết học này trước tiên chúng tôi tổng kết một chút về trọng điểm của kinh văn phẩm thứ 38. Phẩm kinh văn này có 7 trọng điểm.

Trọng điểm thứ nhất: Thật sự niệm Phật, niệm đến khi cảm ứng đạo giao thì hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật. Giải thích về hiện tiền và tương lai như thế nào đây? Hiện tiền làm thế nào thấy được Phật? Vì sao chúng ta không thấy được Phật? “Hiện tiền” chỉ cho thấy Phật trước khi vãng sanh; “tương lai” chỉ cho thấy Phật sau khi vãng sanh. Phương pháp mà Phật dạy chúng ta để thấy Phật là: Nhất tâm xưng niệm A-di-đà Phật. Chú ý, “nhất tâm” là then chốt. Chúng ta niệm Phật vì sao không thấy được Phật? Bởi vì chúng ta không phải là nhất tâm xưng niệm, chúng ta là loạn tâm xưng niệm, tạp tâm xưng niệm, vọng tâm xưng niệm, cho nên không thể thấy được Phật.

Trọng điểm thứ hai: “Cung kính” trong “cung kính đảnh lễ” có ý nghĩa quan trọng ra sao? Thế nào là tâm hạnh cung kính? Bạn lý giải câu “không chân thành thì chẳng thể thành tựu” như thế nào? Đối với A-di-đà Phật bạn có tâm cung kính hay không sẽ quyết định tương lai bạn có thể vãng sanh Tây Phương được hay không? Lão pháp sư dạy chúng ta 20 chữ, đó chính là tâm hạnh cung kính: chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật. Không chân thành thì chẳng thể thành tựu, nếu người không chân thành thì thứ gì cũng chẳng có, người không chân thành thì một việc cũng chẳng thành.

Trọng điểm thứ ba: Lễ Phật, lạy Phật trên hình thức thì giống như “như đạp chày giã gạo”, giống với việc “hét bể cổ họng cũng uổng công”. Bạn lý giải hai tỉ dụ này như thế nào? Trọng thực chất, không trọng hình thức, không lừa mình dối người thì tiêu nghiệp chướng.

Trọng điểm thứ tư: Vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu là tội nghiệp cực lớn, nhất là tội lưỡng thiệt, vọng ngữ, khiêu khích ly gián, dẫn đến sự tranh chấp, phá hoại Lục hòa. Đây là tội nghiệp đọa địa ngục rút lưỡi. Bạn có nhận thức như thế nào? Làm thế nào sửa lỗi? Phát lộ sám hối, quyết không tái phạm lần hai, hướng đến người trong cuộc mà sám hối, cầu xin tha thứ, tháo gỡ hiểu lầm giữa những người trong cuộc, khiến họ hòa hợp như xưa. Nhất quyết không được hàm oan một người nào, quyết không tổn hại một người nào, đối xử bình đẳng với tất cả chúng sanh. Đối nhân, xử thế, tiếp vật phải chân thành.

Trọng điểm thứ năm: Làm thế nào nhận thức và lý giải câu “vạn pháp duy tâm”? Y chánh trang nghiêm của mười pháp giới đều do tâm hiện, đều do thức biến, lìa khỏi tự tánh thì chẳng có một pháp nào để đắc. Y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc là do tự tánh biến hiện, tự tánh thanh tịnh thì hiện pháp giới thanh tịnh, tự tánh không thanh tịnh thì hiện pháp giới trược ác. Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, lúc tâm tưởng Phật thì tâm đã thành Phật, một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Chúng ta niệm Phật vì sao không tương ưng? Vì mỗi niệm của chúng ta có nhân ngã thị phi, trong mỗi niệm đều có tham sân si mạn nghi, trong mỗi niệm đều có phân biệt, chấp trước. Nếu tương ưng thì hiện ra cảnh giới Phật, không tương ưng thì hiện cảnh giới trược ác.

Trọng điểm thứ sáu: Học Phật nếu muốn có thành tựu thì nhất định phải trừ nghi, nghi ngờ là chướng ngại lớn trên con đường học Phật, nguy hại cực lớn. Nếu không kịp thời trừ bỏ chướng ngại này thì hai cái mạng là “sanh mạng” và “huệ mạng” đều tiêu cả. Trong kinh điển Mật tông thời Đường nói: Công đức của chú cực kỳ thù thắng, thế nhưng có một câu chúng ta phải chú ý: “Không được sinh lòng nghi ngờ đối với chú”. Hễ bạn có nghi ngờ, ví dụ liệu có công đức lớn như thế không? Công đức lớn như vậy thì tôi niệm có được hay không? Cứ nghĩ như vậy thì bản thân đã phủ nhận những công hiệu đó rồi. Tự tâm của bạn chính là Phật, bạn vừa nghi thì công đức không thể hiển hiện ra được. Vì là do tâm hiện, nên khi đó thứ hiện ra chính là kết quả đã bị phủ nhận kia. Có câu thế này: “Gốc nghi chưa đoạn chính là tội căn, khi sức tin tròn đầy thì đều thành phước lực”. Gốc nghi chính là tội căn, không đoạn nghi thì sao có thể dứt tội được? Khi lòng tin tròn đầy rồi thì sức mạnh của Phật hoàn toàn trở thành sức mạnh của chính bạn.

/ 100