PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 07/08/2021
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 71
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
“Giỏi biết âm thanh phương tiện tập diệt”
“Tập diệt” chỉ cho tập đế và diệt đế trong tứ đế (khổ, tập, diệt, đạo). Trong tập đế bao gồm khổ, trong diệt đế bao gồm đạo. Nói hai từ tập diệt, nhưng trên thực tế là đại biểu cho pháp tứ đế. Giáo pháp tứ đế là phương tiện mà nói, cho nên gọi là âm thanh phương tiện. Họ có phương tiện độ sanh, biết rành về giáo lý tập thiện thì gọi là tập âm thanh, rành về giáo lý diệt ác thì gọi là diệt âm thanh. Âm thanh là lời dạy trong giáo lý, lời nói trong giáo lý. Bồ-tát đối với những điều này có thể hiểu rõ, lại còn biết rành, khéo biết, cho nên gọi là “phương tiện”.
“Không thích ngôn luận thế gian, thích luận chánh pháp”
Hội Sớ nói: Nêu rõ việc lìa lỗi, [đó là] chẳng ham bàn luận những việc vô ích của thế gian, riêng ưa nói về liễu nghĩa rốt ráo xuất thế của Đại thừa. Lời liễu nghĩa đệ nhất nghĩa đế rốt ráo thì mới gọi là “chánh luận”.
Mời xem kinh văn kế tiếp:
Tri nhất thiết pháp, tất giai không tịch, sanh thân phiền não, nhị dư câu tận. Ư tam giới trung, bình đẳng cần tu cứu cánh Nhất thừa, chí ư bỉ ngạn, quyết đoạn nghi võng, chứng vô sở đắc. Dĩ phương tiện trí tăng trưởng liễu tri. Tùng bổn dĩ lai, an trụ thần thông, đắc Nhất thừa đạo, bất do tha ngộ.
Biết tất cả pháp đều là không tịch, dứt hết nhị dư: phiền não và sanh thân. Ở trong ba cõi bình đẳng siêng tu Nhất thừa rốt ráo, đạt đến bờ kia, quyết dứt lưới nghi, chứng vô sở đắc. Dùng phương tiện trí để tăng trưởng liễu tri. Từ xưa đến nay an trụ trong thần thông, đạt đạo Nhất thừa, chẳng từ bên ngoài mà ngộ.
Đoạn kinh văn này nói về đức hạnh viên mãn của Bồ-tát ở thế giới Cực Lạc. Đức hạnh viên mãn được kiến lập trên nền tảng trí tuệ chân thật. Trí tuệ chân thật là gì? Biết tất cả pháp đều là không. Tâm Kinh dạy chúng ta: “Sắc tức là không, không tức là sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc”. Không khác chính là hoàn toàn như nhau, không phải hai thứ. “Sắc” là tất cả mọi hiện tượng, tất cả hiện tượng đều không phải thật, chẳng những tất cả hiện tượng trọn chẳng thể đạt được, mà thân thể của chính chúng ta cũng trọn chẳng thể đạt được.
Đức hạnh của Bồ-tát ở thế giới Cực Lạc vì sao có thể viên mãn? Bởi vì biết rõ, “biết hết thảy pháp đều là không tịch”. Tám chữ này gọi là “nhìn thấu”. Vì sao chúng ta không thể buông xả? Do nhìn không thấu. Nhìn không thấu điều gì? Nhìn không thấu “biết hết thảy pháp đều là không tịch”. Tất cả pháp, thế pháp và Phật pháp đều bao gồm trong đó. Thế nên kinh Kim Cang nói với chúng ta: “Pháp còn phải xả, huống là chẳng phải pháp”.
Không những pháp thế gian là giả, mà pháp xuất thế gian cũng là giả. Hai thứ giả đều phải buông xả thì cái thật mới có thể hiện tiền. Cái gì là thật? Chân như bản tánh. Bốn câu kệ sau cùng của kinh Kim Cang nói rất hay, nói với chúng ta chân tướng sự thật: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng, như sương cũng như chớp, hãy nên quán như vậy”. Thế pháp, Phật pháp đều là “thảy đều không tịch”, người đại triệt đại ngộ thì làm Phật sự ở trong không tịch. Ai biết được không tịch? Pháp thân Bồ-tát, [Bồ-tát] Sơ trụ của Viên giáo trở lên, đây là kinh Hoa Nghiêm nói. Nếu là Biệt giáo thì phải từ Sơ địa trở lên, họ mới có thể vào cảnh giới này, họ không còn mê nữa. Tam hiền Bồ-tát của Biệt giáo chưa kiến tánh, không thể sanh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Trong cõi Thật Báo có 41 cấp bậc, 41 cấp bậc này chính đều là Viên giáo: Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, họ đều đã kiến tánh, gọi là kiến tánh nghĩa là họ đã thấy được chân tướng sự thật rồi.
Cái gì là thật? Thường Tịch Quang là thật. Đây là cấp bậc cao nhất của Tịnh độ tông. Lý này rất sâu. “Biết hết thảy pháp đều là không tịch”, đây là cảnh giới của Bồ-tát.
Thế nào là không? Không nghĩa là chẳng thể đạt được. Bạn không thể đạt được, chẳng cách nào có được, không cách nào nắm giữ, khống chế. “Bồ-tát của Cực Lạc do trí tuệ bát-nhã mầu nhiệm nên biết rõ hết thảy các pháp sau cùng đều là vô sở hữu, chẳng thể đạt được, bình đẳng không tịch”.