/ 100
93

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 02/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 61

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kệ tụng tiếp theo:

Quán bỉ thù thắng sát, vi diệu nan tư nghị, công đức phổ trang nghiêm, chư Phật quốc nan tỉ.

Quán cõi thù thắng kia, vi diệu khó nghĩ bàn, công đức hiện khắp sự trang nghiêm, các cõi Phật khó sánh.

Bài kệ tụng này là tán thán cõi nước Phật. Thế giới Cực Lạc, vạn vật trong nước đều trang nghiêm thanh tịnh sáng chói xinh đẹp, hình sắc thù thắng, vi diệu cùng cực. Hình sắc, quang tướng, danh số đều không thể kể xiết, cũng chẳng thể biện biệt rõ. Cõi ấy thù thắng vi diệu, ngôn ngữ và tư duy không thể lãnh hội nổi, cho nên nói là: “Quán cõi thù thắng kia, vi diệu khó nghĩ bàn”. Mọi thứ trang nghiêm đều nhập vào nhất pháp cú, tức câu thanh tịnh, tức trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi. Y chánh của Cực Lạc thảy đều là sự trang nghiêm của công đức thật tướng, bình đẳng hiện khắp, cho nên gọi là “công đức hiện khắp sự trang nghiêm”. Cõi vi diệu như vậy như trong kinh nói “vượt hơn hết thảy thế giới mười phương”, cho nên gọi là “các cõi Phật khó sánh”.

Đây là lời tán thán của Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật. Chúng ta có thể liên tưởng đến mười phương ba đời vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, không có vị Phật nào mà không tán thán như Thế Tôn. Từ đó cho thấy, công đức của Di-đà thù thắng không gì sánh. Hết thảy chư Phật mười phương đều không sánh bằng. Ngài là công đức trí tuệ rốt ráo viên mãn, lòng từ bi vô lượng, mở ra pháp môn Tịnh độ để độ vô lượng vô biên chúng sanh khổ não vãng sanh thế giới Cực Lạc thành Phật. Pháp môn này là khó tin dễ hành, chỉ cần không hoài nghi, thật sự tin tưởng có thế giới Cực Lạc. Thích-ca Mâu-ni Phật không gạt chúng ta, có A-di-đà Phật, có 48 nguyện tiếp dẫn chúng ta.

Bốn câu kệ tụng này tán thán y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, tán thán y báo trang nghiêm của cõi nước.

“Quán cõi nước thù thắng kia”, từ “kia” và “cõi nước” đều chỉ cho thế giới Tây Phương Cực Lạc. “Vi diệu khó nghĩ bàn”, câu này là tổng thuyết. Nói chi tiết thì toàn bộ kinh văn chỗ nào cũng đều giới thiệu tường tận, ở đây không cần nói nữa.

“Công đức hiện khắp sự trang nghiêm”, câu này là nói thế giới Tây Phương Cực Lạc vì sao trang nghiêm như vậy? Nguyên nhân thật sự chính là A-di-đà Phật vô lượng kiếp đến nay đã tích lũy công đức mà thành tựu như vậy, là do công đức của bổn nguyện Di-đà. Mỗi vị Bồ-tát của mười phương thế giới vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đều có công đức là đồng tâm, đồng đức, đồng nguyện, đồng hạnh với A-di-đà Phật. Thế nên thế giới Tây Phương Cực Lạc là do công đức trang nghiêm. Y báo, chánh báo đều là sự thành tựu của công đức. Chúng ta đọc kinh, niệm Phật chính là tu tập tích lũy công đức. Công đức này rất lớn, không thể nghĩ bàn, bởi vì nó trực tiếp tương ưng với quả địa của A-di-đà Phật, cho nên không thể đánh đồng với các phương pháp tu hành thông thường được, là tuyệt đối không như nhau.

“Các cõi Phật khó bằng”, đây là nói hết thảy cõi nước Phật trong mười phương ba đời đều không có việc này, duy chỉ có thế giới Cực Lạc đặc thù. Hết thảy sự trang nghiêm của thế giới Cực Lạc là do trí tuệ của đức Di-đà lưu hiện ra, mọi loại y báo, chánh báo, hết thảy đều không thể nghĩ bàn, vượt hơn hết thảy thế giới mười phương, cho nên gọi là “các cõi Phật khó bằng”.

Nhân phát vô thượng tâm, nguyện tốc thành Bồ-đề

Do phát tâm Vô Thượng, nguyện mau thành Bồ-đề

Hai câu này là khiến người cảm động mà phát tâm. Cõi nước Cực Lạc thù thắng như vậy, chúng ta nguyện phát tâm Vô thượng Bồ-đề, nguyện nhanh chóng thành tựu Bồ-đề. Tâm Vô thượng chính là tâm khẩn thiết cầu sanh thế giới Cực Lạc, cầu gặp A-di-đà Phật. Bởi vì gặp được A-di-đà Phật, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì một đời nhất định bất thoái thành Phật. Chỉ cần đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc, gặp mặt A-di-đà Phật một lần thì được sức uy thần của A-di-đà Phật gia trì, cho dù ở mười phương thế giới hoằng pháp lợi sanh thì vẫn không bị thoái chuyển, vả lại thọ dụng không hề khác biệt so với ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, thành Phật nhanh chóng.

/ 100