/ 100
88

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

 THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 29/07/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 54

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Hôm nay chúng tôi giảng kinh văn phẩm hai mươi ba:

THẬP PHƯƠNG PHẬT TÁN ĐỆ NHỊ THẬP TAM

A-di-đà Phật ở nhân địa phát nguyện, nguyện sau khi chính mình thành Phật, chư Phật mười phương đều tán thán. Đây là nguyện thứ 17 trong 48 nguyện. Phẩm kinh văn này là sự thành tựu của nguyện thứ 17. Vì sao nhất định yêu cầu chư Phật ngợi khen tán thán vậy? Trong đây nhất định có đạo lý rất sâu. Hoằng nguyện của A-di-đà Phật, nếu không có tất cả chư Phật mười phương tán dương thì nguyện của ngài không thể viên mãn. Nguyện vọng của ngài là giúp đỡ tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật, nguyện lực này thật sự quá vĩ đại.

Hết thảy chư Phật đều chưa từng nghĩ đến việc này, chỉ có A-di-đà Phật nghĩ đến. Nguyện lực vĩ đại như vậy làm thế nào mới có thể đạt được? Ngài kiến lập thế giới Tây Phương Cực Lạc, giúp đỡ tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới trong một đời viên mãn thành Phật. Chúng sanh trong mười phương thế giới, làm thế nào biết được sự việc này, làm thế nào vãng sanh thế giới Cực Lạc? Nếu không có người dốc sức tuyên truyền, tiến cử, giới thiệu, tuy có nơi tốt đẹp như thế, người khác không biết thì cũng là uổng phí. Nếu không có chư Phật giới thiệu thì mọi người chưa chắc tin tưởng. Chư Phật thông qua phương thức tán dương để giới thiệu thế giới Cực Lạc cho đại chúng, để đại chúng biết được thế giới Cực Lạc, biết đến A-di-đà Phật.

Phẩm kinh văn này vô cùng quan trọng, kinh văn không dài, nhưng nghĩa lý rất sâu. Trong năm nguyện chân thật nhất của kinh Vô Lượng Thọ mà đại sư Thiện Đạo tôn xưng thì nguyện thứ 17 “nguyện chư Phật xưng thán” được bao gồm bên trong. Mà phẩm kinh văn này chính là thực tiễn cụ thể của nguyện thứ 17, cũng có thể nói là sự thành tựu của nguyện thứ 17.

Phẩm kinh văn này chia thành ba đoạn lớn. Đoạn thứ nhất là mười phương Phật khen ngợi. Đoạn thứ hai, chư Phật vì sao tán thán. Đoạn thứ ba, công đức không thể nghĩ bàn của nhất niệm tịnh tín.

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Phục thứ A-nan, Đông phương hằng hà sa số thế giới, nhất nhất giới trung như hằng sa Phật, các xuất quảng trường thiệt tướng, phóng vô lượng quang, thuyết thành thật ngôn, xưng tán Vô Lượng Thọ Phật, bất khả tư nghị công đức.

Lại nữa A-nan, hằng hà sa số thế giới ở phương Đông, trong mỗi thế giới có hằng sa đức Phật, mỗi vị Phật đều hiện tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang, nói lời thành thật, khen ngợi Phật Vô Lượng Thọ công đức không thể nghĩ bàn.

Mở đầu nói phương Đông là thuận theo thế tục, mặt trời mọc hướng Đông. Mặt trời đại biểu cho quang minh, đại biểu cho trí tuệ. Thế giới phương Đông, số như cát sông Hằng, vô lượng vô biên, chẳng cách nào nói nổi. Nhất nhất giới trung, “giới” này chính là thế giới của chư Phật. Thế giới của chư Phật là tam thiên đại thiên thế giới, bên trong mỗi thế giới đều có chư Phật, số nhiều như cát sông Hằng. Mỗi một thế giới đều có Phật ở đó giáo hóa chúng sanh, thế giới vô lượng vô biên vô số, chư Phật cũng là vô lượng vô biên vô số.

Phật lại nói với ngài A-nan, hư không ở phương Đông có các thế giới nhiều như cát sông Hằng, trong mỗi thế giới có các chư Phật nhiều như số cát sông Hằng. Những chư Phật này, “mỗi vị Phật đều hiện tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang, nói lời thành thật”. Niệm lão giải thích cho chúng ta về tướng lưỡi rộng dài như sau:

“Tướng lưỡi rộng dài là một trong 32 tướng. Lưỡi rộng và dài, màu đỏ mảnh mai mềm mại, đưa ra khỏi miệng có thể che cả mặt cho đến tóc”. Thích-ca Mâu-ni Phật có tướng lưỡi rộng dài, ngài đưa lưỡi ra có thể che hết cả mặt, người thế gian chúng ta không thể. Trong cửa Phật có cách nói như thế này: Ba đời không vọng ngữ thì cảm được tướng tốt là lưỡi có thể liếm được chóp mũi. “A-di-đà Kinh Lược Giải, sư Cừ Am nói: Hiện tướng lưỡi rộng dài, cho thấy không hư vọng, vô lượng kiếp đến nay, miệng lìa được bốn điều lỗi, nên cảm được tướng này”. Ở đây phải nhớ kỹ là vô lượng kiếp, miệng có bốn điều lỗi là vọng ngữ, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, ác khẩu. Đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp đến nay, nếu miệng không có bốn loại lỗi này thì khi thành Phật sẽ cảm được tướng lưỡi rộng dài. Lưỡi đưa ra có thể che kín mặt.

/ 100