/ 100
277

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 23/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 5


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Đề kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, tôi dùng thời gian ba tiếng đồng hồ đã giảng viên mãn. Các bạn còn nhớ không? Năm 2018 lần đầu tiên tôi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ tôi đã giảng đề kinh 20 phút. Năm 2019 tôi giảng chuyên đề kinh Vô Lượng Thọ, đã giảng đề kinh hết hai tiếng đồng hồ. Lần này, lần thứ hai phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, đề kinh giảng hết ba tiếng đồng hồ.

Năm 2019 khi tôi giảng chuyên đề kinh Vô Lượng Thọ, trong đó có một chuyên đề là “Cái hay của đề kinh không thể nói bằng lời”. Vậy thì rốt cuộc hay ở chỗ nào? Hay là hay ở chỗ có vô lượng nghĩa. Vô lượng vô biên chư Phật Như Lai giảng vô lượng kiếp rồi lại vô lượng kiếp cũng không thể giảng hết vô lượng nghĩa của đề kinh này, đó là chỗ hay của đề kinh. Phía trước đã giảng xong bốn tập, tập đầu tiên là lời mở đầu, tóm tắt một số chuyện liên quan đến lần phúc giảng thứ hai này. Tập thứ hai, thứ ba, thứ tư tập trung giảng đề kinh Vô Lượng Thọ. Lần này tôi giảng giải đề kinh chi tiết hơn so với hai lần trước.

Vì để thuận tiện cho các đồng tu hiểu và tiếp thu, có được hiệu quả học tập tốt hơn, chúng tôi giảng vài tập sẽ tổng kết một lần, chỉ ra trọng điểm của những buổi giảng trước để cho đồng tu tham khảo, sử dụng đúng chỗ, nhằm áp dụng vào cuộc sống thực tế. Lần phúc giảng này mục tiêu rõ ràng xác thực, trọng tâm giải quyết vấn đề áp dụng lý luận vào thực tế. Cụ thể mà nói đó là trọng tâm giải quyết vấn đề nỗ lực thực hành.

Tiếp theo tôi sẽ nói cụ thể trọng điểm của bốn tập trước.

Trọng điểm của tập đầu tiên. Tập đầu tiên có bảy trọng điểm:

Thứ nhất là vấn đề khó khăn cần phải chú trọng đột phá khi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai này là gì? Giải quyết vấn đề “thực hành”. Vấn đề khó khăn này có liên quan gì tới bạn không?

Trọng điểm thứ hai đó là lần phúc giảng thứ hai này có gì khác so với lần phúc giảng đầu tiên? Thứ nhất phải nắm bắt trọng điểm của mỗi phẩm kinh văn chứ không nói sơ lược; thứ hai là phân tầng lớp, từng bước thâm nhập, học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tế; thứ ba là dùng ví dụ cụ thể để giải thích vấn đề về mặt lý, hình tượng hóa giáo học, nghe dễ hiểu, dễ nắm bắt; thứ tư là cùng giao lưu với nhau trên mạng, cùng nhau nâng cao.

Trọng điểm thứ ba là làm thế nào để nghe lần phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ thứ hai này có hiệu quả hơn? Tôi có vài góp ý như sau: kết hợp nghe nhìn, tiến hành đồng bộ; xem văn bản, đồng thời đánh dấu chỗ trọng điểm; nắm bắt trọng điểm, không nên tham nhiều, chú trọng giải quyết vấn đề lớn nhất của chính mình, giải quyết từng vấn đề một, không được bỏ qua; nghe ví dụ của người khác cũng phải ngẫm lại mình, thiết thực giải quyết vấn đề thực tế của chính mình; áp dụng Phật pháp vào cuộc sống quý ở chỗ phải kiên trì, không được một ngày làm, mười ngày không.

Trọng điểm thứ tư là nhận thức ba điều “chắc chắn được” hòng tăng trưởng tín tâm: người giảng kinh chắc chắn được mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai từ bi gia trì; người nghe kinh chắc chắn được mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai từ bi gia trì; đạo tràng giảng kinh chắc chắn được mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai từ bi gia trì.

Trọng điểm thứ năm: yêu thương đất nước vĩ đại, yêu thương nhân dân vĩ đại, yêu thương đảng cộng sản Trung Quốc vĩ đại. Cục diện trên thế giới đang thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi, Trung Quốc tương lai sẽ dẫn đầu thế giới, gánh vác trọng trách lịch sử cứu vớt thế giới, cứu vớt loài người. Bạn là con cháu Viêm Hoàng, bạn nên làm thế nào?

Trọng điểm thứ sáu: việc nương tựa vào “minh sư” rất quan trọng. “Minh sư” khó gặp! Pháp sư Tịnh Không là minh sư khó gặp, chúng ta có thể sống cùng thời đại với lão pháp sư là điều may mắn, và cũng là phước báo của chúng ta, chúng ta phải trân trọng cơ duyên khó gặp này.

Trọng điểm thứ bảy: lão pháp sư chỉ cho chúng ta hai con đường. Một con đường lão pháp sư học Phật đã từng đi qua 38 năm; một con đường khác là con đường mà lão pháp sư tìm ra sau khi thực hành, tìm tòi học Phật 38 năm, bạn chọn con đường nào?

/ 100