/ 100
224

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 07/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 72


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Hôm nay chúng tôi bắt đầu giảng kinh văn phẩm 31:

CHÂN THẬT CÔNG ĐỨC ĐỆ TAM THẬP NHẤT

Trong phẩm kinh văn này, Thế Tôn dùng phương pháp tỉ dụ, nêu rõ cho chúng ta vô lượng công đức tự lợi lợi tha của các Bồ-tát ở thế giới Cực Lạc, khiến chúng ta có thể lĩnh hội được sự thù thắng của công đức của các Bồ-tát. Thế Tôn cũng khuyến tấn chúng ta phải noi gương các ngài, đây là ý nghĩa chân thật trong lời thuyết pháp của Thế Tôn.

Mời xem kinh văn bên dưới.

Kỳ trí hoằng thâm, thí như cự hải. Bồ-đề cao quảng, dụ nhược Tu-di. Tự thân uy quang, siêu ư nhật nguyệt. Kỳ tâm khiết bạch, do như Tuyết Sơn. Nhẫn nhục như địa, nhất thiết bình đẳng. Thanh tịnh như thủy, tẩy chư trần cấu. Xí thạnh như hỏa, thiêu phiền não tân. Bất trước như phong, vô chư chướng ngại. Pháp âm lôi chấn, giác vị giác cố. Vũ cam lồ pháp, nhuận chúng sanh cố. Khoáng nhược hư không, đại từ đẳng cố. Như tịnh liên hoa, ly nhiễm ô cố. Như Ni-câu thụ, phú ấm đại cố. Như kim cang xử, phá tà chấp cố. Như Thiết-vi sơn, chúng ma ngoại đạo bất năng động cố.

Trí tuệ rộng sâu, tựa như biển cả, Bồ-đề cao rộng như núi Tu-di. Uy quang của thân vượt hơn nhật nguyệt, tâm ấy trong sạch ví như Tuyết Sơn. Nhẫn nhục như đất, bình đẳng tất cả. Thanh tịnh như nước, rửa sạch bụi bẩn. Hừng hực như lửa, đốt củi phiền não. Không chấp trước như gió, chẳng có các chướng ngại. Pháp âm như sấm vang, giác ngộ kẻ chưa giác. Tuôn mưa pháp cam lồ để thấm nhuần chúng sanh. Tâm rộng như hư không, đại từ bình đẳng. Như hoa sen thanh tịnh, lìa xa ô nhiễm. Như cây ni-câu, che bóng rộng lớn. Như chùy kim cang, phá tan tà chấp. Như núi Thiết-vi, chúng ma ngoại đạo không lay chuyển được.

Từ phẩm thứ 28 Đại Sĩ Thần Quang đến phẩm thứ 32 Thọ Lạc Vô Cực, năm phẩm kinh văn này đều nói về sự tu trì của Bồ-tát và cảnh giới của Bồ-tát thế giới Cực Lạc. Phẩm thứ 30 Bồ-tát Tu Trì là phẩm kinh nói tương đối sâu.

Hôm nay giảng phẩm 31 Công Đức Chân Thật, là một trong năm phẩm, nói về những công đức mà các Bồ-tát ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đã làm là công đức chân thật. Phần mở đầu của phẩm kinh văn này đã dùng 15 tỉ dụ để nói công đức của các Bồ-tát thế giới Cực Lạc sâu rộng như biển lớn. Sự giác ngộ cao và rộng tựa như núi Tu-di, giống như biển lớn v.v. nhằm tỉ dụ cho công đức trang nghiêm của Bồ-tát thế giới Cực Lạc.

Tiếp theo, chúng tôi sẽ giải thích cụ thể đoạn kinh văn này.

“Trí tuệ rộng sâu, tựa như biển cả”

Đây là tỉ dụ thứ nhất. Câu kinh văn này là dùng biển cả để ví cho trí tuệ của các Bồ-tát. Xin chú ý từ “cả” này, biển lớn thì đã vô biên không bờ bến rồi, nhưng dùng từ biển lớn vẫn không đủ để hình dung cho trí tuệ của Bồ-tát, dùng biển cả (cự hải) là để cho chúng ta có không gian tưởng tượng, chúng ta có thể tưởng tượng ra được không? “Rộng” là lớn, trí tuệ vô lượng là lớn, trí tuệ thấu triệt là “sâu”. Câu đầu tiên của kinh văn dùng biển lớn để tỉ dụ cho trí tuệ rộng sâu của Đại sĩ cõi Cực Lạc.

Bồ-tát bất luận là chính mình tu hành hay là giáo hóa chúng sanh thì nhất định phải có trí tuệ sâu rộng làm nền tảng. Nếu không có trí tuệ thì không những chẳng thể lợi ích chúng sanh, mà còn luôn dẫn dắt chúng sanh lạc lối, lỗi dẫn dắt chúng sanh lầm lạc rất nặng. Nếu dẫn dắt sai lầm nghiêm trọng thì bạn đã đoạn pháp thân huệ mạng của người khác rồi, đây không còn là lỗi lầm, mà là tội lỗi. Người thế gian thường nói “khiến con em nhà người lầm lạc”, tội lỗi làm lầm lạc con em người khác, người thông thường rất hay lơ là việc này, không biết rằng dẫn dắt sai lầm con em người khác thì phải đọa địa ngục.

“Bồ-đề cao rộng, như núi Tu-di”

Đây là tỉ dụ thứ hai. Dùng núi Tu-di để ví với Bồ-đề cao vợi của Bồ-tát. Núi Tu-di là trung tâm của một thế giới, dịch là núi Diệu Cao. Tuệ Lâm Âm Nghĩa nói: “Bản dịch thời Đường gọi là núi Diệu Cao, do bốn loại báu hợp thành, cho nên gọi là Diệu; cao hơn các núi khác nên gọi là Cao. Hay còn gọi là núi Diệu Quang, là do bốn thứ sắc báu, quang minh khác nhau chiếu ngời thế gian”. Còn gọi là núi An Minh, Minh đã có nghĩa là diệu quang, còn mang nghĩa thanh tịnh vô cấu; An đại biểu cho định, cho bất động. Cho nên bản dịch thời Tống nói: “Kiên cố chẳng lay động, như núi Tu-di”. Tỉ dụ này mượn núi Tu-di do bốn chất báu hợp thành nhằm biểu đạt cho Bồ-đề của Bồ-tát thế giới Cực Lạc là do vạn đức trang nghiêm.

/ 100