/ 100
235

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 10/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 77


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Nghi các cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu chi, tất đắc siêu tuyệt khứ, vãng sanh vô lượng thanh tịnh A-di-đà Phật quốc, hoành tiệt ư ngũ thú, ác đạo tự bế tắc. Vô cực chi thắng đạo, dị vãng nhi vô nhân. Kỳ quốc bất nghịch vi, tự nhiên sở khiên tùy. Quyên chí nhược hư không, cần hành cầu đạo đức, khả đắc cực trường sanh, thọ lạc vô hữu cực. Hà vi trước thế sự, nao nao ưu vô thường?

Mỗi người đều nên siêng năng tinh tấn, nỗ lực tự cầu đạo thì ắt được siêu vượt, dứt tuyệt [luân hồi], vãng sanh về cõi vô lượng thanh tịnh của A-di-đà Phật, cắt ngang năm đường, ác đạo tự đóng bít. Con đường thù thắng vô cực, dễ đi mà không người theo! Cõi ấy không trái nghịch, tự nhiên bị kéo theo. Chí xả như hư không, siêng hành cầu đạo đức, đạt được cực trường sanh, thọ lạc không cùng tận. Sao lại đắm trước thế sự, nháo nhác lo chuyện vô thường?

“Mỗi người đều nên siêng năng tinh tấn, nỗ lực tự cầu đạo”. Mọi người đều phải chuyên cần tinh tấn, bản thân nỗ lực cầu đạo, “thì ắt được siêu vượt, dứt tuyệt [luân hồi]”, có thể vãng sanh đến cõi nước thanh tịnh của A-di-đà Phật. “Cắt ngang năm đường”, cắt ngang thì không có thứ lớp, mà trong phút chốc đoạn dứt năm đường ác. Đến thế giới Cực Lạc rồi thì sẽ không vì tội nghiệp mà đọa trong năm đường này nữa. Ngay cả cõi trời cũng gọi là đường ác, những tôn giáo khác xem việc sanh thiên là quả vị rốt ráo, còn Phật giáo xem việc sanh thiên thành đường ác, đây chính là chỗ thù thắng [của Phật giáo]. Cắt ngang năm đường thì ác đạo tự nhiên đóng bít.

“Con đường thù thắng vô cực”, đến thế giới Cực Lạc thì chính là vô cực! Đây là bản dịch thời Hán, có một số chữ, ngôn từ giống với Đạo giáo, việc này không sao cả, có thể mượn dùng. “Vô cực” ở đây chỉ rằng pháp môn Tịnh độ là con đường thù thắng, không có giới hạn.

“Dễ đi mà không người theo”, dễ dàng đi, nhưng lòng tin của mọi người chẳng đủ, “không người theo” ví cho người vãng sanh cực kỳ ít ỏi. Tuy người vãng sanh trong mười phương thế giới rất nhiều, nhưng theo thế giới Ta-bà mà nói, trên địa cầu này có biết bao chúng sanh, côn trùng, sanh mạng, tuy có người vãng sanh nhưng so với tổng số chúng sanh trên thế giới này mà nói thì ít ỏi đến mức chẳng đáng kể đến. Cho nên nói là “không người theo”, dễ dàng vãng sanh nhưng không có người nào cả.

“Cõi ấy không trái nghịch”, thế giới Cực Lạc chẳng hề cự tuyệt người nào đến. “Tự nhiên bị kéo theo”, tu nhân này thì tự nhiên được quả này. Vì vậy mọi người hãy nên “chí xả như hư không”, “quyên” là xả bỏ, xả bỏ hết những chí hướng của thế gian, tâm như hư không. “Siêng hành cầu đạo đức”, phải siêng tu đạo, tu đạo thì có thể đạt được “cực trường sanh”, người vãng sanh đều là vô lượng thọ. “Thọ lạc không cùng tận”, đến thế giới Cực Lạc rồi, mọi người đều như Phật Vô Lượng Thọ, vả lại đều thọ nhận niềm vui của giáo pháp Đại thừa, vĩnh viễn không có thoái chuyển.

“Sao lại đắm trước thế sự”, đây là một câu hỏi, vì sao bạn vẫn muốn tham đắm sự việc thế gian? Danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian, vì sao bạn còn tham đắm những thứ này? “Nháo nhác lo chuyện vô thường”, “nháo nhác” chính là nhao nhao lo được lo mất, vì chuyện thế gian mà sinh ra đủ mọi lo âu. “Sao lại đắm trước thế sự, nháo nhác lo chuyện vô thường?” Hai câu này, một lời đã nói toạc ra tâm tình của chúng sanh trong sáu cõi cùng những việc mà họ đã làm. Những chuyện thế gian nào, những chuyện vô thường nào, những chuyện thế gian và vô thường nào khiến bạn từ sáng đến tối ưu tư lo lắng vậy? Trong kinh văn phẩm kế tiếp, Phật sẽ phân tích tường tận cho chúng ta, khuyên răn chúng ta nếu làm những việc này thì chính là lục đạo luân hồi, chính là đang tạo ra sáu cõi, tạo ra ba đường ác, tự làm tự chịu.

Tôi đã giảng xong phẩm kinh văn này rồi. Tiếp theo xin tổng kết một chút trọng điểm của kinh văn phẩm thứ 32.

Trọng điểm của kinh văn phẩm thứ 32, kinh văn phẩm thứ 32 có 12 trọng điểm.

/ 100