PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 30/07/2021
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 55
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Tiết học trước, chúng ta đã nói về vấn đề thứ nhất, vãng sanh bậc thượng người tại gia có phần hay không? Đáp án là chắc chắn có phần.
Tiếp theo chúng ta nói đến vấn đề thứ hai. Vấn đề thứ hai, vãng sanh bậc thượng phàm phu có phần hay không? Đây là một vấn đề nghiêm túc có liên quan mật thiết đến mỗi một người chúng ta. Đối với vấn đề này, vào thời xưa đã có người nêu ra rất nhiều quan điểm, quan điểm của mỗi người không như nhau. Ví dụ, “cổ đức có nói: Đó là hạnh của Bồ-tát”. Xin nêu ví dụ, như nói thượng thượng phẩm thì phải là Bồ-tát Tứ địa cho đến Thất địa, đây chính là nói thượng phẩm thượng sanh thì phải là Bồ-tát từ Tứ địa trở lên cho đến Thất địa. Thượng trung phẩm thì phải là Bồ-tát Sơ địa cho đến Tứ địa. Theo đó mà suy ra, trung phẩm trung sanh trở xuống mới là chỗ phàm phu có thể đạt được. Đối với cách nói này, chúng ta xem xem tổ sư đại đức nói như thế nào.
Hoàng Niệm lão nói như sau: “Nếu là như vậy thì đại nguyện vô thượng của đức Di-đà, sự vi diệu độc đáo của cõi nước hoa sen phương Tây, sự dễ hành của pháp môn trì danh, sự thù thắng của diệu pháp vãng sanh thảy đều là hý luận”. Hý luận chính là nói lời bỡn cợt, không phải thật.
Bình luận của Niệm lão đối với điều này là: “Thế thì chỉ khiến cho diệu pháp Tịnh tông chẳng thể nghĩ bàn cũng trở thành pháp có thể nghĩ bàn rồi”. Việc này đã hạ thấp sự chẳng thể nghĩ bàn của Tịnh tông. Niệm lão nói: “Vãng sanh bậc thượng nói trong kinh, liệu phàm phu có phần hay không là một vấn đề lớn trong Tịnh tông”. Vấn đề này là vấn đề lớn, không phải vấn đề nhỏ, có liên quan đến việc Tịnh tông có phải thật sự thù thắng, thật sự vi diệu, thật sự có thể vượt hơn tất cả, khiến chúng ta một đời viên mãn thành tựu hay không?
Hoàng Niệm lão muốn thảo luận tường tận vấn đề này với chúng ta. Ngài nói: “Cách nói sai trước đó, may được đại sư Thiện Đạo thời Đường rộng dẫn kinh luận, ra sức phá bỏ cách nói cũ”. Niệm lão không nói là bản thân ngài nói, ai nói vậy? Đại sư Thiện Đạo nói, đây là tổ sư đời thứ hai của Tịnh tông chúng ta. Trong trước tác Tứ Thiếp Sớ của đại sư, Tứ Thiếp Sớ chính là chú giải Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật của đại sư Thiện Đạo. Đại sư nói: “Lại xem ý nghĩa kinh văn về phần Định Thiện và ba bậc thượng hạ của Quán Kinh, đều là vì phàm phu ngũ trược, sau khi Phật tạ thế chỉ do gặp duyên khác nhau mà dẫn đến chín phẩm khác biệt. Thế nào là người vãng sanh ba phẩm thượng? Là gặp đại phàm phu (phàm phu gặp duyên Đại thừa). Người vãng sanh ba phẩm trung là gặp tiểu phàm phu (phàm phu gặp duyên Tiểu thừa). Người vãng sanh ba phẩm hạ là gặp ác phàm phu”.
Lời này của đại sư Thiện Đạo rất hay. Vì sao vậy? Ngài nói với chúng ta, vãng sanh bậc thượng phàm phu có phần, thảy đều có phần.
Ở đây nhắc đến đại phàm phu, tiểu phàm phu, ác phàm phu, phân chia thế nào vậy? Đại phàm phu chính là người phát đại tâm, phát tâm đại Bồ-đề, đến thế giới Cực Lạc để làm gì? Cầu pháp để làm gì? Để rộng độ chúng sanh, đây là đại phàm phu. Tiểu phàm phu chỉ vì việc liễu sanh tử, ra khỏi Tam giới của chính mình, đây là tiểu phàm phu. Ác phàm phu, “do ác nghiệp, nhưng lâm chung nhờ gặp được thiện”, đây chính là tuy đã tạo một số tội nghiệp, hơi thở của họ chưa dứt, vẫn có thể sám hối, vẫn có thể phát nguyện, sau không tạo nữa thì phẩm vị của họ được nâng lên. Lâm chung họ gặp được thiện, gặp được thiện tri thức. “Nhờ nguyện lực của Phật nên được vãng sanh, đến khi hoa nở, mới bắt đầu phát tâm, sao nói đó là người mới học Đại thừa được?” Ở đây Niệm lão thêm phần đóng ngoặc rằng: “Các sư thời xưa nói, bậc hạ là phàm phu mới học Đại thừa. Nếu hiểu như vậy thì khiến mình và người đều lầm lạc, cái hại đó rất lớn”.
Đại sư trực tiếp nói với chúng ta: “Đài sen chín phẩm nơi Cực Lạc đều là chỗ mà phàm phu trược thế vãng sanh về. Chỉ do thế gian gặp duyên khác biệt của Đại thừa và Tiểu thừa, nên sau khi vãng sanh có sự khác biệt của bậc trung và bậc thượng. Tịnh tông là giáo viên đốn chí cực, phàm phu căn khí lớn nếu có thể tin nhận, hiểu trọn tu trọn thì bạn tu một ngày hơn người bình thường tu một kiếp”.