PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 13/08/2021
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 83
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Mời xem kinh văn kế tiếp:
Thiên địa chi gian, ngũ đạo phân minh, thiện ác báo ứng, họa phước tương thừa, thân tự đương chi, vô thùy đại giả. Thiện nhân hành thiện, tùng lạc nhập lạc, tùng minh nhập minh. Ác nhân hành ác, tùng khổ nhập khổ, tùng minh nhập minh. Thùy năng tri giả? Độc Phật tri nhĩ. Giáo ngữ khai thị, tín hành giả thiểu, sanh tử bất hưu, ác đạo bất tuyệt. Như thị thế nhân, nan khả cụ tận, cố hữu tự nhiên tam đồ, vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung, thế thế lũy kiếp, vô hữu xuất kỳ, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn!
Trong vòng trời đất, năm đường phân minh, thiện ác báo ứng, họa phước nối nhau, thân tự chịu lấy, không ai thay được. Người thiện hành thiện thì từ vui vào vui, từ sáng vào sáng. Người ác làm ác thì từ khổ vào khổ, từ tối vào tối. Ai hay biết được? Chỉ Phật biết thôi. Khai thị chỉ dạy, người tin hành theo chỉ là số ít, nên sanh tử không thôi, ác đạo chẳng dứt. Người đời như vậy, khó mà kể hết, nên tự nhiên có ba đường ác, vô lượng khổ não, xoay vần trong đó, đời đời kiếp kiếp, chẳng có kỳ hạn ra khỏi, khó được giải thoát, khổ không tả xiết!
Tiếp theo sẽ giải thích một chút đoạn kinh văn này.
“Trong vòng trời đất, năm đường phân minh”
“Trong vòng trời đất” chính là thế gian, “năm đường” chính là lục đạo, thông thường lược bỏ bớt đường A-tu-la. Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật nói: Trên trời có A-tu-la, cõi người có A-tu-la, súc sanh có A-tu-la, cõi ngạ quỷ cũng có A-tu-la, chỉ có địa ngục không có A-tu-la. A-tu-la ở trong đường nào thì tính theo đường đó, chứ không xếp riêng ra một cõi. Thế nên ở đây nói “năm đường phân minh”. Hai câu kinh văn này nói với chúng ta, ở thế gian này, năm đường là trời, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục được phân chia rõ ràng, sáng tỏ.
“Thiện ác báo ứng, họa phước nối nhau”
Tu thiện thì được phước, tạo ác thì gặp họa, quả báo mà chúng sanh đạt được cũng là khổ vui nối tiếp nhau, họa phước theo sát nhau. Bởi vì những việc thiện ác mà tất cả chúng sanh đã tạo đều là xen tạp, nên quả báo đạt được thì hoặc là họa trước phước sau, hoặc là phước trước họa sau. Những nhân quả này đều phức tạp, rối rắm. “Họa phước nối nhau” là do sự chuyển biến của ý niệm thiện-ác mà quả báo họa-phước có sự chuyển đổi qua lại.
“Thân tự chịu lấy, không ai thay được”, Phật đã nói ra chân tướng sự thật trong lục đạo là: tự làm tự chịu, tự mình gánh lấy, không ai có thể gánh thay cho bạn được.
“Người thiện hành thiện thì từ sướng vào sướng, từ sáng vào sáng”
Những việc người thiện làm đều là đường thiện, việc mà họ làm vốn là rất vui sướng. Người xưa nói: làm thiện là vui nhất. Thật sự giúp đỡ người khác, thật sự làm việc tốt, làm lợi ích chúng sanh thì đây là vui nhất. “Từ sáng vào sáng”, từ quang minh lại tiến vào quang minh. Người thiện lại tiếp tục hành thiện, sau cùng có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc, chính là từ sáng vào sáng, vĩnh viễn được đại quang minh, đại an lạc.
“Người ác làm ác thì từ khổ vào khổ, từ tối vào tối”
Thứ mà kẻ ác tạo là ác nghiệp, gieo nhân ác thì nhất định bị quả báo ác, bị sự nghèo cùng, hạ tiện của đời này bức não thân tâm. Ba nghiệp đều bất thiện mà tự cho mình thông minh, cho nên tiền đồ của họ càng lúc càng gian nan, từng bước đọa lạc, càng lúc càng khổ, tâm trí càng lúc càng hồ đồ, càng lúc càng điên đảo. Hãy xem tình hình hiện nay của chúng ta, chẳng phải là như vậy đó sao? Người tuổi tác cao một chút liệu có bao nhiêu người thần trí vô cùng tỉnh táo, không mê hoặc, không điên đảo? Một khi mê hoặc điên đảo thì nhất định từ khổ vào khổ, từ tối vào tối, lúc bấy giờ hối hận không còn kịp nữa.
Lại ngu muội không tin chánh pháp, đời sau chịu hậu quả càng lớn, càng khổ sở hơn, sau cùng rơi vào địa ngục, rơi vào địa ngục thì lại càng tàn sát lẫn nhau. Trong địa ngục chẳng những đầu trâu mặt ngựa đến giết hại bạn, mà chúng sanh trong đó va chạm vào nhau cũng đều không nhẫn chịu nổi, đôi bên báo thù, giết hại lẫn nhau. Giống như chim sẻ trong lồng lúc phóng sanh mổ dữ dội vào đầu của đối phương, có con bị mổ nát đầu. Bởi vì chúng rất khổ, không thể bay lượn, cho nên chúng uất hận. “Từ khổ vào khổ, từ tối vào tối”, sống trong sự tối tăm, mỗi ngày một tăm tối. Chân tướng của những sự tình này ai hay biết được?