/ 100
271

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 28/07/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 52

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Hôm nay chúng tôi giảng kinh văn phẩm thứ hai mươi:

ĐỨC PHONG HOA VŨ ĐỆ NHỊ THẬP

Trong phẩm kinh văn này, Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta gió của thế giới Tây Phương Cực Lạc, mưa của thế giới Cực Lạc. Gió được gọi là gió đức, hoa được gọi là mưa hoa.

Mời xem kinh văn bên dưới:

Kỳ Phật quốc độ, mỗi ư thực thời, tự nhiên đức phong từ khởi, xuy chư la võng, cập chúng bảo thụ, xuất vi diệu âm, diễn thuyết khổ, không, vô thường, vô ngã, chư Ba-la-mật, lưu bố vạn chủng ôn nhã đức hương. Kỳ hữu văn giả, trần lao cấu tập, tự nhiên bất khởi. Phong xúc kỳ thân, an hòa điều thích, do như tỳ-kheo đắc diệt tận định.

Cõi nước Phật đó, mỗi khi đến giờ ăn, tự nhiên gió đức từ từ nổi lên, thổi các lưới giăng và các cây báu, phát ra âm thanh vi diệu, diễn nói khổ không, vô thường, vô ngã, các Ba-la-mật, lan tỏa vạn loại đức hương ôn nhã. Ai ngửi được thì phiền não, tập khí tự nhiên không khởi. Gió chạm vào thân an hòa dễ chịu, giống như tỳ-kheo đắc diệt tận định.

“Thực thời” chỉ cho chính Ngọ. Cõi nước Cực Lạc đến giữa trưa, tự nhiên gió đức nhè nhẹ thổi đến. Bản dịch thời Ngô nói: “Cũng chẳng phải là gió trong thế gian, là gió tinh diệu nhất trong các gió từ tám phương và hai phương trên dưới”. Câu này nghĩa là gì? Chính là như trong kinh Thủ Lăng-nghiêm nói: “Trong Như Lai tạng, tánh gió là chân không, tánh không là thật gió, vốn tự thanh tịnh, trọn khắp pháp giới”. Đây là gì vậy? Đây là nói tánh đức, trong tự tánh có gió đức, đức này nghĩa là gì? Có thể tùy thuận theo ý của người thì chính là đức, tôi muốn như thế nào thì nó như thế ấy, muốn gió nhẹ thì có gió nhẹ, muốn lớn một chút thì nó lớn một chút, muốn nhỏ một chút thì nó nhỏ một chút, muốn lạnh một chút, muốn nóng một chút, đều tùy theo ý muốn, đây gọi là đức.

Đây là gì vậy? Đây là tự tánh, có thể tùy tâm như ý muốn. Chúng ta ngày nay vì sao không được như ý muốn? Là do A-lại-da, do chuyển tướng của A-lại-da, cảnh giới tướng của A-lại-da biến hiện. Chuyển tướng là pháp sanh diệt, là ý niệm, niệm trước diệt, niệm sau sanh. Cảnh giới tướng cũng là pháp sanh diệt, thảy đều là huyễn tướng, nó không phải là thật, nó bị nghiệp lực khống chế, không giống như tự tánh, tự tánh không bị khống chế. Tự nhiên điều thuận theo, cho nên người ấy được đại tự tại. “Do là gió chân thật của tánh đức nên gọi là tinh diệu nhất trong các thứ gió”.

Gió đức, “không lạnh không nóng, thường điều hòa thích hợp, rất là thanh lương, tốt đẹp, không gì có thể sánh”. Đây là “tinh diệu nhất trong các thứ gió” mà bản dịch thời Ngô nói, chính là chỉ cho gió đức. Gió đức “tự nhiên khẽ thổi”, nhè nhẹ lay động chuông báu trên lưới báu, diễn xuất pháp âm vi diệu, nói khổ, không, vô thường, vô ngã, các Ba-la-mật. Căn cứ vào Câu-xá Luận nói: Các pháp đều do nhân duyên mà sanh, cho nên chẳng phải thường; đủ mọi bức bách não hại, thế nên gọi là khổ; thấy có đủ loại tướng khác biệt của sanh tử, nam nữ, nhưng trên thực tế là không có, trái ngược với cái thấy của chính mình, nên gọi là không; cái thấy đã trái ngược với chính mình, chính mình sao có thể làm chủ tể? Không có chủ tể thì không thể điều hành, làm chủ được, chính là không có ngã. Vãng Sanh Luận nói: “Phạm thanh ngộ sâu xa, vi diệu vang mười phương”. Thế nên pháp mà tiếng gió nói ra không chỉ là khổ, không, vô thường của Nhị thừa, mà có thể khiến người ngộ nhập, chứng được Ba-la-mật của Niết-bàn.

