/ 100
225

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 08/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 74


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

“Luận pháp không chán, cầu pháp không mỏi mệt”

Câu thứ nhất trong hai câu kinh văn này là giác tha, câu thứ hai là tự giác. Đây là trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. “Cầu pháp không mỏi mệt” là trên cầu Phật đạo, “luận pháp không chán” là dưới hóa độ chúng sanh.

“Luận pháp không chán”

Ý nói giúp đỡ người khác, dạy dỗ không chán mệt. Luận pháp chính là giảng kinh dạy học không mệt không chán.

Phật Bồ-tát muốn giúp đỡ chúng sanh mê hoặc điên đảo giác ngộ, dùng phương pháp gì vậy? Nhất định phải dùng phương pháp dạy học, đó chính là giảng kinh dạy học. Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh thuyết pháp 49 năm, đã làm ra tấm gương cho chúng ta. Lão pháp sư học theo Phật Thích-ca, đi theo đường của Phật Thích-ca, hoằng pháp của Phật Thích-ca, giảng kinh thuyết pháp đến nay đã 62 năm, đáng được xưng là người giảng kinh thuyết pháp bậc nhất trong lịch sử Phật giáo, công đức của ngài vô lượng.

Giúp chúng sanh giác ngộ thì nhất định phải thuyết pháp cho chúng sanh, phải có phương pháp rất xảo diệu để dẫn dắt chúng sanh vào cửa Phật, khiến họ nhận thức Phật pháp, hiểu được Phật pháp, ưa thích Phật pháp, tiếp nhận Phật pháp, phụng hành Phật pháp, họ bèn được lợi ích, đây là lợi tha.

“Cầu pháp không mỏi mệt”

Chỉ cho sự việc của bản thân chúng ta, là nói về sự tu hành của chính mình. Vì sao phải cầu pháp không mỏi mệt? Bởi vì sự tu hành của chúng ta vẫn chưa đạt đến viên mãn. Đẳng giác Bồ-tát còn cầu pháp không mỏi mệt, phải phá một phẩm sanh tướng vô minh sau cùng thì mới đạt đến cảnh giới đại viên mãn. Đẳng giác Bồ-tát còn tinh tấn cầu pháp, huống hồ chúng ta ở địa vị phàm phu. Cho dù sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, được uy đức đại nguyện của Di-đà gia trì nên thần thông, đạo lực, tướng hảo đều tương đồng với đại Bồ-tát, nhưng trên thực tế thì một phẩm phiền não cũng chưa phá, nếu chẳng cầu pháp không mỏi mệt thì sao được?

Ai là tấm gương cầu pháp không mỏi mệt của chúng ta? Là tỳ-kheo Pháp Tạng? Các đồng tu hãy nhớ lại một chút, tỳ-kheo Pháp Tạng đã thỉnh pháp với Thế Gian Tự Tại Vương Phật như thế nào? Thế Gian Tự Tại Vương Phật đã dạy tỳ-kheo Pháp Tạng ra sao? Tỳ-kheo Pháp Tạng làm thế nào kiến lập nên thế giới Tây Phương Cực Lạc? Đây là cặp thầy trò chí đồng đạo hợp, vĩnh viễn là tấm gương để chúng ta học tập.

Tịnh Ảnh Sớ nói: “Chuyên thích cầu pháp, tâm không chán đủ là phương tiện tự lợi”. Ba câu này là lời bình chú cho kinh Vô Lượng Thọ của đại sư Huệ Viễn thời nhà Tùy. “Chuyên thích cầu pháp”, thích là ưa thích, ưa thích điều gì? Ưa thích Phật pháp, tâm không biết chán biết đủ, đây là tự lợi. “Thường muốn rộng nói, chí không mỏi mệt chính là lợi tha”, đây là nói lợi tha. Lợi tha chính là thường xuyên muốn giảng kinh dạy học. Học không chán, dạy không mỏi, chí không sờn, không mỏi mệt. Đây đều là lời chân thật, bản thân tôi đã đích thân trải nghiệm qua. Thuyết pháp dạy học càng nói thì càng hoan hỷ, quên cả mệt mỏi. Vì sao vậy? Pháp hỷ sung mãn. Nhất là khi thuyết pháp, lúc giảng kinh thường xuyên có chỗ ngộ, nói theo cách của tôi thì chính là bóng đèn nhỏ sáng lên rồi, cảm giác đó vô cùng tuyệt vời, ngay cả chính mình cũng cảm thấy kỳ lạ, sao có thể nói ra những lời này được? Là do ai dạy vậy? Hiện nay là lần phúc giảng thứ hai, bóng đèn nhỏ càng ngày càng sáng nhiều hơn, cho nên mỗi ngày pháp hỷ sung mãn, tôi đã biết thế nào gọi là “pháp lạc” rồi. Tôi đã hiểu hàm nghĩa chân thật là mùi vị thế gian sao có thể nồng nàn bằng pháp vị được. “Bồ-tát cầu pháp là để lợi tha, cho nên đắc được pháp rồi ắt sẽ thuyết cho người”. “Vì tất cả chúng sanh mà trải qua vô lượng kiếp cũng không mỏi mệt”, câu này quan trọng, chẳng phải một ngày không mỏi mệt, không phải một tháng không mỏi mệt, chẳng phải một năm không mỏi mệt, mà là trải qua vô lượng kiếp đều không có hiện tượng mỏi mệt. Đây là Bồ-tát, chẳng phải người phàm, chúng ta phải học tập Bồ-tát, buông xuống tất cả sự mệt mỏi, vất vả, nhọc nhằn thì mới tương ưng với Bồ-tát. Quan trọng hơn, đó là thực hành vào trong đời sống, thực hành vào trong công việc, thực hành vào trong đối nhân xử thế tiếp vật. Thật sự dùng được rồi thì thật sự có được pháp hỷ, chân thật được thọ dụng. Tu hành và cuộc sống dung hợp thành một thể, đây là tu hành chân thật.

/ 100