/ 100
78

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

 Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

 Thời gian: 14/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 86

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Phần mở đầu của tiết học hôm nay, tôi muốn nói tiếp trọng điểm về hai câu kinh văn “bỏ ác làm lành, sáng nghe tối sửa”. Bởi vì việc chúng ta có thể bỏ ác làm lành hay không, có thể sáng nghe tối sửa hay không, có quan hệ rất mật thiết với việc đời này chúng ta có thể thành tựu hay không.

Kết hợp với kinh nghiệm mà tự tôi đích thân trải qua, xin nói một vài cảm ngộ như sau:

Cảm ngộ thứ nhất: Không biết lỗi, không nhận lỗi, không sửa lỗi. Ở đây bao gồm nội dung trên hai phương diện.

Nội dung thứ nhất là không biết lỗi, không sửa lỗi. Không biết lỗi thì đương nhiên không sửa lỗi rồi, thử nghĩ xem, họ không biết mình đã sai thì sao nói đến việc sửa sai được. Người như vậy trong cuộc sống, chúng ta chẳng thể nói là rất nhiều, rất nhiều, nhưng thật sự là số lượng không ít.

Nội dung thứ hai là không nhận lỗi, không sửa lỗi. Việc này với nội dung thứ nhất vừa có chỗ tương đồng, vừa có chỗ khác biệt. Chỗ tương đồng chính là không sửa lỗi, chỗ khác biệt là một cái là không biết lỗi, một cái là không nhận lỗi. Cái thứ hai có hai đặc điểm như sau: một là người khác đã chỉ ra rồi, nhưng họ không thừa nhận, biểu hiện chủ yếu chính là giải thích ngụy biện; đặc điểm thứ hai là nếu lỗi phát sinh từ nơi người khác thì họ có thể nhìn thấy rõ, cũng có thể nói rõ, còn có thể khuyên người khác nhận lỗi. Nhưng đến lượt mình thì lại hồ đồ, có chấn chỉnh thế nào cũng chẳng sáng tỏ được. Đây có lẽ là người trong cuộc thường u mê vậy.

Cảm ngộ thứ hai: Tập khí của con người thật sự khó sửa, nhưng nếu bạn quả thật không sửa thì thế giới Tây Phương Cực Lạc thật không có phần của bạn. Có người nói thế này: Tôi muốn sửa, chẳng phải không muốn sửa, nhưng mà sửa không được. Đã như vậy thì bạn cứ tiếp tục luân hồi trong lục đạo. Sửa, không sửa, sửa được, không sửa được đều là việc của chính bạn, người khác không giúp được.

Cảm ngộ thứ ba: Sửa từ trên sự tướng, hay là sửa từ gốc rễ. Có hai phương pháp sửa lỗi lầm:

Một phương pháp là sửa từ trên cành nhánh, cành nhánh là sự tướng, sự tướng làm ra quá nhiều, vô lượng vô biên. Tùy việc mà xét, làm sai những việc nào thì nhanh chóng sửa đổi lại, đây là sửa từ trên cành nhánh, chẳng những rắc rối mà cũng không sửa được sạch sẽ. Ví dụ có người thích quản việc, họ quản việc của anh A, bạn nói với họ thì họ không quản nữa, nhưng họ lại đi quản việc của anh B; bạn lại nói với họ thì họ không quản nữa, nhưng họ lại đi quản việc của anh C; vẫn cứ thế mà quản việc người khác, chỉ là đổi đối tượng để quản mà thôi. Đây là sửa đổi từ trên cành nhánh, muốn sửa đổi được tập khí chẳng phải dễ.

Một phương pháp khác là sửa đổi từ gốc rễ. Người biết sửa lỗi thì sẽ sửa từ gốc rễ. Gốc rễ là gì? Là tâm địa. Trong kinh Đại thừa, Phật gọi đó là gốc rễ, là gốc rễ sơ khởi nhất, là căn bản của căn bản. Phật nói: Gốc bệnh của chúng ta là từ vọng tưởng, chấp trước mà sanh ra. Vọng tưởng, chấp trước chính là căn bản của căn bản. Thế nào là vọng tưởng? Khởi tâm động niệm chính là vọng tưởng, nếu không khởi vọng tưởng thì rất khó, bản thân tuyệt chẳng thể khống chế được. Nghĩ đến Phật pháp cũng là vọng tưởng, trong kinh đã dạy chúng ta rõ ràng rằng: “Chân tâm lìa niệm”, “chân tâm vô niệm”. Có niệm thì chính là vọng tưởng. Nếu thật sự vô niệm thì “vô niệm” này là vô minh. Từ đó cho thấy, bất luận là vô niệm hay là có niệm thì đều sai cả.

Có đồng tu có lẽ sẽ hỏi rằng: Có niệm thì không được, vô niệm cũng không được, vậy thế nào mới được? Đừng nóng, Phật có biện pháp. Phật Bồ-tát thật sự từ bi, nói với chúng ta: Chánh niệm duy nhất chính là niệm A-di-đà Phật. Một niệm này không phải là vọng niệm, không phải vọng tưởng, chẳng phải chấp trước, duy chỉ một niệm này là chánh niệm, ngoài niệm này ra đều chẳng phải là chánh niệm. Không phải chánh niệm thì chính là tà niệm, chính là vọng tưởng, chấp trước.

Làm thế nào làm được trong 24 giờ, một ngày từ sáng đến tối giữ được chánh niệm, không được quên mất chánh niệm, đây chính là “không xả chánh niệm”. Đây là công phu mà hiện nay chúng ta nhất định phải làm. Công phu này chính là sửa lỗi từ gốc rễ. Chúng ta nói sửa lỗi tu thiện thì hãy sửa từ gốc rễ; chúng ta nói tu hành thì hãy tu từ gốc rễ. Trong tâm không được có một niệm xấu ác, khởi tâm động niệm đều là A-di-đà Phật. Gặp tất cả mọi người, không có ý niệm nào khác, mà chỉ muốn đem A-di-đà Phật giới thiệu cho tất cả chúng sanh. Mong mỏi chúng sanh hoan hỷ tin nhận y như chính mình, như vậy mới có thể báo ân Phật. Kệ Hồi Hướng nói: “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”, phải thật sự làm, không phải nói trên miệng là xong. Thật sự làm không phải là việc khó. Giữ gìn chánh niệm của chính mình, mỗi giờ mỗi khắc tiến cử pháp môn này cho người khác, giới thiệu cho người khác, đây chính là trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường.

/ 100