Đại sư Đàm Loan nói: “Lìa có mà có nên gọi là vi”. Lìa có, chỉ cho có thoát khỏi Tam giới. Do vô dục, nên lìa khỏi Dục giới. Họ ở trên mặt đất nên không phải Sắc giới. Họ có sắc pháp, thì không phải là Vô Sắc giới. Chẳng phải tam hữu [1], nên cõi Tịnh độ không nằm trong Tam giới, mà lìa khỏi tam hữu, cho nên gọi là “lìa có”. “Lìa có mà có”, “mà có” đó là gì vậy? Là có Tịnh độ, do Nhất thừa nguyện hải của đức Di-đà mà có. Lìa khỏi nhị biên, siêu vượt tứ cú, lìa có mà có, nên gọi là “vi”.

Nhị biên là hai bên đối lập: có không, đúng sai, tà chánh, phàm thánh v.v.

Tứ cú: nói có là nhất cú; nói không cũng là nhất cú; nói vừa có, vừa không, cũng là nhất cú; chẳng có, cũng chẳng không, vẫn là nhất cú. Đây là tứ cú. Bất kể nói thế nào đều không thể lìa khỏi tứ cú. Ngôn ngữ của chúng sanh chúng ta đều ở trong [phạm vi] của tứ cú.

Thế giới Cực Lạc, lìa có mà có, không rơi vào hai bên, lìa khỏi tứ cú, nên gọi là “vi”; có thể khiến người nghe pháp khai ngộ, thế nên gọi là “diệu”. Pháp âm vi diệu, có thể khiến người ngộ nhập sâu xa.

Lại nữa, gió mang đức hương, “lan tỏa vạn loại đức hương ôn nhã”. Ôn là ôn hòa, nhã là nhã chánh; hương thơm ôn hòa vừa ý người thì gọi là ôn; hương thơm xa lìa ái nhiễm thì gọi là nhã. Ví dụ rất nhiều mỹ phẩm của thế gian có rất nhiều mùi thơm, sau khi ngửi thì sẽ sinh ra tâm ái nhiễm, chính là bỉ tục bất nhã, thậm chí khởi lên dục niệm, đó chính là tà hương. Đức hương ôn nhã có thể khiến người ngửi đến “tự nhiên không khởi trần lao cấu tập”, thế nên gọi là đức hương. Trần lao chính là phiền não, cấu tập chính là tập khí phiền não. Do vì vạn vật ở Cực Lạc đều viên minh cụ đức, cho nên gió có đủ vạn đức, có thể khiến người ngửi được tự nhiên không khởi phiền não và tập khí, đây là gió và hương đều làm Phật sự.

Thứ ba chính là sự tiếp xúc vi diệu của gió. Gió đức này chạm vào thân thể của người, khiến người cảm thấy vô cùng an hòa, vừa tâm xứng ý, niềm vui này giống như tỳ-kheo đắc được diệt tận định. Định này còn gọi là “diệt tận tam-muội”, là thiền định diệt hết tâm và tâm sở của sáu thức, là thánh nhân thuộc quả vị Bất Hoàn trở lên mới đạt được. Người vãng sanh đến cõi Đồng Cư, niềm vui của họ giống như tỳ-kheo đắc được diệt tận định.

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Phục xuy thất bảo lâm thụ, phiêu hoa thành tụ, chủng chủng sắc quang, biến mãn Phật độ. Tùy sắc thứ đệ nhi bất tạp loạn, nhu nhuyễn quang khiết như Đâu-la-miên. Túc lý kỳ thượng, một thâm tứ chỉ, tùy túc cử dĩ, hoàn phục như sơ. Quá thực thời hậu, kỳ hoa tự một, đại địa thanh tịnh, cánh vụ tân hoa. Tùy kỳ thời tiết, hoàn phục châu biến, dữ tiền vô dị, như thị lục phản.

Lại thổi qua rừng cây bảy báu, thổi hoa tụ lại, đủ loại màu sắc, ánh sáng đầy khắp cõi Phật. Lần lượt theo màu mà không tạp loạn, mềm mại, sáng sạch như Đâu-la-miên. Chân đi lên lún sâu bốn đốt tay, nhấc chân lên rồi lại bằng phẳng như cũ. Qua khỏi giờ ăn hoa ấy tự mất, mặt đất sạch sẽ, lại mưa hoa mới. Tùy theo thời tiết, tuần hoàn khắp nơi, như trước không khác, ngày đêm sáu lần như thế.

