/ 100
78

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 30/07/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 56

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Phần sau cùng của tiết học trước, tôi đã cúng dường các đồng tu hai đoạn dạy bảo của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, không biết mọi người có cảm ngộ gì? Chúng ta đừng ngại hãy ôn lại một chút hai đoạn dạy bảo này.

“Chúng sanh có hai con đường, vào khổ hoặc thoát khổ, cũng chính là thành tựu chính mình hay là hủy diệt bản thân. Hai con đường rất phân minh, đi theo đường nào đây?”

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đối với đoạn dạy bảo này của thầy mình đã giải thích như sau:

Đối với hết thảy chúng sanh nói ra hai con đường, một con đường là tiến sâu vào trong khổ, vào khổ; một con đường chính là từ trong khổ thoát ra, thoát khổ, thoát khổ chính là thành tựu chính mình, nếu không thành tựu chính mình thì bạn không cách nào thoát khổ được. Vào khổ chính là hủy diệt chính mình, nếu đời này bạn bỏ lỡ cơ hội, “lần này nếu sai thì thật sai quá đỗi”, lần này nếu như lại sai nữa thì quả thật là sai lầm lớn. Vì sao vậy? Chẳng khác nào là đã hủy diệt chính mình. Thiện căn, phước đức, nhân duyên tốt như vậy, có được cơ hội này, nếu bạn không nắm chặt lấy cơ hội này thì vẫn không thể thoát khỏi biển lớn của lục trần, đây chẳng phải là chính mình hủy diệt chính mình đó sao? Thế nên, lần này nếu sai thì thật sai quá đỗi. Hai con đường này rất phân minh, hai con đường cực kỳ rõ ràng, là thành tựu chính mình hay là hủy diệt chính mình, đi theo đường nào đây, bạn đi con đường nào vậy? Đặt một dấu chấm hỏi.

Cảm ngộ của tôi về đoạn dạy bảo này là: Hai con đường của đời người, vào khổ và thoát khổ, hủy diệt bản thân và thành tựu chính mình, mỗi một người đều đối mặt với sự chọn lựa. Chúng ta đối mặt với hai biển lớn, một cái là biển lục trần, một cái là biển Bát-nhã, nếu bạn chọn cái trước thì vô lượng kiếp, lại vô lượng kiếp luân hồi trong sáu cõi, khổ không nói nên lời. Nếu bạn chọn cái sau, lên thuyền Bát-nhã về Cực Lạc, vĩnh viễn thoát luân hồi, đi theo đường nào bạn hãy chọn lấy.

Xem lời của bài ca Tỉnh Thế: “Biển đêm mênh mông một thuyền pháp, cứu độ chúng sanh lìa khổ nạn”. Biển đêm chỉ cho biển lục trần đen như mực không bờ bến. Thuyền pháp chỉ cho thuyền Bát-nhã cứu độ chúng sanh lìa khổ. “Chúng sanh mạt pháp khổ ơi là khổ, chư Phật mười phương đến cứu độ”. Khổ ơi là khổ, hai chữ khổ, khổ chồng thêm khổ, khổ không nói nên lời, ai đến cứu độ? Chư Phật mười phương. Vì sao không nói mười phương chư Phật Bồ-tát vậy? Bởi vì chúng sanh thời mạt pháp quá cang cường khó giáo hóa, tai nạn do cộng nghiệp chiêu cảm quá nhiều quá lớn, Bồ-tát không cứu nổi, cho nên là mười phương chư Phật đến cứu độ, cấp độ nâng lên rồi. “Xin chớ lạc lối trở về nhà, một câu Di-đà thật thà niệm”. Phật Bồ-tát từ bi cực điểm, nói với chúng ta hãy thật thà niệm A-di-đà Phật, đây là con đường an ổn để trở về nhà, sẽ không sai. “Cầu mong hết thảy đều thành Phật”, đây là đại nguyện của A-di-đà Phật. “Chúng sanh thành Phật là đại nguyện của tôi”, chúng sanh thành Phật cũng là đại nguyện của tôi. “Chúng sanh thành Phật lòng tôi vui lắm”, chúng sanh vui thì tôi cũng vui. Học tập tỳ-kheo Pháp Tạng phát đại nguyện, nguyện chưa viên mãn chẳng trở về.

Đoạn dạy bảo thứ hai của Hạ lão là:

“Ngày có thường nghĩ ngày không, chớ đợi ngày không mà trông ngày có. Hãy kiểm điểm lại, thời gian mấy mươi năm cuộc đời của mình rốt cuộc đã trôi về đâu rồi? Đạt được những gì mà mỗi mỗi đều thở dài tiếc nuối”.

Đối với đoạn dạy bảo này, Niệm lão đã giải thích như sau:

Người thật sự tu hành thì không hề cảm thấy kiêu ngạo tự mãn, luôn cảm thấy còn thiếu sót, chẳng đủ. Hạ lão khiêm tốn, phát ra lời cảm khái như vậy. “Ngày có thường nghĩ ngày không”, câu nói này là một lời thoại kịch, lời thoại của kịch Câu Rùa Vàng, là ca từ của Lão Đán: “Ngày có thường nghĩ ngày không, chớ đợi ngày không mà trông ngày có”. Hạ lão dùng câu này vào trong Phật giáo, chúng ta hiện nay là ngày có, có hơi thở, bạn phải nghĩ đến lúc chẳng có hơi thở này. Người lớn tuổi cách thời điểm này không còn xa nữa. “Chớ đợi ngày không mà trông ngày có”, chớ đợi đến lúc hết hơi rồi bạn vẫn còn nghĩ đến lúc còn hơi, một khi hết hơi rồi sẽ không có hơi lại được. Có hơi thở lại rồi thì làm em bé, làm chó con rồi, làm súc sanh còn đỡ, chỉ sợ ngay cả súc sanh còn không làm được, vậy thì rất khổ. Vì sao vậy? Vì trong nghiệp báo vô cùng bạn không biết được tập tiếp theo là gì? Chẳng có liên hệ với đời này. Vô lượng kiếp đến nay, những việc mà bạn đã làm, có rất nhiều việc, rất nhiều việc của bạn đều sắp xếp xong xuôi rồi. Đời sau là oan thân trái chủ nào của bạn, họ cũng phải đến thế gian, bạn cũng phải đến để trả nợ, việc này đã định đoạt cho bạn rồi. Không hoàn toàn là việc của chính bạn, chẳng phải đơn giản như việc đời này đâu, như vậy thì quá đơn giản rồi. Vấn đề của nhiều đời, bạn không biết tập kế tiếp là gì? Chẳng những là đời sau mà ngay đời này, hôm nay bạn cũng không biết ngày mai thế nào, tập tiếp theo của ngày mai là gì? Những chuyện không thay đổi được, việc gì cũng đều có thể [xảy ra].

/ 100