/ 100
87

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 01/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 60

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiếp theo mời xem đoạn kinh văn thứ nhất của phẩm thứ 26:

Phục thứ A-nan, thập phương thế giới chư Bồ-tát chúng, vị dục chiêm lễ Cực Lạc thế giới Vô Lượng Thọ Phật, các dĩ hương hoa tràng phan bảo cái, vãng nghệ Phật sở, cung kính cúng dường, thính thọ kinh pháp, tuyên bố đạo hóa, xưng tán Phật độ công đức trang nghiêm. Nhĩ thời Thế Tôn tức thuyết tụng viết.

Lại nữa A-nan! Các chúng Bồ-tát ở mười phương thế giới vì muốn chiêm lễ Phật Vô Lượng Thọ ở thế giới Cực Lạc, mỗi người đều đem hương hoa, tràng phan, bảo cái đến chỗ Phật, cung kính cúng dường, nghe nhận kinh pháp, tuyên dương truyền bá đức giáo hóa, xưng tán công đức trang nghiêm của cõi Phật. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ tụng rằng.

Đoạn kinh văn này, Phật nói với chúng ta, các Bồ-tát của mười phương thế giới đến thế giới Cực Lạc tham lễ A-di-đà Phật, chính là sự thành tựu của năm nguyện sau cùng trong 48 nguyện. Năm nguyện sau cùng là A-di-đà Phật vì Bồ-tát mười phương mà phát đại nguyện, đại nguyện của đức Di-đà toàn bộ đã thành hiện thực. Bồ-tát mười phương đến thế giới Cực Lạc nghe kinh nghe pháp, các ngài đều là đại chúng căn cơ thành Phật đã chín muồi.

Đại ý của đoạn kinh văn này là: Lại nữa A-nan, chư Bồ-tát của mười phương thế giới, nghe những lời tán thán A-di-đà Phật ở trên, đều muốn đi chiêm ngưỡng, lễ bái Phật Vô Lượng Thọ ở thế giới Cực Lạc. Thế nên mỗi vị đều mang hương, hoa, tràng phan, lọng báu đến cõi nước Cực Lạc của A-di-đà Phật đi cung kính cúng dường, nghe nhận kinh pháp, nghe A-di-đà Phật giảng kinh, rồi tuyên dương truyền bá. Sau khi nghe xong, bản thân cũng có thể thuật lại cho người khác, khen ngợi công đức trang nghiêm của cõi Phật. Tôi đã đến thế giới Cực Lạc, để tôi kể cho mọi người thế giới Cực Lạc hình dạng ra sao. Do đây vô số Bồ-tát chẳng thể kể xiết của mười phương thế giới đều đã đến thế giới Cực Lạc.

Tiếp theo Thế Tôn bắt đầu nói kệ tụng. Kinh văn toàn phẩm có 17 bài rưỡi kệ tụng. Kệ tụng thuộc về thơ ngũ ngôn, bốn câu là một bài, có thể chia thành bốn đoạn lớn. Đoạn lớn thứ nhất là đức Bổn sư tán thán Bồ-tát mười phương. Đoạn lớn thứ hai là A-di-đà Phật tán thán Bồ-tát mười phương. Hai đoạn kinh văn này khá dài, chúng tôi trước tiên nói về hai đoạn kinh văn này.

Phật thuyết pháp có hai thể loại: một loại là trường hàng, một loại là tụng. Tụng là hình thức thi ca, lời ít mà ý nhiều, lại còn sâu sắc, văn tự tuyệt đẹp, âm điệu trầm bổng, rất dễ khiến người cảm động.

Mời xem kệ tụng sau đây, đây là kệ tụng mà Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật tán thán Bồ-tát mười phương.

Đông phương chư Phật sát, số như Hằng hà sa. Hằng sa Bồ-tát chúng vãng lễ Vô Lượng Thọ.

Các cõi Phật phương Đông, số nhiều như cát sông Hằng. Hằng sa chúng Bồ-tát đến lễ Vô Lượng Thọ.

Những câu này dễ hiểu, chư Phật mười phương, trước tiên nói phương Đông. Vô lượng vô biên cõi Phật ở phương Đông, dùng cát sông Hằng để tỉ dụ cho số lượng. Cát sông Hằng rất mịn rất nhiều, ai có thể đếm được rõ? Thế Tôn năm xưa tại thế đa phần giảng kinh ở hai bên bờ lưu vực sông Hằng, thế nên gặp con số lớn đều dùng cát sông Hằng để tỉ dụ. Số lượng cõi Phật mười phương giống như cát sông Hằng, đếm không hết, không cách gì đếm được. Chư Bồ-tát nhiều như cát sông Hằng, có bao nhiêu Bồ-tát vậy? Cũng như cát sông Hằng, rất là nhiều. Những Bồ-tát này đều đến thế giới Tây Phương Cực Lạc tham phỏng A-di-đà Phật, đến lễ Phật Vô Lượng Thọ, đến thế giới Cực Lạc lễ bái Phật, đây là nói phương Đông.

Nam Tây Bắc tứ duy, thượng hạ diệc phục nhiên, hàm dĩ tôn trọng tâm, phụng chư trân diệu cúng.

 

 

Các phương Nam, Tây, Bắc, phương phụ và trên dưới cũng đều như vậy, đều dùng tâm tôn trọng, cúng dường các thứ trân diệu.

Đều giống như [Bồ-tát của] cõi Phật ở phương Đông, số lượng vô số vô biên tế, đến thế giới Cực Lạc lễ bái A-di-đà Phật, thỉnh pháp với A-di-đà Phật. Cũng như vậy, dùng tâm thành kính phụng hiến các loại phẩm vật cúng dường trân quý vi diệu thù thắng. Khi gặp Phật, mang một chút lễ vật để biểu đạt ý cung kính của mình. Những phẩm vật cúng dường quý báu này, A-di-đà Phật có cần không? Không cần, không cần thì sao? Để A-di-đà Phật trang nghiêm đạo tràng. Bài kệ tụng này là nói tài cúng dường.

/ 100