Thứ tư là theo gió mang hoa đến. Gió thổi đến rừng cây bảy báu, hoa bị thổi rơi xuống rất có trật tự, tùy loại màu sắc và ánh sáng khác nhau của chúng mà tự nhiên bay chụm vào nhau, đầy khắp trong cõi nước, phủ hết toàn bộ mặt đất. Tùy theo phân loại màu sắc của hoa, hoa vàng, hoa đỏ, hoa này, hoa kia, mỗi loại tự nhiên tụ thành cụm riêng, không hề tạp loạn. Hoa ấy ở trên mặt đất rất là mềm mại, cũng rất sạch sẽ sáng rỡ, giống Đâu-la-miên, chính là bông tơ, giống như hoa của cây dương liễu, cây xương bồ v.v. là thứ rất mềm mại. Giẫm lên hoa, chân sẽ lún sâu bốn đốt tay. Bạn vừa nhấc chân lên thì hoa lại bằng phẳng. Mưa hoa của sáng sớm hễ qua giữa trưa thì những hoa này tự nhiên không thấy nữa. Sau khi hoa biến mất hẳn, toàn bộ mặt đất khôi phục lại sự thanh tịnh, bấy giờ không trung lại mưa xuống hoa mới.

Tiếp theo nói một chút về sáu thời. Thời thứ nhất từ lúc mặt trời mọc đến chính ngọ thì gọi là sáng sớm, đây là thời thứ nhất; thời thứ hai là giữa ngày; thời thứ ba cuối ngày; thời thứ tư là đầu đêm; thời thứ năm là giữa đêm; thời thứ sáu là cuối đêm. Đây chính là sáu thời của một ngày. Kinh A-di-đà nói: “Ngày đêm sáu thời, trời mưa xuống hoa Mạn-đà-la”. Tùy theo sáu thời gian này mà luân phiên mưa hoa xuống và biến mất hoa, chính là “hoàn phục” mà kinh văn nói đến. Hoa của mỗi lần đều đầy khắp mặt đất, trong kinh gọi là “châu biến”. Hoa đồng thời biến mất, mặt đất thanh tịnh, mưa hoa xuống và hoa biến mất như vậy gọi là “phản”, mỗi ngày sáu lần thì gọi là “lục phản”. Mỗi lần hoàn tất thì mặt đất thanh tịnh như cũ, cho nên gọi là “hoàn phục như sơ”.

Thế giới Cực Lạc vẫn còn gọi ngày đêm, đây cũng là tùy thuận tập tục của thế gian. Sớ Sao nói: “Cõi ấy không có mặt trời mặt trăng, nhưng thường xuyên sáng sủa”. Thế nên hoa nở, chim kêu chính là ban ngày. Hoa khép lại, chim cũng đậu nghỉ rồi thì gọi là đêm. Di-đà Thông Tán của đại sư Khuy Cơ nói rằng: “Ao vàng hoa nở”, [tức là] trong ao sắc vàng hoa nở thì người cõi Cực Lạc cho là trời đã sáng. “Chim đậu rừng quỳnh”, [khi] chim trú nghỉ trong rừng cây báu thì Bồ-tát ở Cực Lạc cho rằng là ban đêm. Viên Trung Sao nói sâu hơn một chút: “Lấy hoa nở, chim kêu làm ngày; hoa khép, chim đậu nghỉ làm đêm, trộm nghĩ: [việc này] vẫn là bầu không khí của cõi Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh độ”. Do chúng sanh đa phần đới nghiệp vãng sanh, vẫn chưa quên được triệt để tình trạng có ngày có đêm của uế độ. Nếu như ở ba cõi trên: cõi Phương Tiện Hữu Dư, cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cõi Thường Tịch Quang thì không có những tướng phân biệt có ngày có đêm, hoa nở chim đậu nghỉ này.

Từ phẩm thứ 14 đến phẩm thứ 20 đều nói về sáu trần thuyết pháp ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, cụ thể là nói rõ chỗ không thể nghĩ bàn của y chánh trang nghiêm nơi thế giới Cực Lạc vượt hơn cõi nước của chư Phật phương khác. Cảnh giới như vậy nếu không phải là Phật nói rõ cho chúng ta, thì nghĩ xem thế gian này của chúng ta, bất luận là Trung Quốc hay nước ngoài viết tiểu thuyết, viết truyện, liệu có thể viết được viên mãn như thế không? Những chuyện hiếm lạ cổ quái nói trong tiểu thuyết của Trung Quốc không thể hơn Tây Du Ký. Tây Du Ký so với kinh Vô Lượng Thọ thì kém quá xa.

Lão pháp sư đã từng gặp một vài giáo sư thỉnh thoảng cũng xem một chút kinh Phật, họ bình luận về Thích-ca Mâu-ni Phật của chúng ta là: Thích-ca Mâu-ni Phật rất biết nói khoác, rất biết viết truyện. Họ cũng rất bội phục Thích-ca Mâu-ni Phật, họ xem Thích-ca Mâu-ni Phật thành nhà văn học, họ nói không [hay] bằng Thích-ca Mâu-ni Phật.

Những điều Thích-ca Mâu-ni Phật nói trong kinh đều là điều ngài đích thân nghe và thấy. Chẳng những là Thế Tôn đích thân nghe và thấy, mà ngài A-nan đã thấy rồi, ngài Di-lặc nhìn thấy rồi, 20.000 đại chúng dự hội, mỗi người đều nhìn thấy A-di-đà Phật, nhìn thấy thế giới Tây Phương Cực Lạc, sự việc này là thật, chẳng phải giả.

Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, phu nhân Vi-đề-hy bởi vì sau khi gặp nạn biến cố gia đình, đối với thế gian này tâm ý đã nguội lạnh, hướng về Thích-ca Mâu-ni Phật cầu cứu, liệu có nơi nào tốt không? Bà bằng lòng vãng sanh, không muốn ở thế giới Ta-bà. Thích-ca Mâu-ni Phật dùng thần lực đem cõi nước của chư Phật mười phương đều hiển hiện ra trước mặt bà. Sau khi bà xem xong, [thì] chọn thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chẳng những phu nhân Vi-đề-hy nhìn thấy mà đồng thời 500 cung nữ cùng với phu nhân cũng đều nhìn thấy, đây đâu phải là chuyện mà Thích-ca Mâu-ni Phật viết ra, sao có thể nói Thích-ca Mâu-ni Phật nói khoác được. Người thế gian không có trí tuệ, ngu si, đúng như trong kinh nói “ít thiện căn, phước đức, nhân duyên”. Đối với lời dạy của Phật tổ, thánh hiền không thể tin sâu, trong xã hội hiện nay chúng ta thường gặp người như vậy. Lão pháp sư nói với chúng ta, gặp người như vậy thì đừng tranh luận với họ, chắp tay lại hoan hỷ, bởi vì bạn có nói họ cũng không thông, do họ có phân biệt, chấp trước và sở tri chướng của họ.

Y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc mà kinh điển nói, mỗi câu đều chân thật, không có một từ nào là vọng ngôn, phải tin tưởng lời Phật nói trong kinh Kim Cang: “Như Lai là bậc chân ngữ”, chân nghĩa là không giả; “là bậc thật ngữ”, thật chính là không hư dối; “là bậc như ngữ”, như chính là nói được vừa vặn thích đáng, không thêm một chút, cũng chẳng bớt một chút, hoàn toàn phù hợp sự thật.

Đương nhiên y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc, nói không thể hết, chẳng qua là giản lược nêu lên vài điều tương đối gần gũi một chút với cuộc sống của thế gian này, nói rồi chúng ta có thể hiểu. Sự trang nghiêm mà thế gian này của chúng ta không có, Phật đều không nói, vì nói ra cũng không hiểu, chúng ta không cách gì tưởng tượng được, nên Phật cũng chẳng nói. Thế nên tất cả pháp mà Phật thuyết đều là lược thuyết, Phật không vọng ngữ, cũng không khoa trương, người nào tin tưởng thì người đó có phước. Thật sự có phước thì có thể tin tưởng, có thể phát nguyện, có thể niệm Phật cầu sanh Tịnh độ.

Y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc, trong một đời này của chúng ta, không bao lâu thì có thể hưởng thụ được, có thể thấy lời dạy của Phật đối với chúng ta có lợi ích chân thật. Những gì Phật nói, chúng ta đều có thể đạt được, ân đức của Phật quá lớn, chúng ta chỉ có niệm Phật, vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc mới có thể báo ân Phật. Không thể vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không thể báo đáp được ân đức của Phật.

Tiếp theo chúng tôi giảng kinh văn phẩm thứ 21:

BẢO LIÊN PHẬT QUANG ĐỆ NHỊ THẬP NHẤT

Trong phẩm kinh văn này, Thế Tôn giảng thuật cho chúng ta sen báu trong nước là điều thù thắng nhất trong y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Hoa sen phóng quang, trong quang minh có hóa Phật, Phật lại thuyết pháp, trùng trùng vô tận, công đức không thể nghĩ bàn. Kinh văn của phẩm này hiện rõ thế giới Cực Lạc đầy đủ trùng trùng vô tận huyền môn trong thập huyền diệu môn của thế giới Hoa Tạng. Trong nước Cực Lạc có hoa sen do các báu hợp thành, trải khắp mọi nơi trong cả thế giới.

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Hựu chúng bảo liên hoa, châu mãn thế giới, nhất nhất bảo hoa, bá thiên ức diệp. Kỳ hoa quang minh, vô lượng chủng sắc, thanh sắc thanh quang, bạch sắc bạch quang, huyền hoàng châu tử, quang sắc diệc nhiên. Phục hữu vô lượng diệu bảo, bá thiên Ma-ni, ánh sức trân kỳ, minh diệu nhật nguyệt. Bỉ liên hoa lượng, hoặc bán do-tuần, hoặc nhất nhị tam tứ, nãi chí bá thiên do-tuần. Nhất nhất hoa trung, xuất tam thập lục bá thiên ức quang.

