/ 100
220

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 04/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 66


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Kinh tu-du gian, hoàn kỳ bổn quốc, đô tất tập hội thất bảo giảng đường, Vô Lượng Thọ Phật, tắc vị quảng tuyên đại giáo, diễn sướng diệu pháp, mạc bất hoan hỷ, tâm giải đắc đạo.

Trong khoảnh khắc, trở về bổn quốc, đều cùng tụ họp tại giảng đường thất bảo, nghe Phật Vô Lượng Thọ rộng tuyên đại giáo, diễn nói diệu pháp, thảy đều vui mừng, tâm tự khai giải, ngộ được thánh đạo.

Đoạn kinh văn này biểu thị các Bồ-tát du hành mười phương rồi trở về Cực Lạc. Kinh văn nhìn trên văn tự thì rất đơn giản, nhưng nghĩa lý sâu xa vô lượng vô biên.

“Trong khoảnh khắc, trở về bổn quốc”

“Khoảnh khắc” là hình dung thời gian rất ngắn. Kinh A-di-đà nói: “Đến giờ ăn liền trở về bổn quốc”. Hoàng Niệm lão giải thích “khoảnh khắc” là 48 phút. Các Bồ-tát đã chu du khắp vô lượng vô biên thế giới chư Phật, trên cúng dường chư Phật, dưới độ chúng sanh, đi một vòng rồi trở về như vậy mới chỉ có 48 phút, nhanh gấp bao nhiêu lần tốc độ ánh sáng. Mọi người tụ hội tại giảng đường do bảy báu hợp thành ở thế giới Cực Lạc, nghe A-di-đà Phật tuyên thuyết diệu pháp giáo lý Đại thừa. Bồ-tát nghe pháp xong đều rất vui mừng, tâm tự khai giải, ngộ được thánh đạo.

Học đoạn kinh văn này tôi có vài vấn đề liên quan cần chia sẻ với các đồng tu, xin cúng dường các đồng tu tham khảo.

Vấn đề thứ nhất, cư sĩ Bành Tế Thanh của triều Thanh trong Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận nói:

Hỏi: Phật Vô Lượng Thọ thuyết pháp là chỉ nói pháp Nhất thừa, hay là nói cả pháp Tam thừa? Nếu chỉ nói pháp Nhất thừa thì sao còn có chúng Thanh văn v.v. Nếu nói cả pháp Tam thừa thì sao lại nói hàng Nhị thừa không sanh về nước đó?

Đáp: Thuần là nói pháp Nhất thừa, chẳng có Tam thừa. Nào chỉ riêng ở giảng đường thất bảo Phật thuần là nói pháp Nhất thừa, mà trong mỗi một đóa hoa, trong mỗi một tia sáng, tiếng gió, tiếng nước, các tiếng âm nhạc cũng đều nói pháp Nhất thừa, càng chẳng có pháp Tam thừa”.

Như kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói: “Trong mười phương thế giới còn không có Nhị thừa, huống hồ có Tam thừa”. Ý nghĩa ở đây là nói: Thế giới Cực Lạc, rốt cuộc là nói pháp Nhất thừa hay là pháp Tam thừa? Nếu như nói pháp Nhất thừa, thì sao thế giới Cực Lạc còn có chúng Thanh văn? Nếu thế giới Cực Lạc cũng nói pháp Tam thừa thì vì sao hàng Nhị thừa không thể vãng sanh? Ngài hỏi như vậy, và trả lời như sau: Tất cả pháp được nói ở thế giới Cực Lạc toàn là pháp Nhất thừa. Chẳng những pháp được Phật nói tại giảng đường thất bảo là pháp Nhất thừa, mà cho đến mỗi một đóa hoa của thế giới Cực Lạc, mỗi một tia sáng, tiếng gió, tiếng nước, các tiếng âm nhạc nói ra đều là pháp Nhất thừa. Vì vậy kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói: “Trong mười phương thế giới còn không có Nhị thừa, huống hồ có Tam thừa”. Vì vậy khi Phật nói kinh Pháp Hoa thì 5.000 đệ tử lui khỏi tòa, không thể nghe, không tiếp nhận nổi. Vì đây là Viên giáo, chẳng phải ai cũng đều có thể nghe. Năm ngàn người lui khỏi tòa thì rất hỗn loạn, Phật nói: “Lui cũng tốt”, lui ra rất tốt, vậy cứ lui ra đi, không giữ họ lại.

Nếu dùng một câu để trả lời vấn đề thứ nhất thì đáp án là: Hết thảy pháp được nói ở thế giới Cực Lạc đều là pháp Nhất thừa.

Vấn đề thứ hai, vì sao thế giới Cực Lạc có Thanh văn thừa?

Bởi vì căn cơ trí tuệ của chúng sanh có khác biệt, trước khi vãng sanh, pháp mà họ đã nghe không như nhau, nên đến thế giới Cực Lạc chứng đắc cũng không như nhau. Tuy đều nói là pháp Nhất thừa, nhưng có người nghe ra tiếng Phật, tiếng Pháp, tiếng Tăng, tiếng vô ngã, tiếng tịch tĩnh, cho đến tiếng cam lộ quán đảnh. Người nghe được những âm thanh này có người chứng được Tu-đà-hoàn, Nhị quả, Tam quả, Tứ quả, cho đến Bồ-tát Bất thoái. Đây là thuận theo danh xưng Tứ quả của các cõi Phật khác mà biểu thị cho phương diện tu hành nào đó của họ lúc chưa vãng sanh đã chín muồi trước. Trên thực tế đều là nhất định thành Phật, vì họ đều có thể hồi tiểu hướng đại, lại do có sức bổn nguyện của Phật. Cho nên pháp mà Phật giảng ở giảng đường đều là pháp Nhất thừa, trong kinh không nói rõ, cư sĩ Bành Tế Thanh đã nói rõ về điều này.

/ 100