/ 100
188

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

 Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

 Thời gian: 09/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 76


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

“Tạo thành thiện nguyện, hết lòng tìm tòi nỗ lực”

Mỗi một người học Phật, khi còn ở nhân địa đều có phát nguyện, phát nguyện đó là thật, khi duyên chín muồi thì nguyện đó nhất định thành hiện thực; duyên chưa chín muồi thì đừng miễn cưỡng, miễn cưỡng thì sẽ có chướng ngại. Phát nguyện gì vậy? Phát nguyện độ chúng sanh. “Tạo thành thiện nguyện” chính là giúp đỡ Phật tiếp dẫn chúng sanh, giúp đỡ Phật giáo hóa chúng sanh. Giống như bài ca Tỉnh Thế mà chúng tôi tự sáng tác và tự hát có đoạn rằng: “Là trợ thủ tốt của A-di-đà Phật, giúp Phật tiếp dẫn vô lượng vô biên chúng sanh”. Làm thế nào giúp đỡ chúng sanh? Phổ biến rộng rãi pháp môn Tịnh độ niệm Phật, mọi lúc mọi nơi đều giới thiệu, nêu lên cho tất cả chúng sanh. Đây chính là “tạo thành thiện nguyện”.

“Hết lòng tìm tòi nỗ lực” là việc chúng ta phải tận tâm tận lực mà làm, tận tâm tận lực thì viên mãn, đừng miễn cưỡng đi làm những việc không đủ sức. Tận tâm tận lực chính là phương tiện thiện xảo. Một số người miễn cưỡng đi làm những việc mà sức mình chẳng đủ cho nên sanh phiền não, cách làm như vậy là sai lầm. Ví dụ như nói đến việc hóa duyên, quyên góp. Phàm là việc hóa duyên, quyên góp thì đều là những việc làm rất miễn cưỡng, không như pháp. Tuy là việc tốt nhưng trong tâm rất phiền, trong tâm có dính mắc, có lo âu, đạo tâm bị thoái thất rồi, cái được không bù nổi cái mất.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, Thế Tôn nói: “Cho dù cúng dường hằng sa thánh, không bằng kiên dõng cầu chánh giác”, lời này nói rất hay, rất rõ ràng. Việc dù tốt đến đâu cũng không được dùng cách thức không chính đáng mà làm. Thói tệ liên quan đến hóa duyên và quyên góp rất nhiều, khiến người ta có rất nhiều cơ hội tạo nghiệp, di chứng để lại rất lớn. Vì vậy, người thật sự có đạo hạnh thì không nhẫn tâm nhìn chúng sanh tạo tội nghiệp, không nhẫn tâm nhìn chúng sanh nhân đây mà đọa lạc. Quyên góp, hóa duyên đều không phải là phương pháp tốt. Tuy trong kinh Phật cũng nói rằng: Sức của một người có khi chẳng đủ, nhờ mọi người đến trợ duyên bèn thành tựu. Phải biết rằng đó là mọi người tự động phát tâm, hoan hỷ đến trợ duyên, chẳng phải là đi quyên góp. Nếu như là miễn cưỡng, hoặc là kêu gọi đóng góp, thì tâm của người khác sẽ có gánh nặng. Cho dù bản thân người đó vui lòng nhưng người nhà của họ chưa chắc vui lòng, sẽ khiến cho người nhà của họ phản cảm, thậm chí là tranh chấp, khiến cho chúng sanh hủy báng Phật pháp, tạo tác tội nghiệp, đồng thời cũng phá hoại hình tượng của Phật giáo.

Năm xưa đại sư Chương Gia dạy lão pháp sư, cho dù là việc thiện cũng đừng cầu nơi người, cầu người, nếu người không đồng ý thì sanh phiền não. Ngài nói bạn cầu Phật Bồ-tát. Cầu Phật Bồ-tát nếu không có cảm ứng là do có nghiệp chướng. Nghiệp chướng tiêu trừ rồi, đợi khi cơ duyên chín muồi thì nhất định cảm ứng đạo giao. Đây là lời giáo huấn chân thật của một vị minh sư đối với học sinh.

Ở đây có một vấn đề cần phải nói rõ một chút, tiết học trước tôi giảng “điềm đạm, an tĩnh, vô dục”, tiết học này tôi giảng “hết lòng tìm tòi nỗ lực”, hai cách nói này liệu có mâu thuẫn nhau không? Chúng ta xem Hoàng Niệm lão giải thích ra sao.

“Tạo thành thiện nguyện, hết lòng tìm tòi nỗ lực”, có thiện nguyện rồi thì hết lòng tìm tòi nỗ lực thực hiện thiện nguyện đó. Giống như tỳ-kheo Pháp Tạng dành thời gian năm kiếp để thực hiện nguyện của ngài. Trước đó năm kiếp là kết thành đại nguyện, sự tu trì sau đó là tinh tấn tìm tòi nỗ lực, thoạt nhìn thì dường như là mâu thuẫn. Việc này giống với phẩm Đức Tuân Phổ Hiền: Những đại Bồ-tát này đều nhập pháp môn không, vô tướng, vô nguyện, nhưng đồng thời đều tuân tu đức của Đại sĩ Phổ Hiền, đầy đủ vô lượng hạnh nguyện. Mọi người chú ý “nhập pháp môn không, vô tướng, vô nguyện”, sau đó lại có “đầy đủ vô lượng hạnh nguyện”. Phải khéo phát hiện những mâu thuẫn này, phát hiện ra mâu thuẫn rồi sau đó giải quyết mâu thuẫn, bèn thâm nhập nghĩa lý. Có khi chẳng thể phát hiện ra được, có khi phát hiện rồi nhưng không thể giải quyết, đây chính là quá trình dụng công của chúng ta. Quá trình này chính là lý và sự đều vô ngại. “Không, vô tướng, vô nguyện” là lý, “vô lượng hạnh nguyện” là sự. Suốt ngày độ sanh là sự, suốt ngày chẳng độ ai là lý, đây đều là lý sự vô ngại. Nghiêng về sự độ thì là tiểu Bồ-tát, A-la-hán thì nặng về bên “không”.

/ 100