/ 100
89

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 08/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 73

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Phần sau cùng của tiết học trước nói đến một số lời cảnh tỉnh liên quan đến ngoại đạo của đại sư Ấn Quang, nay trích ra vài đoạn để chia sẻ với các đồng tu.

“Thời nay tà ma ngoại đạo rất nhiều, quyết không được có chút tâm tìm tòi xét thử, hễ có tâm ấy bèn bị nó dụ, một phen vào tròng ắt dẫn đến táng tâm cuồng loạn”.

“Tà ma ngoại đạo hiện thời nhiều không kể xiết, chúng đều tự cho rằng mình là số một, chư vị chớ bị bọn ma con này dụ hoặc. Nếu trước đã từng vào cửa nhà chúng thì hãy nên dứt trừ sạch sẽ, đừng cho rằng lúc vào đã lỡ thề thốt, sợ bỏ lời thề thì sẽ gặp họa. Phải biết bỏ tà quy chánh thì sao gặp họa được, chẳng những không gặp họa, mà lại còn có công đức”.

“Thế gian hiện nay là thời kỳ ma vương ngoại đạo xuất thế. Nếu trong đời quá khứ không trồng thiện căn chân thật, người có tín tâm cũng đều rơi hết vào lưới ma. Do chúng ma đó đều có pháp thuật quái dị lạ thường nhằm dụ hoặc người. Các vị hãy nhất tâm trì giới niệm Phật, mặc cho bọn ma vương ngoại đạo hiện ra trò quỷ quái gì cũng đều chẳng để ý đến, như vậy sẽ không bị bọn đồ đệ của ma dẫn dắt vào ma đảng”.

Lời cảnh tỉnh của tổ sư bên trên chính là sự miêu tả chân thật về hiện trạng xã hội ngày nay, chúng ta thân ở trong xã hội này nên bị hại thê thảm. Tuy bị hại nặng nề mà chính mình không hay biết, thậm chí bị hại nhiều lần mà vẫn không tỉnh ngộ, đúng là kẻ đáng thương xót.

Lời khuyên dạy của tổ sư, chúng ta phải kính cẩn ghi nhớ trong tâm, y theo lời dạy mà tu hành thì bất kể tà ma ngoại đạo nào cũng chẳng thể làm gì được bạn. Hãy nhớ rằng ruồi nhặng không bâu quả trứng lành, trứng của bạn bị nứt, không bâu vào bạn thì bâu ai?

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Kỳ tâm chánh trực, thiện xảo quyết định, luận pháp vô yếm, cầu pháp bất quyện. Giới nhược lưu ly, nội ngoại minh khiết. Kỳ sở ngôn thuyết, linh chúng duyệt phục. Kích pháp cổ, kiến pháp tràng, diệu huệ nhật, phá si ám. Thuần tịnh ôn hòa, tịch định minh sát. Vi đại đạo sư, điều phục tự tha, dẫn đạo quần sanh, xả chư ái trước. Vĩnh ly tam cấu, du hý thần thông.

Tâm ấy chánh trực, thiện xảo quyết định, luận pháp không chán, cầu pháp không mỏi mệt. Giới như lưu ly, trong ngoài sáng sạch. Phàm nói điều gì đều khiến người vui tín phục. Đánh trống pháp, lập pháp tràng, sáng huệ nhật, phá si ám. Thuần tịnh ôn hòa, tịch định sáng suốt. Làm đại đạo sư, điều phục cả mình lẫn người, dẫn dắt quần sanh, xả các ái trước. Vĩnh viễn xa hẳn ba độc, thần thông tự tại.

Đoạn kinh văn này nói rõ công đức chân thật của Bồ-tát thế giới Cực Lạc. Đoạn kinh văn trước đó là hoàn toàn dùng tỉ dụ để nêu rõ công đức của các Bồ-tát thế giới Cực Lạc. Đoạn kinh văn này không dùng tỉ dụ, mà dùng phương pháp chánh thuyết, giới thiệu chính xác cho chúng ta công đức chân thật của Bồ-tát thế giới Cực Lạc. Có thể chia thành hai đoạn nhỏ để nói, từ “tâm ấy chánh trực” cho đến “trong ngoài sáng sạch” nêu lên công đức tự mình giác ngộ của Bồ-tát, cũng chính là công đức tự lợi. Từ “phàm nói điều gì” cho đến “thần thông tự tại” là nêu lên công đức giác ngộ kẻ khác của Bồ-tát, cũng chính là công đức thuyết pháp lợi sanh của Bồ-tát.

“Tâm ấy chánh trực, thiện xảo quyết định”

Ý nghĩa của hai từ “chánh trực” là: “chánh thì không tà, trực thì không cong”. Kinh Tịnh Danh nói: “Tâm chánh trực là đạo tràng”. Trong Vãng Sanh Luận nói, Pháp sư Đàm Loan chú thích rằng: “Chánh trực là ngay thẳng, do chánh trực nên sanh tâm thương xót hết thảy chúng sanh”. Tâm chánh trực là đạo tràng, đạo tràng ở đâu? Tâm chánh trực là đạo tràng chân chánh. Vì sao vậy? Bởi vì tâm chánh trực sinh ra các đạo lớn. Phật đạo, Bồ-tát đạo, Thanh văn đạo đều sinh ra từ tâm chánh trực.

Kinh Pháp Hoa nói: “Ở trong các Bồ-tát, chánh trực xả phương tiện, chỉ nói đạo Vô thượng”. Nghĩa là nói, trong hết thảy Bồ-tát, Phật dùng thái độ chánh trực xả bỏ những đạo phương tiện trước đây, ngài dùng cách nói chánh trực, chỉ nói đạo Vô thượng. “Chỉ nói” chính là nói thẳng, chỉ nói điều này, duy chỉ nói đạo Vô thượng của Như Lai. Phẩm thứ hai, phẩm Phương Tiện của kinh Pháp Hoa, Phật dạy Bồ-tát rằng: Không có pháp phương tiện. Vì sao vậy? Vì các ngài là Bồ-tát. Đối với phàm phu chúng ta thì Phật thường nói pháp phương tiện. Tiểu thừa là phương tiện, năm khoa mục mà chúng tôi đề xướng và yêu cầu đồng tu Tịnh tông cùng nhau tu học là phương tiện.

/ 100