PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 01/08/2021
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 59
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Tiết học này chúng tôi giảng về loại chánh nhân vãng sanh thứ ba. Mời xem kinh văn:
Nhược đa sự vật, bất năng ly gia, bất hạ đại tu trai giới, nhất tâm thanh tịnh, hữu khống nhàn thời, đoan chánh thân tâm, tuyệt dục khử ưu, từ tâm tinh tấn. Bất đương sân nộ tật đố, bất đắc tham thiết xan tích, bất đắc trung hối, bất đắc hồ nghi, yếu đương hiếu thuận, chí thành trung tín. Đương tín Phật kinh ngữ thâm, đương tín tác thiện đắc phước, phụng trì như thị đẳng pháp, bất đắc khuy thất. Tư duy thục kế, dục đắc độ thoát, trú dạ thường niệm, nguyện dục vãng sanh A-di-đà Phật thanh tịnh Phật quốc. Thập nhật thập dạ, nãi chí nhất nhật nhất dạ, bất đoạn tuyệt giả, thọ chung giai đắc vãng sanh kỳ quốc.
Nếu người quá nhiều việc, không thể rời nhà, không rảnh đại tu trai giới, nhất tâm thanh tịnh, hễ có thời gian rảnh thì đoan chánh thân tâm, tuyệt dục bỏ lo lắng, từ tâm tinh tấn. Không được sân nộ, đố kỵ, không được tham luyến, ham ăn, keo kiệt, không được giữa chừng hối hận, không được hồ nghi, phải nên hiếu thuận, chí thành trung tín. Phải tin lời kinh Phật sâu xa, phải tin làm thiện được phước, phụng trì các pháp như vậy, không được thiếu khuyết quên mất. Nghĩ đến thường xuyên, muốn được độ thoát, ngày đêm thường niệm, nguyện mong vãng sanh nước Phật thanh tịnh của A-di-đà Phật, mười ngày mười đêm cho đến một ngày một đêm không gián đoạn, mạng chung đều được vãng sanh nước ấy.
Loại chánh nhân vãng sanh thứ ba được khái quát thành hai câu nói: Tu hành việc thiện của thế gian; tranh thủ thời gian, chánh niệm thì được sanh.
Loại này chỉ cho người bận nhiều việc, không thể rời nhà, cũng không thể đại tu trai giới, càng khó đạt được nhất tâm thanh tịnh. Điều này phù hợp với tình hình thực tế của xã hội trước mắt, đa phần người tại gia đều là người bận rộn, họ thuộc về loại này. Công việc của người xuất gia không hề ít hơn người tại gia, hết thảy những tật xấu của thế gian đều mang vào trong Phật giáo.
Hoàng Niệm lão từng nói một đoạn có ý nghĩa sâu sắc khiến người suy nghĩ sâu xa như sau:
Tôi từng vì việc này mà trở thành kẻ phản đồ của Phật giáo. Tôi từ nhỏ sống trong gia đình Phật giáo, tôi tin Phật, về sau nhìn thấy rất nhiều người xuất gia, tại gia, rất nhiều nhân vật có tên tuổi vẫn còn khởi tâm ganh ghét nhau, đấu đá lẫn nhau, làm rất nhiều trò tầm thường của thế gian. Khi đó tôi mười mấy tuổi nên đã hiểu lầm. Tôi nói, họ tin Phật lâu rồi, học Phật lâu rồi mà vẫn như vậy đấy, Phật pháp vô ích. Sau đó, lên năm ba đại học, xem kinh Kim Cang thì mới hiểu rõ không phải Phật pháp vô dụng mà là mọi người có lỗi với Phật pháp, như vậy tôi mới không làm phản đồ nữa.
Đọc đến đoạn này của Hoàng Niệm lão tôi cảm thấy chua xót, đau lòng. Nhìn thấy tình trạng hiện nay nơi cửa Phật so với những gì Niệm lão đã nói, đại khái là hơn chứ chẳng kém. Đều nói Tăng tán thán Tăng thì Phật pháp hưng, vậy sao Tăng lại hủy báng Tăng được? Chẳng gì lạ cả, do tâm ganh tỵ tác quái. Hiện nay một số người xuất gia, thân tuy xuất gia, tâm không hề xuất gia. Người tại gia còn hơn thế nữa, việc này nên làm thế nào?
Ở đây nêu ra hai điều: một là tu hành thập thiện; hai là tranh thủ thời gian chánh niệm thì được sanh.
Chúng ta xem lão pháp sư giải thích đoạn kinh văn này, ngài chia ra 5 đoạn nhỏ để giải thích.
Đoạn nhỏ thứ nhất: “không thể rời nhà, không rảnh đại tu trai giới, nhất tâm thanh tịnh, hễ có thời gian rảnh thì đoan chánh thân tâm, tuyệt dục bỏ lo lắng, từ tâm tinh tấn”.
Nghiệp duyên của vãng sanh bậc hạ so với bậc trung lại kém hơn một bậc. Nghiệp chướng của họ nặng hơn bậc trung, mặc dù bản thân muốn tu nhưng chướng ngại rất nhiều, việc nhiều, phiền não nhiều, không thể buông xuống để chuyên tu. Loại người này không rảnh để đại tu trai giới. “Hạ” là thời gian rảnh rỗi. Cuộc sống vất vả hoặc công việc bận rộn, không dành được thời gian để tu hành trai giới, lại khó được nhất tâm thanh tịnh. Rất nhiều người trong số họ vì việc ăn mặc ở đi của cuộc sống mà vất vả bôn ba, họ mong cầu vãng sanh, muốn học Phật, dựa trên tình hình thực tế của họ thì họ nên tu hành như thế nào?