Lại có nhiều hoa sen báu trải khắp thế giới. Mỗi hoa báu có trăm ngàn ức cánh. Ánh sáng của hoa có vô lượng màu: màu xanh ánh sáng xanh, màu trắng ánh sáng trắng, huyền, vàng, đỏ, tía, màu sắc và ánh sáng cũng lại như vậy. Lại có vô lượng diệu bảo, trăm ngàn Ma-ni sáng đẹp quý hiếm, chói lọi như nhật nguyệt. Kích thước của hoa sen hoặc nửa do-tuần, hoặc một hai ba bốn do-tuần, cho đến trăm ngàn do-tuần. Trong mỗi hoa sen phóng ra ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng

“Lại có nhiều hoa sen báu trải khắp thế giới”

Câu này là tổng thuyết. Thế giới Tây Phương Cực Lạc còn được gọi là thế giới hoa sen, hoa sen trong nước Cực Lạc có sáu ý nghĩa như sau.

Một là hoa sen trải khắp nước ấy. Hai là hoa sen có trăm ngàn ức lá. Ba là quang minh của hoa ấy có vô lượng màu sắc. Bốn là diệu bảo trang nghiêm, có vô lượng diệu bảo, trăm ngàn ngọc Ma-ni trang nghiêm hoa sen. Năm là hoa sen lớn nhỏ không như nhau, từ nửa do-tuần đến trăm ngàn do-tuần. Sáu là sen báu phóng quang, trong mỗi hoa sen phóng ra 36 trăm ngàn ức quang minh.

Phật quang có bốn ý nghĩa. Một là trong quang minh có hóa Phật, trong mỗi quang minh hiện ra 36 trăm ngàn ức Phật. Hai là thân tướng thù thắng đặc biệt, thân sắc tử kim, tướng hảo thù thắng đặc biệt. Ba là hóa Phật phóng quang, mỗi một vị Phật lại phóng trăm ngàn quang minh. Bốn là hóa Phật thuyết pháp, vì khắp mười phương nói pháp vi diệu.

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Nhất nhất quang trung, xuất tam thập lục bá thiên ức Phật, thân sắc tử kim, tướng hảo thù đặc. Nhất nhất chư Phật hựu phóng bá thiên quang minh, phổ vị thập phương thuyết vi diệu pháp. Như thị chư Phật, các các an lập vô lượng chúng sanh ư Phật chánh đạo.

Trong mỗi quang minh hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật sắc thân tử kim, tướng tốt thù đặc. Mỗi vị Phật lại phóng ra trăm ngàn quang minh, rộng vì mười phương nói pháp vi diệu. Chư Phật như thế mỗi vị an lập vô lượng chúng sanh trong chánh đạo của Phật.

Đại ý của đoạn kinh văn này ban nãy chúng tôi đã nói rồi, không nói lại nữa. Chúng tôi xin nói hai vấn đề trọng điểm.

Vấn đề thứ nhất, trong phẩm kinh văn này xuất hiện: trong mỗi hoa sen phóng ra 36 trăm ngàn ức quang minh, trong mỗi quang minh hiện ra 36 trăm ngàn ức Phật, trong đây đều có số 36, vì sao đều là 36 trăm ngàn ức vậy? Đối với vấn đề này, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã giải thích cho chúng ta như sau:

“Bút giả chưa nhìn thấy lời giải thích, bản thân chỉ đành phương tiện nói rõ, bởi vì thế giới Cực Lạc có bốn cõi, mỗi cõi đều có chín phẩm, nên vừa đúng là 36 phẩm. Mỗi một phẩm đều có trăm ngàn ức hoa sen, mỗi một đóa sen đều có quang minh của tất cả các hoa sen khác, cho nên mỗi một đóa sen đều có 36 trăm ngàn ức quang minh. Trong quang minh hiện ra Phật, “trong mỗi quang minh hiện ra 36 trăm ngàn ức Phật”, phía sau còn thù thắng hơn nữa là trùng trùng vô tận. Trong cõi nước của A-di-đà Phật khắp nơi đều là hoa sen, mỗi một hoa sen phóng ra 36 trăm ngàn ức quang minh, trong mỗi quang minh hiện ra 36 trăm ngàn ức Phật, mỗi một vị Phật lại phóng trăm ngàn quang minh, rộng vì mười phương nói pháp vi diệu.”

Lời giải thích này phát ra từ miệng của một vị đại đức cư sĩ 22 tuổi khai ngộ, có tu có chứng thời bấy giờ, đáng được tin tưởng.

Vấn đề thứ hai, “an lập chúng sanh trong chánh đạo của Phật”. Đây là hoa sen phóng diệu quang, diệu quang hiện diệu Phật, diệu Phật thuyết diệu pháp, ban cho chúng sanh lợi ích chân thật. Lợi ích chân thật này chính là do trí tuệ chân thật khai hiển, đều là chân thật chi tế, pháp thân vô vi.

