/ 100
183

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 29/07/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 53

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Hôm nay tôi bắt đầu giảng kinh văn phẩm thứ 22:

QUYẾT CHỨNG CỰC QUẢ ĐỆ NHỊ THẬP NHỊ

Đề mục này rất giống như A-di-đà Phật thọ ký cho chúng ta vậy, ngữ khí khẳng định như vầy: nhất định chứng đắc. “Cực quả” thì không có gì cao hơn được nữa, đây chính là Diệu giác Như Lai. Diệu giác Như Lai mà kinh Hoa Nghiêm nói ở nơi nào chứng đắc vậy? Ở thế giới Cực Lạc. Chỉ cần bạn đến thế giới Cực Lạc thì bạn nhất định sẽ chứng đắc. Phẩm kinh văn này là tổng kết sự thanh tịnh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc thật sự cực kỳ thanh tịnh, cực kỳ trang nghiêm.

“Cảnh trí minh hợp”. Cảnh là cảnh giới, trí là trí tuệ, trí tuệ bên trong cùng với cảnh giới bên ngoài tương ưng. “Nhân quả như như”, nhân chiếu theo quả, quả chiếu theo nhân. “Những người vãng sanh, do trong không có chọn lựa, phân biệt, nên ngoài cảm được cảnh giới xa lìa phân biệt”. Đây là tổng cương lĩnh liên quan đến việc tu học của chúng ta, tu học pháp môn tổng trì.

Chúng ta học những gì? Nội, nội là nói đến tâm, không có chọn lựa, phân biệt. Chúng ta sống trong thế gian này, học tùy thuận, học tùy duyên, hằng thuận chúng sanh, không đối lập với chúng sanh, khiến hết thảy chúng sanh sinh tâm hoan hỷ. Đối lập thì sẽ không có hoan hỷ. Làm sao mới có thể làm được? Không có chọn lựa, phân biệt thì làm được. Những nhu cầu cuộc sống, có thì tốt, không có cũng tốt, không có tâm phân biệt, đương nhiên cũng không có chấp trước.

A-la-hán không có chấp trước, nhưng có phân biệt; xả bỏ phân biệt thì chính là hành đạo Bồ-tát, cao hơn A-la-hán. Mỗi người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, đối với tất cả pháp, tất cả pháp trong ngoài đều không có chọn lựa, phân biệt. Vì sao vậy? Họ không cần đến. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, tất cả nhu cầu đều theo tâm của bạn mà hiện ra cảnh giới, chính là ‘tâm tưởng sự thành’ mà chúng ta thường nói. Thế giới Cực Lạc xác thực là tâm tưởng sự thành, cho nên không cần chọn lựa, đến lúc cần thì tự nhiên sẽ hiện tiền, lúc không cần thì không còn nữa, sạch sẽ. Tâm phân biệt không khởi lên được, không có phân biệt.

Chúng ta hiện tiền luyện công phu này, có thể luyện, có thể đạt được. Không nắm giữ, đối với tất cả pháp không được nắm giữ, không có thì không nắm giữ, có rồi cũng không cần xả bỏ, điều quan trọng là không có tâm phân biệt. Không khởi tâm, không động niệm thì khó, rất khó, bởi vì ý niệm quá vi tế. Trong một giây có hai ngàn hai trăm bốn mươi triệu ý niệm, chúng ta làm sao chọn lựa được, đều không có khái niệm, thế nên việc này khó. Việc này đến thế giới Cực Lạc hẵng tính, trước mắt chúng ta hiện nay, chúng ta chỉ học không chọn lựa, chính là đoạn kiến tư; xả bỏ phân biệt chính là đoạn trần sa. Chúng ta chỉ còn căn bản vô minh là chưa phá được, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì làm A-duy-việt-trí Bồ-tát.

A-duy-việt-trí Bồ-tát quá khó được! A-duy-việt-trí là Pháp thân Bồ-tát, hưởng thụ đãi ngộ cao nhất của Bồ-tát. Trí tuệ, thần thông, đạo lực của bạn thảy đều hiện tiền, có thể giống như A-di-đà Phật, phân vô lượng vô biên thân, đến mười phương thế giới đi cúng dường Phật. Cúng Phật là tu phước báo, nghe Phật giảng kinh là tu trí tuệ. Phước tuệ song tu, ngày ngày không gián đoạn, thế nên thành tựu rất nhanh. Chân tướng sự thật này, chúng ta vô cùng cảm ân sự giới thiệu của Thích-ca Mâu-ni Phật, ngài đã nói hết sức rõ ràng, hết sức sáng tỏ.

“Do không phân biệt, thanh tịnh bình đẳng, nên chỉ hưởng thụ niềm vui tối thượng”. Ở nơi này của chúng ta, bạn vì sao không vui? Bởi vì bạn có lấy và bỏ, bởi vì bạn có phân biệt. Thế gian này tuy đều là giả, nhưng bạn xem nó là thật, bạn muốn đạt được, bạn muốn khống chế nó, bạn muốn thọ dụng nó, đây là kiến tư phiền não, đây là tâm luân hồi. Phải xả bỏ ý niệm luân hồi này, có thì tốt, không cự tuyệt; không có thì không cưỡng cầu, như vậy thì sống rất tự tại, sống rất an vui. Tôi đến thế gian này, đều không mang theo thứ gì, tôi rời khỏi thế gian này, thứ gì cũng không mang đi, đã đoạn dứt tâm lấy và bỏ, tâm tùy duyên liền hiện tiền. Mọi thứ tùy duyên, tự tại biết bao! Bạn hoan nghênh tôi đến thì tôi đến, bạn không hoan nghênh thì tôi đi, đừng vì tôi mà bạn sinh phiền não, tôi sẽ tự động tránh đi, tự tại biết bao. Chỉ cần mỗi ngày không rời A-di-đà Phật thì bạn sẽ đạt được niềm vui, sự tự tại đó.

/ 100