PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 11/08/2021
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 79
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Mời xem kinh văn kế tiếp:
Nhất tử nhất sanh, điệt tương cố luyến, ưu ái kết phược, vô hữu giải thời. Tư tưởng ân hảo, bất ly tình dục. Bất năng thâm tư thục kế, chuyên tinh hành đạo, niên thọ toàn tận, vô khả nại hà! Hoặc đạo giả chúng, ngộ đạo giả thiểu.
Kẻ sống người chết, quyến luyến lẫn nhau, sầu thương trói buộc, không có lúc thoát khỏi. Xét đến sự ân ái, yêu thương đều không lìa tình dục. Chẳng thể suy cùng xét kỹ, tinh chuyên hành đạo, tuổi thọ thoáng chốc là hết, biết làm sao đây! Kẻ mê hoặc nơi đạo thì nhiều, người ngộ đạo ít.
“Kẻ sống người chết, quyến luyến lẫn nhau, sầu thương trói buộc, không có lúc thoát khỏi”
Người còn kẻ mất bịn rịn quyến luyến nhau, khó lòng dứt được. Người sắp chết đau khổ vì chính mình sắp lìa khỏi cuộc đời, không biết sẽ phải đi về đâu. Người còn sống đau xót vì phải vĩnh biệt người thân, đau lòng vì không còn gặp lại nhau. Lưu luyến khó xả, ái biệt ly khổ, đau như dao cắt vào tim, sự ân ái trước đây đều trở thành nỗi thống khổ, thân tâm bị lo lắng và yêu thương trói buộc, chẳng có lúc nào thoát ra.
Đại Thừa Nghĩa Chương nói: “Phiền não, ám hoặc trói buộc hành nhân nên gọi là “trói”; lại ràng buộc cái tâm nên gọi là “trói”, vì nó kết tập hết thảy sanh tử”. “Trói” có hai phương diện hàm nghĩa: Một là trói buộc, ràng buộc tâm của hành giả; hai là sự lo lắng và yêu thương đem sanh tử kết tập lại.
“Xét đến sự ân ái, yêu thương đều không lìa tình dục”
Đôi bên nhớ nghĩ đến nhau, tình cảm rất tốt, đó là không lìa tình dục. Người phương Tây ca ngợi ái tình, kỳ thật ái tình chẳng hề có chút thần thánh, tình còn tốt một chút, chứ dục và động vật thì đều giống nhau. Con người vì sao không yêu một vị hiền giả lớn tuổi mà lại yêu một chàng trai hay cô gái trẻ trung xinh đẹp? Đây chính là dục, chẳng có lý trí, cũng không có sự tôn trọng. Đều là nói yêu đối phương, nhưng kỳ thật là vì thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Ân ái, yêu thương đều là do tình và dục. Đối với người tu đạo mà nói, tình là nhân của đọa lạc, “thuần là tưởng thì bay lên, thuần là tình thì rớt xuống”. Kẻ đầu thai đến cõi người là do tình và tưởng mỗi thứ chiếm một nửa. Tưởng thì lìa khỏi tình rồi, bèn có thể siêu vượt không gian, có thể lên trời, có thể sanh đến thế giới Cực Lạc, nếu cao hơn nữa thì có thể lập tức thành tựu.
“Chẳng thể suy cùng xét kỹ, tinh chuyên hành đạo”
Chớp mắt vô thường chợt đến, hối hận chẳng kịp nữa.
“Kẻ mê hoặc nơi đạo thì nhiều, người ngộ đạo ít”
Đối với sự việc nói trên đều không thể nhìn ra, đó là do mê hoặc đối với đạo. Ý nghĩa của đạo rất sâu. Quỷ thần trọng đức, không trọng đạo, bởi vì không hiểu thế nào là đạo, người có đức thì trăm thần phò hộ. Thiền sư Ngưu Đầu trước khi khai ngộ thì có trăm chim ngậm hoa đến, khỉ vượn dâng trái cây. Sau khi ngài khai ngộ thì chúng đều không đến nữa, bởi vì quỷ thần chẳng thể suy xét. Cho nên người ở trong tình dục đối với đạo chỉ có mê hoặc.
Thế Tôn nói với chúng ta “thân người khó được”. Có được thân người là điều đáng quý, có giá trị nhất, vì trong lục đạo chỉ có cõi người là dễ dàng tu hành, năm cõi còn lại rất khó tu hành.
Thế Tôn cảm thán rằng thân người đáng quý, cho nên tất cả Bồ-tát thị hiện thành Phật đều ở cõi người. Thế Tôn cũng ở cõi người mà thị hiện thành Phật. Điều này nói rõ sự thù thắng của thân người, có được thân người chẳng dễ. “Thân người khó được”, chúng ta đã có được thân người; “Phật pháp khó được nghe”, chúng ta cũng đã nghe được Phật pháp, nhân duyên thù thắng này cực kỳ hy hữu. Hiện nay trên thế giới có hơn 7 tỉ người, thử hỏi trong đây có bao nhiêu người nghe được Phật pháp? Căn cứ theo báo cáo có liên quan, toàn thế giới có 5 tỉ người tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có 700 triệu người tín ngưỡng Phật giáo. 7 tỉ, 5 tỉ, 700 triệu thật sự là hơn kém rất xa. Trong số người nghe được Phật pháp lại có bao nhiêu người nghe được chánh pháp, trong đó lại có bao nhiêu người nghe được pháp môn Tịnh độ niệm Phật? Cứ như vậy mà loại trừ từng tầng một, từ chỗ này chúng ta đã lĩnh hội được ý nghĩa chân thật của “Phật pháp khó được nghe” hay chưa?