Hoa sen trong nước Cực Lạc vì sao gọi là diệu liên? Diệu ở chỗ nào? Hoa sen trong ao thất bảo, mỗi một hoa đều có màu sắc quang minh vi diệu, tuyệt diệu! Trong mỗi quang minh lại hiện ngàn ức Phật, tuyệt diệu! Mỗi một vị Phật nói diệu pháp, đại tuyệt diệu!

Là nói ba điều này, mỗi một đóa sen đều phóng quang, trong mỗi quang minh đều hiện Phật, hiện bao nhiêu Phật? Hiện ngàn ức Phật. Mỗi một vị Phật đều tuyên thuyết diệu pháp. Diệu liên hiện diệu quang, diệu quang hiện diệu Phật, diệu Phật thuyết diệu pháp, những vị Phật này đều ở trong quang minh làm Phật sự. Diệu, quá diệu, tuyệt diệu! Còn có thứ gì tuyệt diệu hơn nữa không? Không có!

Bên trên nói đến chư Phật đều ở trong quang minh làm Phật sự, thế nào là Phật sự? Lão pháp sư nói như sau: Hiện nay trong Phật giáo, mọi người đều nghe nói, trong chùa này có làm Phật sự, Phật sự này là gì vậy? Pháp hội, siêu độ, làm những việc như vậy, đây không phải là Phật sự, đây là Phật sự thời hiện đại. Thời đại của Thích-ca Mâu-ni Phật, bạn xem sự nghiệp mà một đời lão nhân gia ngài làm, đó gọi là Phật sự. Sự nghiệp mà Thích-ca Mâu-ni Phật làm là dạy học, là giáo dục.

Phẩm kinh văn này tổng cộng nói về bảy sự việc.

Thứ nhất, hoa sen trải khắp thế giới. Thứ hai, cánh của hoa sen rất nhiều, trong mỗi hoa có ngàn ức lá. Thứ ba, màu sắc quang minh vô lượng. Thứ tư, diệu bảo trang nghiêm. Thứ năm, sen báu lớn nhỏ không như nhau. Thứ sáu, hoa sen phóng diệu quang. Thứ bảy, trong quang minh hiện hóa Phật, Phật thuyết pháp cho chúng sanh.

Từ trong phẩm kinh văn này chúng ta có thể lĩnh hội sâu sắc được thế giới Tây Phương Cực Lạc xác thực là dùng hoa sen làm Phật sự, dùng phương thức xảo diệu này để tiếp dẫn chúng sanh mười phương thế giới, giúp tất cả chúng sanh đời này thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Cho nên hết thảy chư Phật Như Lai trong mười phương không có vị Phật nào không tán thán, không khen ngợi. Đây chính là cảnh giới giải thoát sự sự vô ngại, trùng trùng vô tận không thể nghĩ bàn mà kinh Hoa Nghiêm nói.

Tiếp theo xin tổng kết trọng điểm từ phẩm thứ 18 đến phẩm thứ 21 như sau:

Trọng điểm của kinh văn phẩm thứ 18.

Kinh văn phẩm thứ 18 có bốn trọng điểm.

Trọng điểm thứ nhất: Thích-ca Mâu-ni Phật từ bi cực điểm, trí tuệ cao tột, hết thảy y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc không phải là điều mà Bồ-tát có thể tư duy, tưởng tượng, nói ra được. Vì để cho chúng ta có thể nhận thức thế giới Tây Phương Cực Lạc trực quan hơn, Thế Tôn dùng phương pháp phương tiện thiện xảo, diễn nói cho chúng ta y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Dùng lời hiện nay mà nói thì gọi là dạy học hình tượng hóa. Chúng ta đối với Thế Tôn phải sinh khởi tâm cảm ân vô hạn. Nếu không có Thế Tôn giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc cho chúng ta, thì chúng ta sẽ không thể nhận thức được thế giới Cực Lạc, sẽ không biết được A-di-đà Phật, không biết là còn có pháp môn Tịnh độ niệm Phật. Ân Phật khó báo đáp, phải tri ân báo ân. Muốn báo ân Phật, chỉ có thành Phật.

Trọng điểm thứ hai: nhận thức sáu điều siêu thế hy hữu về chánh báo của thế giới Cực Lạc.

Dung sắc vi diệu là điều siêu thế hy hữu thứ nhất. Kinh văn nói: “Dung sắc vi diệu, hiếm có vượt hơn thế gian, đều cùng một loại, không có tướng sai biệt”. Tướng mạo tương đồng với ai vậy? Tương đồng với A-di-đà Phật.

Thân pháp tướng chuyển thành thân pháp tánh y hệt như A-di-đà Phật, đây là điều siêu thế hy hữu thứ hai. Chúng ta ở thế giới Ta-bà, thân là thân pháp tướng, vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, thân pháp tướng chuyển thành thân pháp tánh, cũng chính là chuyển tám thức thành bốn trí mà chúng ta thường nói. Khi nào chuyển vậy? Chuyển trong hoa sen. Chuyển tám thức thành bốn trí, chẳng phải là công phu của chính chúng ta, là do sức uy thần của bổn nguyện A-di-đà Phật gia trì.

Vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, đều là A-duy-việt-trí Bồ-tát, đây là điều siêu thế hy hữu thứ ba. Phàm vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thân phận nhất loạt bình đẳng, đều là Bồ-tát A-duy-việt-trí tam bất thoái. Bồ-tát A-duy-việt-trí là Pháp thân Bồ-tát đã phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, thật sự không thể nghĩ bàn, tinh diệu cùng cực, nên gọi là hy hữu.

Chúng trời người bất động từ biển thanh tịnh trí sanh ra, đây là điều siêu thế hy hữu thứ tư. Sanh từ biển thanh tịnh trí, thanh tịnh là hóa sanh nơi hoa sen, trí hải là biển trí tuệ, không thể nghĩ bàn. Mười phương thế giới chưa từng nghe đến, chỉ thế giới Tây Phương Cực Lạc mới có.

Hết thảy chúng sanh đều là sự lưu hiện của một câu thanh tịnh, đây chính là điều siêu thế hy hữu thứ năm. Mỗi người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc được uy thần bổn nguyện của A-di-đà Phật gia trì, mỗi người đều là thể thanh tịnh, pháp thân vô vi, điều này mười phương thế giới chưa từng nhìn thấy. Vượt hơn thế gian, nên gọi là siêu thế hy hữu. Chẳng những vượt hơn thế gian của Thích-ca Mâu-ni Phật, mà còn vượt hơn hết thảy cõi nước của chư Phật.

Thảy đều hóa sanh nơi hoa sen, thân sắc vàng ròng, ba mươi hai tướng, nên gọi là siêu thế hy hữu, đây là điều siêu thế hy hữu thứ sáu. Thế giới Tây Phương Cực Lạc chẳng phải là 32 tướng, nói 32 tướng là Phật tùy thuận tri kiến của thế gian mà nói, Phật có 84.000 tướng, mỗi một tướng đều có 84.000 vẻ đẹp, mỗi một vẻ đẹp lại phóng ra 84.000 quang minh. Trong mỗi tia sáng đều có thể nhìn thấy cõi nước của chư Phật mười phương, Phật Bồ-tát đang giảng kinh dạy học, đây thật là siêu thế hy hữu.

Sự siêu thế hy hữu của thế giới Tây Phương Cực Lạc vô lượng vô biên, dù nói đến vô lượng kiếp cũng nói không hết, tuyệt chẳng phải chỉ có sáu điều siêu thế hy hữu này, việc này các đồng tu cần phải biết.

Trọng điểm thứ ba: Thế Tôn dùng năm lượt so sánh, muốn nói với chúng ta điều gì? Đối với năm lượt so sánh này, bạn có cảm ngộ gì? Cõi người, cõi trời, thế giới Cực Lạc, bạn chọn lựa ra sao? Sau khi lựa chọn xong, làm thế nào đạt được mục tiêu?

Trọng điểm thứ tư: cấp bậc của nhân dân thế giới Cực Lạc thì mười phương thế giới đều không thể sánh. Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc đã là A-bệ-bạt-trí, nhưng vẫn là phàm phu; là phàm phu, nhưng lại là A-bệ-bạt-trí. Đại sư Ngẫu Ích nói đây là điều mà mười phương thế giới không có.

Trọng điểm của kinh văn phẩm thứ 19.

Kinh văn phẩm thứ 19 có bốn trọng điểm.

Trọng điểm thứ nhất: đối tượng mà A-di-đà Phật tiếp dẫn, đối tượng mà ngài giúp đỡ, chúng sanh thành tựu cao nhất là Đẳng giác Bồ-tát, Pháp thân Đại sĩ; thấp nhất thì có chúng sanh địa ngục. Tất cả chúng sanh đều bao gồm trong đó. Một từ “tất cả” chính là phẩm vị cấp bậc của thế giới Cực Lạc.

Trọng điểm thứ hai: vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, không nhất định phải đến từ ba đường thiện, từ ba đường ác cũng có thể vãng sanh. Then chốt của vãng sanh là thiện căn, phước đức, nhân duyên.

