/ 100
179

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai:

Cô Lưu Tố Vân Thời gian: 12/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 82


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Kỳ tam giả, thế gian nhân dân, tương nhân ký sanh, thọ mạng kỷ hà? Bất lương chi nhân, thân tâm bất chánh, thường hoài tà ác, thường niệm dâm dật, phiền mãn hung trung, tà thái ngoại dật. Phí tổn gia tài, sự vi phi pháp, sở đương cầu giả, nhi bất khẳng vi, hựu hoặc giao kết tụ hội, hưng binh tương phạt, công kiếp sát lục, cưỡng đoạt bức hiếp, quy cấp thê tử, cực thân tác lạc. Chúng cộng tăng yếm, hoạn nhi khổ chi. Như thị chi ác, trứ ư nhân quỷ, thần minh ký chí, tự nhập tam đồ, vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung, lũy kiếp nan xuất, thống bất khả ngôn.

Điều thứ ba: Nhân dân trong thế gian, theo nhân duyên nương nhau mà sống, thọ mạng có được là bao? Kẻ bất lương thân tâm bất chánh, thường ôm lòng tà ác, luôn nghĩ chuyện dâm dật, phiền não tràn hông, thái độ tà ngụy, vẻ ngoài buông lung. Tiêu tốn gia sản, làm điều phi pháp. Điều đáng mong cầu thì chẳng chịu làm, lại còn tụ bè kết đảng, khởi binh đánh nhau, đánh cướp giết hại, cưỡng đoạt bức hiếp để chu cấp cho vợ con, lấy cực thân làm điều vui. Mọi người đều căm ghét, chuốc lấy tai ương khổ nạn. Những điều ác như thế người và quỷ thần đều rõ, thần minh ghi biết, tự vào tam đồ, chịu vô lượng khổ, xoay vần trong đó nhiều kiếp khó ra, khổ đau khôn xiết!

Đoạn kinh văn này nói về tội lỗi của dâm.

“Nhân dân trong thế gian, theo nhân duyên nương nhau mà sống”

Hai câu mở đầu này nhìn thì dường như đơn giản, nhưng người có thể giác ngộ hai câu này thật sự không nhiều.

Nhân dân trong thế gian là chỉ cho ai mà nói vậy? Là chỉ riêng cho cõi người ở trong lục đạo, hôm nay chúng tôi đã đem việc này nói rõ ra, cũng chính là xác định phạm vi của “nhân dân trong thế gian”, xác định đó là cõi người trong lục đạo. Đây là vấn đề thứ nhất mà chúng ta phải nhận thức.

Phật giảng kinh thuyết pháp ở nhân gian, đối tượng để độ là con người chứ không phải độ các chúng sanh khác. Đây là vấn đề thứ hai chúng ta cần phải nhận thức.

Phật dựa vào điều gì để độ chúng sanh? Dựa vào giảng kinh thuyết pháp, dựa vào dạy học. Trong cửa Phật, nếu không giảng kinh thuyết pháp thì chẳng phải là chánh nghiệp. Cái nào là chánh, cái nào là phụ? Phải phân biệt chánh phụ cho rõ ràng. Đừng trồng trọt ruộng nhà người, bỏ hoang ruộng nhà mình. Nói theo hiện nay thì chính là: làm rõ phạm vi trách nhiệm của chính mình. Bạn là đến độ người, mà bạn cứ đi độ quỷ thần, độ súc sanh, làm như vậy chẳng phải là vượt ra ngoài phạm vi đó sao? Đây là vấn đề thứ ba chúng ta cần phải nhận thức.

Giảng kinh thuyết pháp nhất định phải tuân thủ nguyên tắc “tin tưởng yêu mến lời người xưa, thuật lại chứ không sáng tác”. Dùng hình thức phúc giảng là tốt nhất, không rời kinh điển, không rời khỏi chú giải của tổ sư đại đức. Đây là vấn đề thứ tư chúng ta cần phải nhận thức.

“Theo nhân duyên nương nhau mà sống” chính là nói người trong thế gian, cũng chính là nói giữa người với người có quan hệ như thế nào? Chúng tôi sẽ nói dựa trên hai phương diện.

Từ phương diện xã hội mà nói thì con người không thể tách khỏi xã hội mà sinh tồn đơn độc, không thể rời khỏi tập thể mà sống riêng lẻ, “theo nhân duyên” chính là đôi bên nương vào nhau. Ví dụ trong xã hội có các ngành các nghề, nghề nghiệp nào cũng đều có sự tương quan mật thiết đến sự sinh tồn và đời sống của chúng ta, thiếu đi một nghề nào cũng đều không được, thiếu một nghề nào cũng đều gây ra sự bất tiện cho đời sống của chúng ta. Cho nên “người trong thế gian” cũng chính là nhân loại thì phải hài hòa, hòa mục, hợp tâm, hợp lực cùng xây dựng Lục hòa. Sự sinh tồn của nhân loại cần đến sự hòa hợp, dù khổ sở, khó khăn đến đâu cũng phải dũng cảm tiến lên, kiên định niềm tin đạt đến bờ kia.

Từ phương diện gia đình mà nói thì đây là loại quan hệ ruột thịt. Ví như cha con, con cái lúc nhỏ phải nhờ cha nuôi dưỡng, cha già rồi phải dựa vào con cái hiếu dưỡng, đây là đạo lý bất di bất dịch. Kính già, yêu trẻ, nương tựa, cậy nhờ lẫn nhau. “Theo nhân duyên nương nhau mà sống”, đều là dựa vào loại nhân duyên này mà sống.

/ 100