/ 100
101

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 03/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 64

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Từ tiết học hôm nay trở đi, phần kệ tụng tiếp theo là do Thích-ca Mâu-ni Phật nói.

Mời xem kệ tụng tiếp theo:

Văn pháp nhạo thọ hành, đắc chí thanh tịnh xứ, tất ư Vô Lượng Tôn, thọ ký thành Đẳng giác

Nghe pháp vui phụng hành, đạt đến chốn thanh tịnh, ắt được Vô Lượng Tôn, thọ ký thành Đẳng giác.

Đây là Thích-ca Mâu-ni Phật nói rõ cho chúng ta rằng các Bồ-tát nghe A-di-đà Phật thuyết pháp bèn đạt được lợi ích.

“Nghe pháp vui phụng hành”, chỉ cho các Bồ-tát của mười phương thế giới khi đó đến thế giới Cực Lạc nghe A-di-đà Phật giảng pháp. Sau khi nghe pháp thì vô cùng hoan hỷ, sẵn lòng thọ trì phụng hành.

“Đạt đến chốn thanh tịnh”, “chốn thanh tịnh” có ba cách nói.

Tịnh Ảnh Sớ nói: Tu trì như vậy thì tương lai nhất định có thể được cõi nước thắng diệu, đạt đến chốn thanh tịnh. Đây là cách nói thứ nhất.

Hội Sớ nói: Chốn thanh tịnh chính là nói Tịnh độ, cũng chính là nói ắt thành tựu cõi Phật giống như vậy. Đây là cách nói thứ hai.

Hai cách nói trên về mặt văn tự không như nhau, nhưng trên thực tế là nói cùng một sự việc. Chính là nói kiến lập nên cõi Phật giống như thế giới Cực Lạc, đó là “đạt đến chốn thanh tịnh”.

Còn có một cách giải thích khác, “chốn thanh tịnh” chỉ cho diệu tâm vốn thanh tịnh, nếu có thể nghe pháp rồi tin nhận, trong một niệm có thể tương ưng thì trực chỉ thấu triệt nguồn tâm, đại giác hiển nhiên sáng tỏ, nhận ra sự thanh tịnh vốn có, “nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”, tức thời khế nhập pháp thân, đây là “đạt đến chốn thanh tịnh”. Đây là cách nói thứ ba. Cách giải thích này là từ “nhất tâm tam bối” mà có. Cho nên kinh Vô Lượng Thọ rất đặc thù, bao gồm toàn bộ Thiền ở trong đó. Một bộ kinh gồm thâu hết thảy, chúng ta có nhận thức được hay không? Nếu nhận thức được rồi thì ai còn phân biệt ai cao ai thấp. “Tam học cùng một nguồn”, đều do đức Thích-ca truyền.

Dùng tâm thanh tịnh hướng Phật Vô Lượng Thọ, nhất niệm tịnh tâm, nhất niệm tịnh tín, trong sát-na bèn có thể khế hợp với chốn thanh tịnh. Bên trên nói thành phần chứng nhiều, ở đây thành phần chứng ít, đó là ngộ, cũng là “đạt đến chốn thanh tịnh”. Tiếp theo là chí thành niệm Phật, hết thảy những suy nghĩ lo toan của thế gian đều không còn nữa. Tịnh niệm tiếp nối không có gián đoạn, thầm hợp đạo mầu. Trong niệm lìa niệm, niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, rất nhiều người niệm Phật có lúc đều có thể làm được, không cần chính mình khởi tâm mà tự nhiên có thể niệm. Đương nhiên cũng chẳng phải thường xuyên, thỉnh thoảng có thể đạt được cảnh giới này, đó là thầm đạt chốn thanh tịnh, chẳng phải rất rõ rệt, mà thầm hợp với chốn thanh tịnh. Chúng ta ở chỗ A-di-đà Phật, hoặc là rõ rệt, hoặc là trong âm thầm được Phật thọ ký, thế nên gọi là “đạt đến chốn thanh tịnh”.

“Nghe pháp vui phụng hành, đạt đến chốn thanh tịnh” có hai cách giải thích. Một cách là nói đã thực hiện được bản nguyện của chính mình, việc trang nghiêm cõi nước của chính mình sau cùng đã thành công rồi. Cách thứ hai là khế nhập bổn tâm, cũng là đạt đến chốn thanh tịnh, cũng được thọ ký.

“Ắt được Vô Lượng Tôn, thọ ký thành Đẳng giác”. “Ắt” là nhất định, “Vô Lượng Tôn” chính là A-di-đà Phật, A-di-đà Phật chắc chắn thọ ký thành Phật cho họ.

Mời xem kệ tụng tiếp theo:

Vô biên thù thắng sát, kỳ Phật bổn nguyện lực, văn danh dục vãng sanh, tự trí bất thoái chuyển.

 

 

Cõi thù thắng vô biên, do nguyện lực Di-đà, nghe danh mong vãng sanh, tự đạt bất thoái chuyển.

Bài kệ tụng này là nói các Bồ-tát sau khi nghe pháp thì đạt được lợi ích tam bất thoái.

“Cõi thù thắng vô biên là cõi nước Cực Lạc, vi diệu thù thắng không có ngằn mé, không có số lượng, chẳng thể nói được”, nên gọi là “cõi thù thắng vô biên”. Cõi Phật ấy vượt hơn mười phương, chính là do sức uy thần bổn nguyện của A-di-đà Phật, cho nên gọi là “do nguyện lực Di-đà”. Chúng sanh mười phương nhờ vào nguyện thứ 17, nguyện chư Phật xưng tán của Phật Di-đà nên được nghe danh hiệu Phật, cũng nhờ sự gia trì của các nguyện: nghe danh phát tâm, nghe danh được phước, nghe danh đắc nhẫn của đức Phật ấy mà thảy đều tín nguyện trì danh, được sanh Cực Lạc, chứng bất thoái chuyển. Cho nên nói là “nghe danh mong vãng sanh, tự đạt bất thoái chuyển”. Đúng như nguyện thứ 18 nói: Nghe danh hiệu tôi, chí tâm tin ưa, nguyện sanh nước tôi, mười niệm bèn được sanh.

/ 100