Trọng điểm thứ ba: nhân dân thế giới Cực Lạc thần thông tự tại, thần thông biến hóa, tất cả trời người đều không thể sánh bằng, gấp trăm ngàn vạn ức lần, chẳng thể tính nổi. Kinh này nói: “Dùng phương tiện trí, tăng trưởng hiểu biết, từ xưa đến nay, an trụ thần thông”. Chúng ta nên nhận thức chính xác về thần thông như thế nào? Chư Phật Bồ-tát có thần thông, vả lại còn có đại thần thông, “tất cả đại thánh đã đạt thần thông”, đây là trong kinh Vô Lượng Thọ nói. Chư Phật Bồ-tát không thị hiện thần thông, bởi vì yêu ma quỷ quái cũng có thần thông. Chư Phật Bồ-tát giáo hóa chúng sanh là dùng giảng kinh dạy học, việc này yêu ma quỷ quái không biết. Thần thông là việc vụn vặt bên rìa đạo thánh, hiện nay rất nhiều người bỏ gốc theo ngọn, họ chính là truy cầu sự vụn vặt bên rìa đạo thánh ấy, đây là mê hoặc điên đảo, cứ thế tiếp tục đi thì dễ vào ma đạo. Chớ mê tín thần thông, đừng truy cầu thần thông, không được lạm dụng thần thông, thần thông là tự tánh, chẳng phải do học được, không phải do cầu được. Thần thông và việc thoát sanh tử, ra khỏi luân hồi không hề có chút liên can.

Trọng điểm thứ tư: nhân dân thế giới Cực Lạc phước đức vô lượng, do vì phước đức vô lượng, cho nên thọ dụng tự tại, ẩm thực, y phục tùy theo ý muốn, tự nhiên hiện tiền, thảy đều đầy đủ, muốn có thứ gì thì có thứ đó, khi không cần nữa thì tự biến mất. Y phục thì trăm ngàn diệu sắc, sắc lại phóng quang, quang sắc vi diệu, y phục thắng diệu tự nhiên trên thân.

Trọng điểm của kinh văn phẩm thứ 20.

Kinh văn phẩm thứ 20 có năm trọng điểm.

Trọng điểm thứ nhất: phẩm kinh văn này nói về y báo trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, hiển bày rõ rệt sự thù thắng của sáu trần thuyết pháp nơi thế giới Cực Lạc. Gió của thế giới Cực Lạc là gió đức, mưa của thế giới Cực Lạc là mưa hoa.

Trọng điểm thứ hai: gió đức có những điều thù thắng nào? Gió đức thì không lạnh không nóng, ôn hòa vừa ý, mát mẻ không gì bằng. Gió đức tự nhiên nhè nhẹ thổi, lay động chuông báu, diễn xuất pháp âm vi diệu, gió mang theo đức hương, lan tỏa vạn loại đức hương ôn nhã. Gió đức xúc chạm vi diệu, gió đức chạm đến thân thể của người thì thân thể an hòa, điều tâm, thích ý, vui như tỳ-kheo sạch hết lậu hoặc. Gió mang theo hoa, gió thổi đến cây bảy báu, hoa bị thổi rơi xuống tự nhiên bay chụm vào nhau, trật tự ngay ngắn, hoa rơi mềm mại, sáng rỡ sạch sẽ, như Đâu-la-miên, mưa hoa buổi sớm qua giờ ngọ biến mất, lại mưa xuống hoa mới.

Trọng điểm thứ ba: thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ngày đêm, nói ngày đêm là tùy thuận tập tục thế gian, lấy hoa nở chim hót làm ngày, lấy hoa khép chim ngủ làm đêm.

Trọng điểm thứ tư: y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc mà kinh điển nói, câu câu đều là chân thật, không có một chữ nào là vọng ngôn, chúng ta phải tin chắc không nghi.

Trọng điểm thứ năm: y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc trong đời này của chúng ta không bao lâu thì có thể hưởng thụ được, đây là lợi ích chân thật mà Phật ban cho chúng ta.

Trọng điểm của kinh văn phẩm thứ 21.

Kinh văn phẩm thứ 21 có năm trọng điểm.

Trọng điểm thứ nhất: thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới hoa sen, sen báu trong nước là điều thù thắng nhất trong y báo trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Trọng điểm thứ hai: diệu liên phóng diệu quang, diệu quang hiện diệu Phật, diệu Phật thuyết diệu pháp, trùng trùng vô tận, công đức không thể nghĩ bàn.

Trọng điểm thứ ba: kinh văn phẩm này hiện rõ thế giới Cực Lạc có đủ trùng trùng vô tận huyền môn trong thập huyền môn của thế giới Hoa Tạng. Hoa sen do các báu hợp thành ở thế giới Cực Lạc trải khắp toàn thể thế giới.

Trọng điểm thứ tư: hoa sen của thế giới Cực Lạc có 6 ý nghĩa gì vậy? Một là hoa sen trải khắp nước ấy. Hai là hoa sen có nhiều cánh sen, nhiều lá sen. Ba là quang minh của hoa ấy có vô lượng màu sắc. Bốn là diệu bảo trang nghiêm. Năm là hoa sen lớn nhỏ không như nhau. Sáu là sen báu phóng quang, trong mỗi hoa sen phóng 36 trăm ngàn ức quang minh.

Trọng điểm thứ năm: lợi ích chân thật mà hoa sen ban cho chúng sanh là gì vậy? An lập chúng sanh vào chánh đạo của Phật, trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi.

Tiết học này giao lưu đến đây, cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!


[1] Tam hữu: đồng nghĩa với Tam giới

/ 100