/ 100
96

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 04/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 65

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiết học hôm nay, trước tiên tôi xin tổng kết một chút trọng điểm của kinh văn phẩm 25, và kinh văn phẩm 26.

Trọng điểm của kinh văn phẩm 25. 

Kinh văn phẩm 25 có 7 trọng điểm.

Trọng điểm thứ nhất: loại thứ nhất, chánh nhân để vãng sanh bậc thượng là gì, quả báo như thế nào? Chánh nhân vãng sanh là thọ trì kinh này, cầu sanh Tịnh độ, phát tâm Bồ-đề, giữ các giới cấm, làm lợi ích hữu tình, nhớ Phật niệm Phật. Quả báo đạt được: người ấy mạng chung được sắc tướng như Phật, sanh trong cõi nước báu. Người ấy mạng chung được sắc tướng như Phật, người ấy giống như Phật, thân sắc vàng ròng, ba mươi hai tướng, lại còn có mọi thứ công đức trang nghiêm như Phật. Quả báo này quá thù thắng, được tướng giống như Phật.

Trọng điểm thứ hai: làm thế nào thực hiện được việc “giữ các giới cấm”? Bạn nhận thức việc đại sư Ngẫu Ích thoái giới xuống còn giới sa-di như thế nào? Thực hiện năm khoa mục mà lão pháp sư đã nêu ra: khoa mục thứ nhất là tịnh nghiệp tam phước, khoa mục thứ hai là lục hòa kính, khoa mục thứ ba là tam học, khoa mục thứ tư là lục độ, khoa mục thứ năm là mười nguyện Phổ Hiền.

Trọng điểm thứ ba: nguyên tắc tiêu chuẩn mà người tu hành cùng tuân thủ là gì? Bạn lý giải hàm nghĩa của bốn câu “nếu Bồ-tát có thể tùy thuận chúng sanh thì chính là tùy thuận cúng dường chư Phật; nếu đối với chúng sanh tôn trọng phụng sự, chính là tôn trọng phụng sự Như Lai” như thế nào? Nguyên tắc tiêu chuẩn mà người tu hành cùng tuân thủ là: làm lợi ích hữu tình.

Trọng điểm thứ tư: loại thứ hai, chánh nhân để vãng sanh bậc trung là gì, quả báo như thế nào? Chánh nhân vãng sanh gồm ba câu nói: tu hành thập thiện, ngày đêm niệm Phật, chí tâm quy y, đảnh lễ cúng dường. Quả báo đạt được: người ấy lâm chung không kinh không sợ, tâm không điên đảo, liền được sanh về cõi nước của đức Phật ấy.

Trọng điểm thứ năm: loại thứ ba, chánh nhân để vãng sanh bậc hạ là gì, quả báo như thế nào? Chánh nhân vãng sanh được khái quát thành hai câu nói: Tu hành việc thiện thế gian, tranh thủ thời gian, chánh niệm ắt được sanh. Lão pháp sư đối với loại chánh nhân vãng sanh thứ ba này đã giải thích khá tường tận. Ngài nói từ trên 5 phương diện, nay nêu ra như sau.

Thứ nhất, không thể rời nhà, không rảnh đại tu trai giới, nhất tâm thanh tịnh, có thời gian rảnh thì đoan chánh thân tâm, tuyệt dục bỏ lo lắng, từ tâm tinh tấn.

Thứ hai, không được sân nộ, tật đố, không được tham lam keo kiệt, không được hối hận giữa chừng, không được hồ nghi. Phải nên hiếu thuận, chí thành trung tín.

Thứ ba, phải tin lời của kinh Phật thâm sâu, phải tin làm thiện được phước, phụng trì các pháp như vậy, chẳng để thiếu khuyết.

Thứ tư, tư duy chín chắn, mong được độ thoát, ngày đêm thường niệm, nguyện mong vãng sanh cõi Phật thanh tịnh của A-di-đà Phật, mười ngày mười đêm cho đến một ngày một đêm không gián đoạn.

Thứ năm, mạng chung đều được vãng sanh về nước ấy. Câu kinh văn này chính là quả báo của loại thứ ba - vãng sanh bậc hạ.

Trọng điểm thứ sáu: chọn đúng hạng mục, trong sáu mục dưới đây bạn bị vướng vào loại nào: sân nộ, tật đố, tham lam, keo kiệt, nửa chừng hối hận, hồ nghi. Đối chiếu với sáu mục trên, nếu mình có thì đánh dấu chọn, không có thì khoanh tròn, điểm tròn là 60 điểm. Bị một thứ thì trừ 10 điểm, xem bạn được bao nhiêu điểm.

Trọng điểm thứ bảy: đối với đoạn lời nói của Hoàng Niệm lão, bạn có cảm ngộ gì?

Trọng điểm của kinh văn phẩm thứ 26.

Kinh văn phẩm thứ 26 có 15 trọng điểm.

Trọng điểm thứ nhất: đến thế giới Tây Phương Cực Lạc nghe A-di-đà Phật giảng pháp đều là loại người nào? Nói cách khác, loại người nào có tư cách đến thế giới Cực Lạc nghe A-di-đà Phật giảng pháp? Tam hiền Bồ-tát trong lục đạo cần phải có những năng lực gì thì mới đến được thế giới Cực Lạc nghe A-di-đà Phật giảng pháp? Đến thế giới Cực Lạc nghe A-di-đà Phật giảng pháp đều là đại Bồ-tát ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm, dưới hội của mười phương chư Phật Như Lai. Tam hiền Bồ-tát trong lục đạo vẫn không có năng lực phân thân đến thế giới Cực Lạc lễ Phật, nghe pháp. Nhất định phải chứng đắc A-duy-việt-trí Bồ-tát thì mới có năng lực đến thế giới Cực Lạc lễ Phật, cúng Phật, nghe A-di-đà Phật giảng pháp.

/ 100