PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 23/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 6
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Hôm nay bắt đầu giảng kinh văn Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh.
Mời xem Phẩm thứ nhất:
PHÁP HỘI THÁNH CHÚNG ĐỆ NHẤT
Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Vương-xá thành, Kỳ-xà-quật sơn trung, dữ đại tỳ-kheo chúng vạn nhị thiên nhân câu. Nhất thiết đại thánh, thần thông dĩ đạt. Kỳ danh viết: Tôn giả Kiều-trần-như, tôn giả Xá-lợi-phất, tôn giả đại Mục-kiền-liên, tôn giả Ca-diếp, tôn giả A-nan đẳng, nhi vi thượng thủ.
Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, đức Phật ở núi Kỳ-xà-quật nơi thành Vương-xá, cùng với một vạn hai ngàn vị đại tỳ-kheo. Hết thảy đều là bậc đại thánh, đã đạt thần thông. Tên các ngài là: Tôn giả Kiều-trần-như, Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Ca-diếp, Tôn giả A-nan v.v… là những bậc thượng thủ.
“Như thị ngã văn”: “tôi nghe như vầy” là câu đặt ở đầu kinh trong hết thảy kinh điển nhà Phật. Câu này có nguồn gốc như thế nào? Dùng một câu để nói, đó là tuân theo “di giáo của Thế Tôn”. Cụ thể một chút đó là lúc Thế Tôn sắp nhập Bát Niết-bàn, ngài A-nan đã thỉnh giáo Phật bốn việc, trong đó có một vấn đề là “mở đầu hết thảy các kinh nên đặt chữ nào?” Phật liền đáp rằng: “Nên để như thị ngã văn”. Hiện nay hết thảy kinh điển nhà Phật, đầu kinh đều dùng câu “như thị ngã văn”, đây là tuân theo di giáo của Phật, không phải do ai đó phát minh sáng tạo ra.
Hai chữ “như thị” hàm nghĩa sâu rộng, chúng ta không cách nào tưởng tượng được, hai chữ này hiển thị cảnh giới trên quả địa Như Lai, chính là thật tướng của các pháp được nhắc đến trong kinh Bát-nhã. Đức Phật vì hết thảy chúng sanh mà tuyên thuyết vô lượng vô biên kinh luận và pháp môn, cũng là vì nói rõ cho chúng sanh biết tướng chân thật của hết thảy các pháp, hay nói cách khác chính là nói “như thị”. “Như thị” không chỉ đại biểu cho hết thảy những điều mà Thích-ca Mâu-ni Phật thuyết trong 49 năm, trong hơn 300 pháp hội, mà thậm chí còn đại biểu cho những điều mà vô lượng vô biên chư Phật Như Lai trong mười phương thế giới tuyên thuyết cho hết thảy chúng sanh, cũng không ngoài hai chữ “như thị” này.
Theo Quán Kinh giải thích thì hai chữ “như thị” là: “Như” là tâm này là Phật; “Thị” chính là tâm này làm Phật. Đây là lý luận của Quán Kinh. Chúng ta nghe rồi liệu có thể hiểu và thể hội được nghĩa thú chân thật của câu này mà Phật đã giảng trong kinh hay không? Số người không biết quá nhiều. Phật pháp là viên dung, rất sống động, thế nhưng có rất nhiều người học Phật lại học một cách chết cứng, không những không có được niềm vui của việc học Phật, mà còn học đến nỗi phiền não rất nhiều, khổ không thể tả, rồi sau đó hủy báng Phật, hủy báng pháp, hủy báng tăng, tạo tội nghiệt cực lớn.
Tôi nhớ mấy năm trước, hình như đọc được từ trong số sách kết duyên, người học Phật có một trăm điều, điều đầu tiên là người học Phật bị đọa địa ngục. Tôi nghĩ mãi mà không hiểu, tại sao lại như vậy? Hai mươi năm nghe kinh nghe pháp đã tiêu trừ nghi hoặc này của tôi. Câu này nói không sai chút nào. Tại sao vậy? Bạn nói xem những người niệm Phật chính mình học Phật chưa rõ ràng, lại đi hủy báng Phật, hủy báng pháp, hủy báng tăng, họ không đọa địa ngục thì đi đâu? Họ tạo tội đọa địa ngục mà.
Tôi vừa nói, rất nhiều đồng tu học Phật quá chấp chặt, quá chết cứng, dùng lời hiện nay mà nói tức là chủ nghĩa giáo điều. Tôi nêu ra ví dụ thế này, khi nãy chúng ta vừa nói “tâm này là Phật”, bốn chữ này có bao nhiêu người học hiểu được? Người chưa học hiểu được thì sẽ thế nghĩ này: Tâm này là Phật, ngoại trừ là Phật ra thì những điều khác đều không phải; người học hiểu được thì sẽ nghĩ thế này: Tâm này là Phật, tâm này là Bồ-tát, tâm này là La-hán, tâm này là địa ngục, tâm này là ngạ quỷ, tâm này là súc sanh, tâm này là vạn pháp, tâm này là vạn vật, tâm này là pháp giới, tâm này là... vô lượng vô biên, nói không hết. Bạn tỉ mỉ nghĩ xem, có điều nào không phải? Tìm không ra điều nào không phải. “Tâm này là Phật” mà bộ kinh Vô Lượng Thọ này nói tức là “tâm này là thế giới Cực Lạc”; “tâm này làm Phật” tức là “tâm này làm thế giới Cực Lạc”.