/ 100
227

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 02/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 62


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem hai câu kệ tụng kế tiếp:

Mãn túc chư diệu nguyện, tất thành như thị sát.

Viên mãn các diệu nguyện, ắt thành cõi như thế.

Nói theo thông thường, “các diệu nguyện” là chỉ tứ hoằng thệ nguyện. Tứ hoằng thệ nguyện là tổng cương lĩnh của tất cả đại nguyện mà chư Phật Như Lai đã phát ở nhân địa, quy nạp lại đều không ngoài bốn loại lớn. Cho dù là 48 nguyện của A-di-đà Phật quy nạp lại thì cũng không ngoài bốn nguyện lớn này. Chúng ta phải ghi nhớ, bốn hoằng nguyện lớn này là cương lĩnh của hoằng nguyện Bồ-tát.

“Viên mãn các diệu nguyện”

Bạn muốn làm viên mãn những nguyện này, chẳng phải nói tất cả như mộng huyễn, chẳng làm gì cả đó sao? Tịnh Ảnh Sớ nói: “Toàn bộ trí và nguyện ấy chính là thọ ký ắt đạt được cõi nước. Biết rõ hết thảy đều như mộng huyễn là toàn trí vậy. Viên mãn các nguyện là hết thảy nguyện vậy. Thành tựu cõi như thế tức thọ ký đạt được cõi nước vậy”. Bạn biết rõ hết thảy đều như mộng huyễn thì đó là trí tuệ, viên mãn các diệu nguyện là đại nguyện, có thể thành tựu các cõi nước, bèn thọ ký cho bạn đạt được cõi nước.

Bồ-tát, đặc biệt là Bồ-tát có năng lực đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, đến đi tự do, chẳng phải là người thông thường. A-la-hán không có năng lực này, Bích-chi Phật cũng không có năng lực này, Quyền giáo Bồ-tát cũng không được. Có thể đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, đến đi tự do thì đều là Pháp thân Đại sĩ, các ngài đầy đủ trí tuệ chân thật, đã phá bốn tướng, đã phá bốn kiến. Tiêu chuẩn này chính là tiêu chuẩn trong kinh Kim Cang đạt được. Tiêu chuẩn như vậy mới có thể viên mãn đại nguyện của Bồ-tát, đoạn phiền não, thành tựu đức hạnh rốt ráo viên mãn chí cao vô thượng.

Hai môn công khóa tu học của Bồ-tát: một là đoạn phiền não, hai là học pháp môn. Một cái là đức hạnh, một cái là học vấn, tốt nghiệp hai môn này rồi thì thành Phật. Duy chỉ có thành Phật mới có thể viên mãn các diệu nguyện.

“Ắt thành cõi như thế”

“Cõi như thế” là chỉ thế giới Tây Phương Cực Lạc. Những Bồ-tát này hâm mộ thế giới Tây Phương Cực Lạc, hy vọng cõi nước mà tương lai chính mình cư trụ cũng giống như thế giới Tây Phương Cực Lạc. “Ắt thành tựu cõi nước như thế”, đây là Phật đang thọ ký thành Phật cho những Bồ-tát này. “Sự thành tựu cõi nước là kết quả của trí và nguyện”.

Tri độ như ảnh tượng, hằng phát hoằng thệ tâm.

Biết cõi như bóng ảnh, luôn phát tâm hoằng thệ.

Hai câu này, câu thứ nhất “biết cõi nước như bóng ảnh” là trí, câu thứ hai “luôn phát tâm hoằng thệ” là nguyện. Bồ-tát xác thật đã giác ngộ hết thảy pháp, biết rõ cõi nước giống như hình bóng do vật hiện ra, trọn chẳng hề có, như trong kinh Kim Cang nói “tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng”. Biết rõ cõi nước cũng là không, nhưng Bồ-tát không chấp trước không, trí tuệ này rất sâu, biết là không nhưng chẳng chấp không, mà còn phát tâm thệ nguyện rộng lớn, thành tựu cõi nước, giáo hóa chúng sanh. Điều này như kinh Duy-ma-cật nói: chẳng những có nguyện, mà từ nguyện khởi hạnh, “rốt ráo Bồ-tát đạo”, trên đạo Bồ-tát mà tự lợi lợi tha.

A-la-hán, Bích-chi Phật không giống như Bồ-tát, họ chấp trước không, nhập vào “thiên chân Niết-bàn”, cách biệt tuyệt đối với cuộc đời. Họ không độ chúng sanh, đối với việc của tất cả chúng sanh không nghe không hỏi, chẳng mảy may quan tâm, tự mình hưởng thụ niềm vui thanh tịnh vô vi. Cho nên trong kinh điển Đại thừa, Thế Tôn quở trách họ, trách cứ họ, nói loại người này ví như “hạt mầm hư khô héo, rớt xuống hố vô vi”, chỉ có tự lợi, không thể lợi người. Bồ-tát không như vậy, tuy biết hết thảy pháp là không, nhưng vẫn nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh độ, giáo hóa chúng sanh.

“Luôn phát tâm hoằng thệ”

Chính là thệ nguyện đạt được thế giới Tây Phương Cực Lạc, đây là chỗ thù thắng của Bồ-tát. Bồ-tát trụ trung đạo, không chấp không, cũng chẳng chấp có. Biết hết thảy pháp là không nhưng vẫn nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh độ. Nói họ có nguyện, nhưng họ lại hiểu rõ hết thảy pháp là không, trong tâm thanh tịnh vô vi, mảy trần chẳng nhiễm. Đây được gọi là “vi diệu khế hợp trung đạo”. Đây là tôn chỉ căn bản của Tịnh tông, cũng chính là nguyên lý nguyên tắc cơ bản của việc tu hành.

/ 100