/ 100
211

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

 Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

 Thời gian: 09/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 75


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Phần trước chúng tôi đã dùng thời gian ba tiếng đồng hồ để giảng xong kinh văn phẩm thứ 31. Tiếp theo quy nạp một chút phần trọng điểm của phẩm kinh văn này.

Trọng điểm của kinh văn phẩm 31, phẩm kinh văn này có 16 trọng điểm.

Trọng điểm thứ nhất: Trí tuệ từ đâu mà có? Vì sao trí tuệ vốn có trong tự tánh của chúng ta không thể hiển hiện ra? Một câu của Thế Tôn đã nói toạc ra bí mật, bí mật đó là gì? Trí tuệ là tự tánh vốn sẵn có, chẳng phải cầu từ bên ngoài. Trí tuệ mà tự tánh vốn có không thể hiển hiện ra là do bị vọng tưởng, chấp trước chướng ngại rồi. Bí mật mà một lời của Thế Tôn đã nói toạc ra là: Hết thảy chúng sanh đều có đức tướng, trí tuệ của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc. Hết thảy bậc thánh thế xuất thế gian đều chưa nói được thấu triệt điều này, chỉ có Thích-ca Mâu-ni Phật một lời đã nói toạc vấn đề này cho chúng ta.

Trọng điểm thứ hai: Ba thứ bậc tu học pháp môn niệm Phật của Tịnh độ là gì? Đối chiếu với tình hình tu hành của bản thân thì bạn đang ở tầng thứ mấy? Tầng thứ nhất: công phu niệm Phật thành phiến là A-la-hán. Tầng thứ hai: Sự nhất tâm bất loạn là Bồ-tát. Tầng thứ ba: lý nhất tâm bất loạn là Phật.

Trọng điểm thứ ba: Cư sĩ tại gia làm thế nào cúng dường pháp sư xuất gia một cách như pháp? Cúng dường không như pháp thì có nguy hại gì?

Trọng điểm thứ tư: Đệ tử Phật phải xem trọng uy đức, chú ý đến phong độ, hình tượng của chúng ta chính là hình ảnh của Phật giáo, nếu hình tượng của bạn tốt, có uy đức, có khí chất, có phong độ thì đó là mô phạm bậc nhất cho chúng sanh, sự mô phạm này rất quan trọng, chúng ta thông thường gọi là “ấn tượng đầu tiên”. Vì vậy chúng ta phải chú ý đến hình tượng của bản thân, hình tượng của chúng ta càng tốt đẹp thì độ càng nhiều chúng sanh. Lão pháp sư nhiều lần dạy chúng ta, phải làm ra tấm gương tốt cho chúng sanh, đừng làm gương xấu. Đối chiếu với lời nói hành vi cử chỉ của bản thân thì bạn đã làm được thế nào rồi?

Trọng điểm thứ năm: Đối mặt với nhiều sự ô nhiễm trong xã hội trước mắt như vậy, bạn làm thế nào để ngăn ngừa những ô nhiễm này? Hãy nói ra kinh nghiệm của bạn hoặc nói ra lời chỉ giáo của bạn cũng được.

Trọng điểm thứ sáu: Ân huệ lớn nhất mà chư Phật Bồ-tát dành cho chúng sanh là gì? Bạn có những lĩnh hội cụ thể nào? Đó là [các ngài] giảng kinh thuyết pháp cho chúng ta, khiến chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật, khiến chúng ta có thể thật sự giác ngộ, đạt được lợi ích chân thật.

Trọng điểm thứ bảy: Người như thế nào thì dễ dính ma? Người như thế nào thì dễ bị dựa? Làm thế nào giải quyết vấn đề này? Người âm khí nặng, không đủ dương khí; người tâm nghi ngờ nặng, ý niệm bất thiện nhiều; người vọng niệm nhiều, cả ngày nghĩ ngợi lung tung; người thích thần thông, truy cầu thần thông, thích cảm ứng, truy cầu cảm ứng; người lúc nào cũng ra vẻ thần bí, giả thần giả quỷ; người không có chánh tri chánh kiến, dễ bị dao động; người tín ngưỡng hỗn loạn, thứ gì cũng tin, thứ gì cũng cúng nhưng đều là tin mà không hiểu rõ, cúng mà chẳng hiểu rõ. Những loại người kể trên dễ bị dính ma, dễ bị dựa thân. Người thật sự thật thà niệm Phật thì một người cũng chẳng dính ma, một người cũng không bị dựa thân. Vì sao vậy? Bởi vì người thật sự niệm Phật thì được Phật quang soi chiếu, có 25 vị Bồ-tát bảo hộ. Làm thế nào giải quyết vấn đề này? Hãy thật thà niệm Phật.

Trọng điểm thứ tám: Phước điền lớn nhất là gì? Bạn làm thế nào trồng phước điền? Phước điền lớn nhất là Phật pháp, chẳng phải là Phật pháp trên hình thức, mà là Phật pháp thực chất, phải có tuệ nhãn mới nhận ra được ngọc, đừng trồng phước điền sai lầm.

Trọng điểm thứ chín: Người từ mười phương thế giới vãng sanh đến thế giới Cực Lạc đều thuần nhất là Phổ Hiền Bồ-tát, điều này cực kỳ thù thắng.

Trọng điểm thứ mười: Chúng ta đã nghe kinh mấy mươi năm đều không khai ngộ, thậm chí nghe sai ý, hiểu lệch lạc, do nguyên nhân gì gây nên? Do phân biệt, chấp trước, chấp tướng. Chấp tướng danh tự, chấp tướng ngôn thuyết, chấp tướng tâm duyên. Hễ chấp ba tướng này thì đã đóng bít cửa ngộ rồi.

/ 100