PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 15/08/2021
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 87
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Chúng tôi xin giảng tiếp nội dung của tiết học trước.
“Ta nay làm Phật ở đời này”
“Phật” trong câu này nghĩa là “thầy”. Phật là thầy của trời người, nhiệm vụ của ngài là ở thế giới Ta-bà giáo hóa chúng sanh. Giáo hóa chúng sanh phải dựa vào duyên phận, xem cơ duyên đã chín muồi hay chưa. Thế nào là duyên phận? Chúng sanh có thích tiếp nhận sự giáo hóa của ngài hay không, đây chính là “duyên”, chúng sanh thích là duyên đã chín muồi, chúng sanh ở nơi nào thích thì Phật đến nơi đó để giáo hóa. Theo kinh điển ghi chép, Thích-ca Mâu-ni Phật cả đời chưa từng an cư, cả đời đức Phật vất vả bôn ba, đi khắp nơi thuyết kinh giảng đạo chưa từng ngơi nghỉ.
“Lấy thiện dẹp ác”
Đây là phương pháp dạy học của Phật. “Dẹp” nghĩa là đối trị, chúng sanh có tư tưởng, kiến giải, hành vi sai lầm, còn có rất nhiều tập khí xấu, những tập khí này được tích lũy trong nhiều đời nhiều kiếp. Có cái là thói quen xấu được dưỡng thành từ nhỏ trong đời này. Đời này gặp được Phật, Phật dạy người đời rất nhiều thiện pháp để đối trị các pháp ác này. Nếu không sửa đổi tập khí xấu và ác nghiệp thì chắc chắn sẽ thọ ác báo, cuộc sống trong đời này sẽ rất đau khổ. Nếu có thể sửa lỗi làm mới, đoạn ác tu thiện thì có thể cải thiện đời sống của chính mình, khiến đời sống càng trở nên mỹ mãn.
Phương pháp dạy học của đức Phật, mục đích là dạy chúng ta trong đời này đạt được hạnh phúc mỹ mãn, xã hội hài hòa, đất nước giàu mạnh, thế giới hòa bình. Những thứ này xác thật là nguyện vọng mà trong tâm mỗi người đều có, nguyện vọng này phải dựa vào giáo dục để thực hiện. Duy chỉ có giáo dục của đức Phật mới có thể đưa kiến giải và hành trì của rất nhiều người xích lại gần nhau, công năng và hiệu quả của giáo dục, ngày nay chúng ta gọi là “xây dựng nhận thức chung”, khiến sự khác biệt về tư tưởng và kiến giải của mọi người không còn quá lớn nữa, duy trì xã hội an định, thế giới hòa bình, đây là phương châm giáo dục hiện tiền của đức Phật.
“Nhổ dứt khổ sanh tử”
Câu này là tôn chỉ sâu xa của giáo dục Phật-đà. Giáo dục của đức Phật không chỉ khiến cho chúng sanh một đời đạt được hạnh phúc mỹ mãn, mà còn chăm lo cho đời sau, đời đời kiếp kiếp, nếu không quan tâm đến đời sau thì không phải là sự giáo dục viên mãn. Giáo dục của nhà Nho là giáo dục một đời, chỉ nói một đời này. Khổng tử, Mạnh tử cũng dạy chúng ta “lấy thiện dẹp ác”, nhưng không dạy “nhổ dứt khổ sanh tử”. Giáo dục của đức Phật viên mãn, không những dạy chúng ta trong đời này có được hạnh phúc mỹ mãn, mà còn dạy chúng ta đời đời kiếp kiếp đều được viên mãn. Việc này tất cả mọi giáo học, tôn giáo, khoa học kỹ thuật trong thế gian đều không thể làm được, duy chỉ có Phật pháp mới có thể đạt được. Giáo học của Phật pháp vô cùng khai sáng, tùy theo căn cơ mà lập cách dạy học, chúng ta cần phải sáng tỏ việc này.
Đại sư Thiện Đạo trong Quán Kinh Chú Sớ đã nói hết sức rõ ràng rằng: Thế Tôn mở ra vô lượng pháp môn, chẳng phải để mọi người đều phải học, ngài mở ra cho những người có vô lượng căn tánh không như nhau. Ví dụ, người tu định thì có thể tu thiền định, trong phương pháp dạy học này họ có thể đạt được lợi ích và thành tựu. Còn người tâm lượng nhỏ hẹp, tính tình bảo thủ thì Phật dạy họ trì giới, họ rất hoan hỷ, cho rằng như vậy rất trang nghiêm. Từ đây mà biết, căn tánh của chúng sanh không như nhau nên Phật dùng những phương pháp khác nhau để độ hóa. Ví dụ, người thích hoạt bát, thoải mái, việc gì cũng đều không muốn bị trói buộc, không muốn quá cẩn thận thì Phật dùng Phật pháp Đại thừa để giáo hóa bạn. Hiểu rõ chân tướng sự thật thì mới biết được pháp môn trong nhà Phật là bình đẳng, không có cao thấp. Không được cho rằng tôi tu học pháp môn này thì có thể phê bình người khác, phỉ báng người khác. Bởi vì căn tánh của chúng ta không như nhau, quan niệm khác nhau, lối sống cũng khác biệt, nên mỗi phương pháp tu học tự nhiên cũng khác nhau.
Ví dụ chúng ta giới thiệu Phật pháp cho người nước ngoài, Phật pháp xem trọng hiếu thân tôn sư, nhưng người nước ngoài không có quan niệm này. Người nước ngoài đối với cha mẹ, đối với thầy cô giống như đối với bạn bè vậy, không đủ mức độ cung kính, không có quan niệm hiếu dưỡng. Người Trung Quốc đối với cha mẹ và thầy cô thì tâm mười phần cung kính, còn họ có một phần thì đã rất hiếm có rồi. Vậy nên những yêu cầu về mặt hình thức dành cho họ nhất định không được dùng tiêu chuẩn của người Trung Quốc. Như nhìn thấy tượng Phật thì phải cúi lạy sát đất, phải lạy ba lạy, những quy định này sẽ khiến người nước ngoài sợ không dám đến nữa. Thế nên chúng ta dạy họ chắp tay xá chào thì họ có thể làm được. Như vậy là được rồi, rất hiếm có rồi, không cần yêu cầu họ đảnh lễ. Về mặt ăn uống, họ ăn thịt quen rồi, vẫn chưa thể ăn chay được, nên cũng không thể yêu cầu học Phật thì nhất định phải ăn chay. Có một vài chỗ, do chúng ta không có năng lực quán sát căn cơ nên thường xuyên đoạn mất nhân duyên học Phật của chúng sanh, khiến họ sinh ra cảm giác sợ hãi đối với Phật giáo, không dám tiếp cận, không dám vào cửa Phật, đây là lỗi của chúng ta. Đâu biết rằng Phật pháp thông đạt quyền biến, không có pháp cố định. Đặc biệt là thời cận đại, giống như Hoàng Niệm lão nói: “Phật pháp trọng thực chất, không trọng hình thức”. Sự lễ lạy bên ngoài đều thuộc về hình thức, hình thức không thành vấn đề, thực chất mới là quan trọng nhất, như vậy thì Phật pháp mới có thể được hoằng dương phổ biến đến toàn thế giới.