/ 100
209

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 11/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 80


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Phật cáo Di-lặc, kính ư Phật giả, thị vi đại thiện. Thật đương niệm Phật, tiệt đoạn hồ nghi, bạt chư ái dục, đỗ chúng ác nguyên. Du bộ tam giới, vô sở quái ngại, khai thị chánh đạo, độ vị độ giả. Nhược tào đương tri, thập phương nhân dân, vĩnh kiếp dĩ lai, triển chuyển ngũ đạo, ưu khổ bất tuyệt. Sanh thời khổ thống, lão diệc khổ thống, bệnh cực khổ thống, tử cực khổ thống, ác xú bất tịnh, vô khả lạc giả. Nghi tự quyết đoạn, tẩy trừ tâm cấu, ngôn hành trung tín, biểu lý tương ưng.

Phật bảo Di-lặc: Kính Phật là đại thiện, thật phải nên niệm Phật, cắt đứt hồ nghi, nhổ trừ ái dục, lấp các nguồn ác. Dạo chơi Tam giới chẳng hề ngăn ngại, khai thị chánh đạo, độ người chưa được độ. Các ông nên biết, nhân dân mười phương nhiều kiếp đến nay xoay vần trong năm đường, sầu khổ không dứt. Lúc sanh ra đau khổ, già cũng đau khổ, bệnh rất đau khổ, chết cực đau khổ. Xấu ác, hôi thối, bất tịnh, không có gì vui. Nên tự quyết cắt đứt, tẩy trừ cấu nhơ trong tâm, nói năng hành động trung tín, trong ngoài tương ưng.

Đoạn kinh văn này là sau khi Bồ-tát Di-lặc báo cáo tâm đắc về việc nghe kinh của mình, Phật càng thêm tán thán ngài, trong lời tán thán còn có sự dạy bảo thiết tha.

Phật bảo ngài Di-lặc: “Có thể cung kính Phật đó là đại thiện, thật sự phải niệm Phật”. Bốn câu này rất quan trọng, đặc biệt phải chú ý chữ “kính”. Tịnh Ảnh Sớ giải thích: “Cung kính gánh vác Phật ân thì gọi là kính Phật”. Gánh vác nghĩa là đảm đương, tiếp nhận. Bạn có thể đảm đương, tiếp nhận, hiểu rõ lời dạy của Phật thì mới là kính Phật, nếu chỉ là sự cung kính trên hình thức thì không đủ. Phải gánh vác sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, xem đó là sự nghiệp của chính mình, làm người nối nghiệp của Phật, đây mới thật sự là kính Phật, thế nên đây là đại thiện, chứ chẳng phải thiện tương đối. Bởi vì Phật đã huân tu trong vạn kiếp mới ngộ nhập tri kiến Phật, Phật dùng sự giác ngộ trên quả địa của ngài để làm tâm ban đầu trên nhân địa của chúng ta, vậy nên chúng ta mới có thể không trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp mà nhanh chóng ngộ nhập Phật trí, một đời thành tựu. Vãng sanh Cực Lạc chính là ngay thân này mà thành Phật.

Lời dạy của Phật đều là văn tự bát-nhã, chúng ta trước hết phải từ văn tự mà khởi quán chiếu, vô trụ sanh tâm rất khó quán chiếu, nhưng có thể từ “như mộng huyễn bọt bóng” mà hạ thủ. Sự việc đến rồi, mừng giận, sầu thương đều như mộng, như bọt, như bóng, có thể làm được như vậy thì chính là người linh hoạt quyền biến. Sau khi quán chiếu thâm nhập rồi thì có thể chứng nhập thật tướng bát-nhã, đây gọi là “cung kính gánh vác Phật ân”. Nhất thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh chính là ân đức tối thượng trong Phật ân, cho nên chúng ta phải báo đền ân đức này mà phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, sanh ngang qua bốn cõi, viên mãn lên địa vị Bất Thoái, đây mới là thật sự kính Phật.

Bên trên là khai thị của Hoàng Niệm lão về việc kính Phật.

Tiếp theo là phần khai thị có liên quan đến việc kính Phật của lão pháp sư:

Thiện của thế gian, thiện của xuất thế gian, thiện nào là lớn nhất, chân thật nhất? Kính Phật. Chúng ta có kính Phật không? Chúng ta trên hình thức bề ngoài là kính Phật, nhưng trên thực tế thì tuyệt chẳng hề để Phật ở trong tâm. Nếu thật sự có Phật ở trong tâm thì theo lẽ thường đã nhanh chóng thành Phật rồi. Bởi vì tâm là Phật, Phật là tâm, thì có lý nào mà không thành Phật? Thích-ca Mâu-ni Phật trong 49 năm đã buốt lòng rát miệng dạy dỗ chúng ta điều gì? Nói toạc ra chính là hai chữ mà thôi: một là chữ Hiếu, hai là chữ Kính. Có thể hiếu thân, có thể tôn sư thì Phật pháp bèn viên mãn. Chân thành hiếu kính ở trong tâm tự nhiên biểu hiện ra dáng vẻ bên ngoài. Nếu trong tâm chúng ta có một vọng niệm thì bất kính rồi. Phật dạy chúng ta tu tâm thanh tịnh, trong tâm còn có vọng niệm thì đó là bất kính, không kính Phật chính là bất hiếu. Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chân thành, tâm cung kính đều là hiếu kính. Chúng ta đối nhân, xử thế, tiếp vật đều không tuân thủ theo lời Phật dạy thì đó là đại bất kính. Phật dạy chúng ta dưỡng tâm, dưỡng thân, phải thanh tịnh; đối nhân xử thế tiếp vật thì phải từ bi. Chúng ta đã làm được mấy phần rồi?

/ 100