/ 100
94

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

 Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 15/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 88

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

LỄ PHẬT HIỆN QUANG ĐỆ TAM THẬP BÁT

Phẩm kinh văn này là nói: Thích-ca Mâu-ni Phật của thế giới Ta-bà và A-di-đà Phật của thế giới Tây Phương Cực Lạc, hai vị đạo sư của hai cõi gia trì cho đại chúng dự hội, khiến cho mỗi một người trong pháp hội đều được tận mắt nhìn thấy y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc. Việc này trong tam chuyển pháp luân gọi là “tác chứng chuyển”.

Kinh Vô Lượng Thọ là một bộ kinh cực kỳ thù thắng, khi đọc tụng thì càng giống một áng văn chương văn từ ưu mỹ. Trước tiên nêu ra câu hỏi, vì sao Phật lại phóng quang? Phật bèn kể tỳ-kheo Pháp Tạng của thế giới Cực Lạc phát nguyện ra sao, làm thế nào thành tựu thế giới Cực Lạc, cách thức thế nào, làm thế nào mới có thể vãng sanh, Bồ-tát của thế giới Cực Lạc là như thế nào. Lúc bấy giờ, ngòi bút vừa chuyển bèn thành tướng tự nhiên của tự nhiên, sự thù thắng đạt đến tột đỉnh. Sau đó Phật lại đem ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu trên thế giới này toàn bộ đều phơi bày ra hết. Sau khi đem ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu đều nói ra tường tận thì Phật lại khuyến tấn, như kẻ nghèo được của báu, để mọi người xem trọng. Sau việc này, đột nhiên xuất hiện một tình tiết bất ngờ “lễ Phật hiện ánh sáng”. Kinh điển có khi cũng là áng văn chương tuyệt đẹp nhất, đọc trăm lần không chán, để lại dư vị vô tận. Giống như dòng nước chảy từ khe suối nhỏ tưới nhuận mảnh đất trong tâm người.

Mời xem kinh văn bên dưới:

Phật cáo A-nan: Nhược tào dục kiến Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, cập chư Bồ-tát, A-la-hán đẳng, sở cư quốc độ, ưng khởi Tây hướng, đương nhật một xứ, cung kính đảnh lễ, xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật.

Phật bảo A-nan: “Nếu ông muốn thấy đức Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác và các Bồ-tát, A-la-hán v.v. ở trong cõi ấy, thì hãy đứng dậy, hướng về phương Tây, nơi mặt trời lặn, cung kính đảnh lễ, xưng niệm: Nam-mô A-di-đà Phật”.

Phẩm kinh văn Lễ Phật Hiện Quang này không thể nghĩ bàn. Bạn lạy Phật thì Phật liền xuất hiện, lại còn phóng đại quang minh, đây là cảnh giới cực kỳ thù thắng. Ở đây có hai người đương cơ: một là đức Di-lặc, hai là ngài A-nan.

Phật nói với A-nan cũng là nhắc nhở đại chúng. “Nếu ông” nghĩa là các ông, các ông có muốn thấy A-di-đà Phật không? Nếu các ông muốn thấy đức Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác và các Bồ-tát, A-la-hán v.v. thì hãy đứng dậy cung kính hướng đến A-di-đà Phật ở phương Tây, cung kính hướng đến thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Chỗ nào là hướng Tây vậy? Nơi mặt trời xuống núi.

“Đức Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” chính là biệt danh của A-di-đà Phật. A-di-đà Phật cũng được xưng là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”. A-di-đà Phật là đức hiệu của đức Bổn Sư ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Từ đức hiệu này chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta tu học như thế nào thì mới có thể tương ưng với ngài. Tâm của chúng ta phải thanh tịnh, phải bình đẳng, phải giác chứ không mê, như vậy mới tương ưng với tâm hạnh của A-di-đà Phật, và các Bồ-tát, A-la-hán v.v… đây là chỉ cho học trò của A-di-đà Phật, số lượng học trò vô lượng vô biên, chẳng thể nào tính được. Ở trong cõi ấy chính là thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở đó có chánh báo, có y báo. Phật và Bồ-tát là chánh báo, cõi nước là y báo. Y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc, các bạn có muốn nhìn thấy hay không? Muốn thấy thì chẳng phải không thể thấy được.

Trong chương Đại Thế Chí Bồ-tát Niệm Phật Viên Thông nói với chúng ta: Thật sự niệm Phật, niệm đến khi cảm ứng đạo giao, thì hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật. Đây là hiện tiền nhìn thấy, tương lai là sau khi vãng sanh sẽ nhìn thấy. Trước khi vãng sanh nhìn thấy là hiện tiền nhìn thấy, hiện tiền phải thế nào thì mới nhìn thấy? Thế Tôn dạy chúng ta niệm Phật: Nhất tâm xưng niệm A-di-đà Phật thì sẽ nhìn thấy. Hiện nay chúng ta cũng xưng niệm A-di-đà Phật, nhưng có phải là nhất tâm hay không? Chúng ta là loạn tâm xưng niệm, tạp tâm xưng niệm, vọng tâm xưng niệm, tâm không thanh tịnh nên không nhìn thấy được. Tâm thanh tịnh thì có cảm ứng. Tuy nhiên này các đồng tu, chúng ta không được cầu cảm ứng, phải cầu tâm thanh tịnh. Cầu cảm ứng thì tâm không thanh tịnh, ý niệm đã sai rồi, cầu tâm thanh tịnh là chính xác.

/ 100