/ 100
88

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 31/07/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 58

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiết học này, trước tiên chúng tôi sẽ tổng kết một vài điểm quan trọng của kinh văn phẩm thứ hai mươi bốn.

Kinh văn phẩm thứ 24 có 10 trọng điểm.

Trọng điểm thứ nhất: tổng cương lĩnh của vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là gì? Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm.

Trọng điểm thứ hai: ba bậc trong kinh Vô Lượng Thọ và chín phẩm trong Quán Kinh có quan hệ như thế nào? Hai bên đối xứng, phù hợp tương thông; mỗi bên một loại, hai bên không liên quan. Hai cách nói này, bạn tán thành cách nói nào? Là giống nhau hay khác nhau?

Trọng điểm thứ ba: nhận thức chính xác điều kiện và quả báo đạt được của vãng sanh bậc thượng, vãng sanh bậc trung, vãng sanh bậc hạ, kiên định tín tâm học Phật, niệm Phật, làm Phật. Vãng sanh bậc thượng, phàm phu có phần, chúng tại gia có phần, đài sen chín phẩm của Cực Lạc đều là nơi phàm phu trược thế vãng sanh về.

Trọng điểm thứ tư: làm thế nào nhận thức chính xác hai câu nói “xả nhà, lìa dục và làm sa-môn”. Nhận thức bốn loại nhà và bốn loại xuất gia. Bốn loại nhà gồm: nhà điền trạch, nhà phiền não, nhà Tam giới, nhà sanh tử. Bốn loại xuất gia gồm thân xuất tâm không xuất, tâm xuất thân không xuất, thân tâm đều xuất, thân tâm đều không xuất.

Trọng điểm thứ năm: đối với các ví dụ vãng sanh mà tôi đã nêu, bạn có cảm ngộ gì? Lão Bồ-tát Lưu Tố Thanh vãng sanh có vài điểm khác biệt với mọi người. Lão Bồ-tát Đổng Thụ Trân vãng sanh bỏ ăn 40 ngày, trợ niệm 37 ngày, bạn giải thích thế nào? Chúng ta học được gì từ lão Bồ-tát?

Trọng điểm thứ sáu: hai câu nói của lão cư sĩ Hạ Liên Cư đối với bạn có khải thị gì?

Trọng điểm thứ bảy: điều kiện của ba bậc vãng sanh có chỗ nào tương đồng và bất đồng? Quả báo của vãng sanh có chỗ nào tương đồng và bất đồng?

Trọng điểm thứ tám: về việc trong mộng thấy Phật có các cách nói không như nhau, đối với vấn đề này bạn nhận thức như thế nào? Trong mộng thấy Phật, Phật đến tiếp dẫn phải không?

Trọng điểm thứ chín: ngoài ba bậc vãng sanh thì loại vãng sanh thứ tư gọi là gì? Pháp vãng sanh này xuất phát từ người nào? Pháp vãng sanh này là nói cho đối tượng nào? Tên của pháp vãng sanh này là “nhất tâm tam bối”, xuất phát từ lão pháp sư Từ Châu, làm khoa phán cho kinh Vô Lượng Thọ. Nhóm đối tượng được nói đến là bậc trụ ở Đại thừa, chính là người tu học các kinh luận Đại thừa khác.

Trọng điểm thứ mười: nhất tâm tam bối vãng sanh cần phải có những điều kiện gì? Điều kiện thứ nhất là trụ ở Đại thừa. Điều kiện thứ hai là dùng tâm thanh tịnh hướng Vô Lượng Thọ. Điều kiện thứ ba là cho đến mười niệm nguyện sanh nước ấy. Điều kiện thứ tư là cho đến đạt được nhất niệm tịnh tâm, phát nhất niệm tâm, niệm đức Phật ấy.

Tiếp theo chúng tôi giảng kinh văn phẩm thứ 25:

VÃNG SANH CHÁNH NHÂN ĐỆ NHỊ THẬP NGŨ

Trong kinh văn phẩm thứ 24, phần liên quan đến nhân hạnh vãng sanh chỉ nói đến nguyên tắc, chưa nói tường tận. Phẩm kinh văn này bổ sung về nhân và duyên tu hành của ba bậc phía trước. Quả chính là ba bậc vãng sanh đã nói phía trước, cũng chính là phẩm vị của họ. Phẩm kinh văn này tuy là bổ sung cho phẩm kinh văn phía trước, nhưng phẩm kinh văn này vô cùng quan trọng. Quan trọng ở chỗ nào? Đây là nơi chúng ta bắt tay thực hiện kinh văn của phẩm thứ 24. Kinh văn phẩm thứ 24 và kinh văn phẩm thứ 25 liên quan chặt chẽ, mật thiết không thể phân chia, giống như cặp anh em song sinh vậy, chẳng thể rời nhau. Đối với phẩm kinh văn này chúng ta phải hết sức xem trọng.

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Phục thứ A-nan, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thử kinh điển, thọ trì, độc tụng, thư tả, cúng dường, trú dạ tương tục, cầu sanh bỉ sát, phát Bồ-đề tâm, trì chư cấm giới, kiên thủ bất phạm, nhiêu ích hữu tình, sở tác thiện căn, tất thí dữ chi, linh đắc an lạc. Ức niệm Tây phương A-di-đà Phật, cập bỉ quốc độ. Thị nhân mạng chung, như Phật sắc tướng chủng chủng trang nghiêm, sanh bảo sát trung, tốc đắc văn pháp, vĩnh bất thoái chuyển.

Lại nữa A-nan, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe kinh điển này mà thọ trì, đọc tụng, biên chép cúng dường, ngày đêm liên tục, cầu sanh cõi kia, phát tâm Bồ-đề, trì các giới cấm, giữ vững không phạm, lợi ích hữu tình, các thiện căn đã làm đều ban bố cho họ, khiến được an vui. Nhớ nghĩ đến A-di-đà Phật ở Tây phương và cõi nước ấy. Người ấy mạng chung sắc tướng như Phật, đủ mọi trang nghiêm, sanh đến cõi báu, mau được nghe pháp, vĩnh viễn không thoái chuyển.

/ 100