/ 100
225

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 12/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 81


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiết học này chúng tôi bắt đầu giảng kinh văn phẩm thứ 35:

TRƯỢC THẾ ÁC KHỔ ĐỆ TAM THẬP NGŨ

Phẩm kinh văn này, Thế Tôn buốt lòng rát miệng khuyên răn chúng ta, khuyên nhủ chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật, nhận biết rõ hoàn cảnh thực tế hiện nay, nhất định phải đoạn ác tu thiện thì mới có thể thật sự lìa khổ được vui. Vào 3.000 năm trước, Thế Tôn đã nói về việc của 3.000 năm sau, thế giới ngày nay ô trược đến mức độ nào, xấu ác đến mức độ nào, khổ đau đến mức độ nào một cách vô cùng chi tiết. Đối chiếu với tình hình thực tế hiện tại thì tất cả đều thành hiện thực rồi. Vì chúng ta sống trong cảnh trược thế ác khổ, chúng ta sống ở trong đó nên bị tổn hại sâu sắc. Đối với đại trí tuệ của Thế Tôn, chúng ta càng bội phục đến năm vóc sát đất.

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Phật cáo Di-lặc, nhữ đẳng năng ư thử thế, đoan tâm chánh ý, bất vi chúng ác, thậm vi đại đức.

Phật bảo Di-lặc: Các ông có thể trong đời này đoan tâm chánh ý, không làm các điều ác, đó là đức hạnh lớn.

Đây là lời tán thán của Phật. Phẩm kinh văn này rất dài, câu trên là tổng cương lĩnh của phẩm kinh văn này. Phật tán thán rằng: Mọi người các ông sống trong thế gian này phải đoan tâm, tâm phải đoan chánh.

Thế nào gọi là “đoan tâm chánh ý”?

Không tạo những việc ác thì chính là đoan tâm chánh ý. Đoan tâm là trong tâm không có tham sân si mạn nghi, năm chữ này không tốt. Không có tâm tham, không có nóng giận, không có hoài nghi, không có ngạo mạn, đây chính là đoan tâm chánh ý. Tuân thủ mười nghiệp thiện mà Thích-ca Mâu-ni Phật dạy chúng ta: Thân không tạo giết, trộm, dâm; miệng không vọng ngữ, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, ác khẩu; ý không tham, không sân, không si; lại thêm hai điều: không ngạo mạn, không hoài nghi thì đây chính là đoan tâm chánh ý, không làm các ác.

Bình chú của Niệm lão nói: “Đoan tâm chánh ý là chỉ cho “chánh tâm thành ý”. Người xưa Trung Quốc dạy chúng ta căn bản làm người, nhà Nho dạy chúng ta bắt đầu làm từ cách vật, trí tri. Vật là gì? Là dục vọng, mà ngũ dục lục trần là đại biểu. Ngũ dục là tài, sắc, danh, thực, thùy; những thứ mà con người tham luyến đều không phải là việc tốt. Hôm nay chúng tôi xin nói một cách cô đọng rằng: con người không thể không có tài, sắc, danh, lợi, nhưng phải có chừng mực, tốt nhất là có thể thiếu thốn một chút, đừng quá đầy đủ, nếu quá đầy đủ thì tội nghiệp sẽ hiện tiền. Hãy sống đời đạm bạc, đời sống thanh đạm một chút là tốt, thân tâm khỏe mạnh là thứ quý giá nhất. Không có buồn rầu, không có lo lắng, không có ý niệm tham dục, không có sân hận, đối với tất cả người, việc, vật đều không đối lập, bạn đối lập với tôi nhưng tôi không đối lập với bạn. Tâm thản nhiên thì ý mới chân thành, ý thành thì tâm chánh, tâm không lệch lạc, tà vạy; tâm phải thanh tịnh, tâm phải bình đẳng, tâm phải giác ngộ. Vậy nên, chánh tâm thành ý, nhà Nho gọi là tu thân, tu thân rồi thì gọi là tu cả thân, khẩu, ý.

“Khéo giữ ý niệm”, quan trọng nhất là khéo gìn giữ ý niệm thiện của bạn, giữ gìn chân tâm của bạn. Giữ gìn thiện niệm của bạn, tuyệt đối không có ý làm tổn hại người khác thì đúng rồi. Niệm lão đã giảng cho chúng ta rất rõ ràng: “Vĩnh viễn xa lìa ba độc, không nghĩ việc tà ác”. Đại sư Nghĩa Tịch nói với chúng ta: “Hướng thẳng đến Bồ-đề là đoan tâm, chẳng cầu việc khác là chánh ý”. Đối với người học Phật mà nói, Bồ-đề là gì vậy? Bồ-đề là trí tuệ, là giác ngộ. Người sống ở đời cầu điều gì vậy? Cầu Bồ-đề thì gọi là đoan tâm, trừ việc này ra thứ gì cũng chẳng cầu.

Thế nên trong cửa Phật, người học giáo cầu điều gì? Cầu đại khai viên giải, đối với chân tướng của thế xuất thế gian thật sự đã sáng tỏ, rõ ràng rồi thì gọi là “đại khai viên giải”. Người tu Thiền, mục đích của họ là minh tâm kiến tánh, minh tâm là trí tuệ, kiến tánh là nhìn ra được thể, tướng, dụng của tự tánh, không thể nghĩ bàn. Người niệm Phật thì nhất tâm nhất ý cầu sanh thế giới Cực Lạc, thân cận A-di-đà Phật, việc này đều gọi là chánh ý.

Người thế gian cầu điều gì? Cầu tài, sắc, danh, lợi. Ở trong đó có tham, sân, si, mạn, có giết, trộm, dâm, dối, có khổ báo của ba đường ác, chẳng thể không biết điều này. Hướng thẳng đến Bồ-đề là đoan tâm, trong tâm có Phật, chúng ta tu Tịnh độ, mọi lúc mọi nơi trong tâm không có gì khác, chỉ có A-di-đà Phật. Điều chúng ta hướng đến không phải là công danh phú quý của thế gian, chúng ta hướng đến là thế giới Cực Lạc, nhất tâm nhất ý cầu A-di-đà Phật đến tiếp dẫn mình vãng sanh, như vậy là đúng rồi, hoàn toàn chính xác.

/ 100