/ 100
198

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 03/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 63

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kệ tụng tiếp theo:

Thông đạt chư pháp tánh, nhất thiết không, vô ngã, chuyên cầu tịnh Phật sát, tất thành như thị sát.

Thông đạt tánh của các pháp, hết thảy không, vô ngã; chuyên cầu cõi Phật tịnh, ắt thành như Cực Lạc.

Phần khai thị của A-di-đà Phật nói đến bài kệ tụng này là hết. Vừa xem qua thì bài kệ tụng này dường như có chút tương đồng với bài kệ phía trước. Về mặt văn tự, ý của bài kệ tụng này không khó hiểu, nhưng thật ra nó đặc biệt có ý nghĩa sâu xa.

Hai câu trước là khuyên chúng ta lìa tướng. “Thông” là không có chướng ngại, có chướng ngại thì không thông. “Đạt” là sáng tỏ, đối với chân tướng sự thật hiểu rõ triệt để, hiểu rõ đến cùng cực thì là “đạt”. “Hết thảy pháp” ở phần trước nói, chú trọng ở trên tướng, còn ở đây là nói tánh. “Thông đạt tánh của các pháp”, tánh là thể, bản thể của hết thảy các pháp là gì? Là không, là vô ngã. “Không” nói ở đây là “nhị không chân như”, thật sự thông đạt “ngã không” và “pháp không”. Người thật sự thông đạt thì đối với “ngã” và “pháp” chắc chắn không chấp trước, tâm họ thanh tịnh, tâm không có ô nhiễm.

Vừa rồi nói đến “nhị không chân như”, xin giải thích cụm từ này cho mọi người một chút. “Nhị không chân như” là chỉ “ngã không chân như” và “pháp không chân như”. Thánh giả Nhị thừa hiểu được đạo lý “nhân ngã không vô”, gọi là nhân không, ngã không và sanh không thì cảnh giới chân như chứng được sau khi ngộ là “ngã không chân như”. Bồ-tát ngộ được đạo lý “pháp không”, cảnh giới chân như chứng được sau khi ngộ là “pháp không chân như”.

Phàm phu nhận cái thân do năm uẩn giả hợp này là mình, lại còn cho rằng thật sự có một thứ có thể làm chủ, người có thể làm chủ tể là “ngã”, đây gọi là “nhân ngã”. Nếu bạn có thể hiểu được thân thể này chẳng qua là năm uẩn giả hợp, trên thực tế thân thể này mỗi giờ mỗi khắc đều đang biến hóa, mỗi ngày đều đang tiến về cái chết, sau cùng là một đống tro; vả lại cũng chẳng có người làm chủ, ai nấy đều là việc không vừa lòng đến tám chín, kể được với người chỉ hai ba, liệu bạn có làm chủ được không? Nếu bạn có thể làm chủ thì sẽ không có việc gì bất như ý cả, có thể làm chủ thì không chết rồi, ai làm chủ mà lại để mình chết chứ, không thể có được.

A-la-hán đã phá được nhân ngã, không còn bị sanh tử của phàm phu, nhưng vẫn cố chấp vào có “thật pháp”, có Niết-bàn để chứng, có phiền não để đoạn, đây gọi là “pháp ngã”. Phải nhận biết những pháp này cũng đều là pháp do duyên mà sanh ra. Duyên sanh thì có, duyên diệt thì không, chẳng có tự thể, đây là “pháp vô ngã”.

“Tự tánh vốn tịch diệt, thể là bất khả đắc, nên gọi là không, vô ngã”. “Không” nghĩa là nó chẳng phải hiện tượng vật chất, chẳng phải hiện tượng tinh thần, cũng không phải hiện tượng tự nhiên, ba thứ này thảy đều không có, đây là tự tánh. Bản thể của tự tánh, nó ở đâu vậy? Không nơi nào chẳng có, không lúc nào chẳng có, hết thảy vạn pháp đều nương nó mà xuất hiện, không có nó thì không có vạn pháp, cho nên nó là bản thể của vạn pháp. Vạn pháp là pháp sanh diệt, bản thân tự tánh là không sanh không diệt, cho nên Phật gọi nó là “không, vô ngã”. Ý nghĩa của “vô ngã” là chẳng thể có được, duy “chẳng thể có được” mới có thể có được tất cả pháp, đối với tất cả pháp thông đạt vô ngại. Cho nên trong Kinh Bát-nhã nói, tổng kết bằng một câu “Bát-nhã vô tri”, câu tiếp theo là “mà thứ gì cũng biết”. Bát-nhã là gì? Bát-nhã là một bộ phận của tự tánh, tự tánh vốn đầy đủ, thứ nhất là đầy đủ Bát-nhã, trí tuệ, vô lượng trí tuệ. Thể của trí tuệ là tự tánh, tự tánh chẳng có thứ gì, cho nên nói tự tánh là không, nhưng khi bạn hỏi thì nó thứ gì cũng biết, nó khởi tác dụng thì có thể sanh ra vạn pháp, có thể giải thích vạn pháp, có thể hiểu rõ vạn pháp, đây là trí tuệ khởi tác dụng.

“Ngã” mà nhà Phật nói có hai ý nghĩa.

Thứ nhất là “nhân ngã”. “Nhân ngã” là phàm phu không hiểu được đạo lý năm uẩn hòa hợp mà giả hiện có ta, nên vọng cho rằng thật có con người tự chủ tự tại, có thể thường làm chủ tể, nên đó gọi là “nhân ngã”. Đây đều là xem nhục thân này là “ta”, đây là giả, chẳng phải thật. Năm uẩn, sắc thọ tưởng hành thức gọi là năm uẩn. Sắc là hiện tượng vật chất, các cơ quan, tế bào bên trong nhục thể đều thuộc về sắc pháp. Đối lập sắc pháp là tâm pháp, thọ tưởng hành thức là tâm pháp. Có sắc, có tâm. Tâm là thọ tưởng hành thức, không phải vật chất, không có hiện tượng vật chất. Thọ là cảm thọ, bạn có cảm thọ của mừng giận buồn vui; tưởng là tư tưởng; hành ở đây là liên tục không gián đoạn, niệm trước diệt niệm sau liền sanh, nó không gián đoạn nên gọi là hành; thức là chủng tử được hàm chứa, đây đều thuộc về tâm pháp, chủng tử trong thức thứ tám a-lại-da. Chúng ta có thể ghi nhớ được những việc đã làm, vì sao vậy? Do thức, thức chính là ký ức của chúng ta, phạm vi của thức vô cùng lớn, giống như kho lưu trữ, chẳng những tất cả tạo tác của chúng ta trong đời này mà tất cả nghiệp mà chúng ta đã tạo tác từ vô thủy kiếp đến nay đều ở trong đó. Cho nên hễ bạn chân thật giải thoát rồi, chứng được A-la-hán, biết được 500 đời quá khứ, chẳng những biết 500 đời quá khứ mà cũng có thể biết 500 đời vị lai. Tương lai vẫn chưa đến, làm sao biết được? Những hồ sơ trong a-lại-da chính là nhân, từ nơi đó thì có thể biết được tình hình của tương lai.

/ 100