/ 100
237

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

 Thời gian: 13/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 84


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Giai do tham trước tài sắc, bất khẳng thí huệ. Các dục tự khoái, vô phục khúc trực. Si dục sở bách, hậu kỷ tranh lợi. Phú quý vinh hoa, đương thời khoái ý, bất năng nhẫn nhục, bất vụ tu thiện. Oai thế vô kỷ, tùy dĩ ma diệt. Thiên đạo thi trương, tự nhiên củ cử. Quỳnh quỳnh chung chung, đương nhập kỳ trung. Cổ kim hữu thị, thống tai khả thương!

Đều do tham chấp tài sắc, không chịu thi ân, giúp đỡ. Ai nấy chỉ muốn bản thân khoái lạc, chẳng biết phải quấy. Bị si dục bức bách nên hậu đãi, tranh lợi về mình. Phú quý vinh hoa đương thời khoái ý, không thể nhẫn nhục, chẳng lo tu thiện. Oai thế chẳng được bao lâu, sẽ theo đó mà mòn diệt. Đạo trời lồng lộng, tự nhiên uốn nắn, tỏ rõ. Dù có bơ vơ, kinh sợ thì cũng phải vào trong đó. Xưa nay đều như vậy, đau đớn, đáng thương thay!

Chúng ta nếu quan sát tỉ mỉ thì sẽ không khó phát hiện mấu chốt của khổ đau là ở đâu. Quả thực không ngoài những điều mà trong kinh văn đã nói: đều do tham chấp mà sanh ra. Tham là tham dục, chấp là chấp trước, chấp trước kiên cố, không chịu nhẫn nhường. Trong tất cả cảnh duyên, chúng tôi muốn đặc biệt nêu lên tài và sắc. Từ xưa đến nay, vì tài, vì sắc mà nhà tan người mất, cho đến quốc gia bị hủy diệt, từ trong lịch sử chúng ta đều có thể thấy được việc này.

Đoạn kinh văn này, Thế Tôn khuyên răn chúng ta rõ ràng rằng:

Khổ đều là “do tham chấp tài sắc”. Tham là tham luyến, chấp là nắm chặt không chịu buông. Tài là tất cả vàng bạc, trang sức, tiền tài, nhà cửa, vật dụng v.v. Tham ái là không nỡ buông bỏ, hoặc là tham tài, hoặc là tham da thịt. Tham xác thân chỉ cho sự tham luyến giữa nam và nữ, hoặc là đồng tính luyến ái. Con người và súc sanh đều là sắc, trong phẩm trước đã viết rất rõ ràng: phải ngăn chặn, trừ bỏ sự tham chấp vào những thứ này. Những thứ tệ hại này là điểm chung, Trung Quốc có, ngoại quốc cũng có. Trung Quốc thời xưa truyền đến nay vẫn còn có, thời Xuân Thu thì có các mỹ nam, sự việc bại hoại thường rất phổ biến.

“Không chịu thi ân, giúp đỡ”, không chịu cho người khác sự lợi ích và điều tốt, không chịu mang sự tiện lợi đến cho người khác, không chịu cứu độ người khác, không chịu bố thí, đều là do tham tài, háo sắc, keo kiệt.

“Ai nấy chỉ muốn bản thân khoái lạc”, chính là không chịu bất kỳ sự ràng buộc nào, muốn làm gì thì làm, mỗi người đều muốn sự vui sướng cho bản thân.

“Không thể nhẫn nhục, chẳng lo tu thiện”. Tăng Quốc Phiên có hai câu nói về chữ “nhẫn” đáng để chúng ta lấy đó làm gương: “Phải tuyệt đối nhẫn nại, nhẫn nại muôn vàn”. Nhất thiết phải nhẫn nại, vả lại chẳng phải nhẫn một hai chuyện, mà phải nhẫn nại muôn ngàn vạn chuyện.

Trong kinh Kim Cang đặc biệt nêu ra sự nhẫn nhục: vua Ca-lợi cắt đứt từng đoạn thân thể, việc khó nhẫn mà có thể nhẫn. Nếu lúc nào cũng muốn tự do, muốn làm gì thì làm, thì tương lai ắt làm đến mức đọa địa ngục. Cần phải có một nguyên tắc không làm một số việc: phi lễ không nhìn, phi lễ không nghe, phi lễ không nói, phải có ước thúc, không được phóng túng. Bạn muốn làm gì thì làm, xâm phạm tự do của đối phương, đó chẳng phải là đang tạo ác sao, bản thân còn cảm thấy rất có lý. Nhẫn nhục chính là khắc chế bản thân, nhường cho người khác sự tự do thì nhẫn nhục rồi. Bạn mắng tôi, nếu tôi mắng lại thì đôi bên đều không tự do. Họ mắng tôi, tôi không phản kháng thì họ tự do rồi. Người trẻ tuổi đều muốn bản thân thoải mái đối với dục vọng, việc này rất nguy hiểm.

“Oai thế chẳng được bao lâu”, bạn muốn vui vẻ, hưởng thụ, có oai có thế, thế nhưng những việc này thời gian chẳng được dài lâu. Bạn trước đây đã tu thiện nên được quả báo thiện này, giống như một người được thừa kế di sản, để họ tiêu xài phung phí, đợi sau khi miệng ăn núi lở rồi thì oai thế sẽ “theo đó mà mòn diệt”, đều tiêu tan hết.

“Đạo trời lồng lộng, tự nhiên uốn nắn, tỏ rõ”. “Đạo trời” là đạo lý tự nhiên, đạo lý nhân quả: thiện có thiện báo, ác có ác báo. Có rất nhiều ngoại đạo cầu trời, kỳ thật trời chỉ chấp hành theo một nguyên tắc là: làm việc công bằng. Chẳng phải bởi vì bạn khấu đầu thì trời xá miễn cho bạn; bạn cúng trời thì trời sẽ hủy bỏ tội lỗi của bạn, nếu là như vậy thì chẳng phải trời cũng nhận hối lộ đó sao? Vậy nên rất nhiều người đều hồ đồ. Trời thì phải thực thi đạo lý, phải khởi tác dụng. “Tự nhiên uốn nắn, tỏ rõ”, không cần tạo tác, sắp đặt, mà là tự nhiên. “Uốn nắn” là sửa lại cho đúng, “tỏ rõ” là nêu rõ ra, phơi bày tất cả mọi thứ, đều phải truy cứu.

/ 100