/ 100
136

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

 Thời gian: 10/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 78

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiết học trước giảng đến, nếu một gia đình bất hòa thì đó là oan gia tụ hội. Tiết học này, chúng tôi sẽ nói họ tụ hội như thế nào. Nói cách khác, nhân duyên tụ hội của họ là gì? Trong kinh, Phật nói rằng: vợ, con, cha mẹ, quyến thuộc, nếu không có bốn loại quan hệ thì tuyệt đối sẽ không trở thành người một nhà.

Bốn loại quan hệ này là:

Thứ nhất là báo ân. Đời trước hai bên có ân, người đến báo ân thì nhất định là con hiền cháu thảo, loại này rất ít. Thử nghĩ xem chúng ta đối với tất cả chúng sanh, thậm chí là người thân, bạn bè của chính mình, chúng ta thật sự có ân được với bao nhiêu người? Chúng ta thi ân quá ít, cho nên người báo ân không nhiều.

Thứ hai là báo oán. Chúng ta đối với những người đó bất mãn, hoặc là giận dữ, đây là kết oán với chúng sanh. Nếu oán hận nhiều thì oan gia của chính mình nhiều, người báo oán đến rồi thì phiền phức lớn. Con phá của chính là kẻ đến báo oán, đến gây phiền phức, khiến cho cả nhà không được yên ổn, thậm chí nhà tan người mất.

Thứ ba là đòi nợ, thông thường gọi là quỷ đòi nợ. Con cái đòi nợ đều khiến người rất yêu mến. Họ đòi xong là đi, nếu thiếu nợ ít thì hai ba tuổi họ chết, thiếu nợ nhiều thì mười mấy, hai mươi tuổi mới ra đi. Vừa mới nuôi chúng đến tốt nghiệp đại học, lấy được học vị tiến sĩ thì chúng ra đi, món nợ này chúng đã đòi xong rồi.

Thứ tư là trả nợ. Là họ thiếu nợ bạn, phải xem thiếu bao nhiêu, nếu thiếu nhiều thì họ cúng dường đời sống vật chất cho bạn rất hậu hĩ; nếu thiếu ít, họ thấy bạn có thể sống qua ngày là được rồi, không có tâm cung kính, không có tâm hiếu thuận.

Ở thế gian này, giữa người và người đều không ngoài bốn loại duyên này: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Cho nên, “hễ có tranh cãi, hoặc là giận dữ, đời sau chuyển nặng, trở thành oán lớn”. Những việc này làm thế nào có thể tránh khỏi? Duy chỉ có tiếp nhận giáo dục của thánh hiền, giáo dục chánh giác thì mới có thể hóa giải. Vì sao cần tiếp nhận giáo dục của thánh hiền? Vì sao cần tiếp nhận giáo dục của Phật pháp Đại thừa? Chính là để làm thế nào biến oan gia trở thành người thân, biến quyến thuộc trở thành bạn đạo đồng tu. Thông qua giáo dục có thể hóa giải oán hận nhiều đời nhiều kiếp, đôi bên vĩnh viễn chung sống hòa thuận.

“Hễ có tranh cãi, hoặc là giận dữ”

Thỉnh thoảng lúc nào đó trong lòng không vui, có chút oán hận, nổi tức giận, giữa hai bên xảy ra tranh đấu, tuyệt đối đừng xem thường việc này, phải kịp thời hóa giải nó, nếu không lâu ngày dài tháng sẽ “trở thành oán lớn, đời sau chuyển nặng”, oan oan tương báo, chẳng có hồi kết.

Vì sao lại thành ra như vậy? Xin nêu ví dụ, ví dụ có người kiếm bạn đòi nợ, bạn thiếu họ 3 gậy, kết quả họ đánh bạn 30 gậy, bạn vốn là thiếu nợ, trong chốc lát bèn biến thành người đòi nợ, bạn có quyền đòi 27 gậy. Bạn lại có thể đòi được họ, lúc đòi thì bạn ra tay quá đáng, lại tăng thêm con số, do vậy mà oan oan tương báo không bao giờ dứt.

Người học Phật nhất định phải nhớ kỹ, bất cứ lúc nào, không được kết oán cừu với bất kỳ người nào cả, đây là người thật sự thông minh, người thật sự có trí tuệ. Đối với oan gia trái chủ phải hết sức nhẫn nhường, nhẫn cả đời thì sẽ trả hết nợ. Đừng sợ bị thiệt thòi, đừng sợ bị mắc lừa, nhẫn nhường là trí tuệ. Thiệt thòi, bị lừa là phước báo, tiêu tai, miễn nạn, diệt tội.

“Sự việc ở đời, toàn là hoạn hại”

Người thế gian không có trí tuệ, không rõ sự lý, rất nhiều sự việc đổi qua đổi lại, đôi bên trở thành hoạn hại của nhau. Hoạn là họa hoạn, hại là nguy hại.

“Tuy chưa tới ngay lập tức”

Tuy chưa lập tức biểu hiện ra ngay trước mắt, nhưng nhân quả không hề hư dối, tuyệt đối không sai chạy. Vì vậy sau khi đức Thích-ca thành Phật còn phải thị hiện quả báo bị thương và ăn lúa ngựa. Bởi vì thọ mạng của một số A-tu-la rất dài, họ nhìn thấy người tu hành đều không bị thọ báo, họ bèn nói không có nhân quả. Thế nên Phật bèn thị hiện, cho thấy nhân quả không hư dối. Kỳ thật, Phật đã là “hiểu rồi nghiệp chướng vốn là không”, quả báo bị thương và ăn lúa ngựa chẳng qua là thị hiện, biểu diễn mà thôi.

/ 100