/ 100
213

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 28/07/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 51


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Hôm nay là ngày 28/7/2021, âm lịch là ngày 19/6, ngày Quán Thế Âm Bồ-tát thành đạo, tiết học này chúng tôi bắt đầu giảng kinh văn phẩm thứ 18:

SIÊU THẾ HY HỮU ĐỆ THẬP BÁT

Tên của phẩm kinh văn này là Siêu Thế Hy Hữu. Thế Tôn dùng phương pháp so sánh để giới thiệu y chánh trang nghiêm và uy đức thần thông của thế giới Tây Phương Cực Lạc cho chúng ta. Từ trong đó chúng ta cũng có thể lĩnh hội được đôi chút về chân tướng của sự trang nghiêm. Bởi vì các loại trang nghiêm của thế giới Cực Lạc quyết chẳng phải chư Bồ-tát có thể tư duy, tưởng tượng, nói ra được. Kinh văn của phẩm này nêu rõ chánh báo, y báo của thế giới Cực Lạc, thảy đều vượt hơn thế gian, vô cùng hy hữu.

Chúng ta học tập phẩm kinh văn này thì có thể lĩnh hội được lòng từ bi vô hạn, trí tuệ vô cực của Thế Tôn. Mặc dù sự trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc không thể nghĩ bàn, Thế Tôn vẫn có phương pháp phương tiện thiện xảo khiến chúng ta có thể lĩnh hội được sự trang nghiêm của thế giới Cực Lạc.

Mời xem kinh văn:

Bỉ Cực Lạc quốc, sở hữu chúng sanh, dung sắc vi diệu, siêu thế hy hữu, hàm đồng nhất loại, vô sai biệt tướng.

Nước Cực Lạc kia, tất cả chúng sanh dung sắc vi diệu, hiếm có vượt hơn thế gian, đều cùng một loại, không có tướng khác biệt.

Đoạn kinh văn này nói chánh báo của thế giới Cực Lạc hiếm có vượt hơn thế gian, chúng sanh của thế giới Cực Lạc “dung mạo sắc tướng vi diệu hiếm có hơn hẳn thế gian”. Điều này phải so sánh một chút với thế giới của chúng ta thì mới biết được, thế giới này của chúng ta, tìm không ra hai người có tướng mạo như nhau, cho dù là song sinh thì cũng không hoàn toàn như nhau, thế nên dễ nhận ra, không nhận lầm người. Chúng sanh của thế giới Cực Lạc tướng mạo hoàn toàn tương đồng, dung mạo và sắc tướng của chúng sanh đều xinh đẹp phi thường. Mỹ diệu là vi diệu đến cùng cực. Đây là nói đến chúng sanh cõi Đồng Cư, còn cõi Phương Tiện Hữu Dư và cõi Thật Báo Trang Nghiêm thì càng khỏi phải nói. Huống hồ thế giới Cực Lạc là một cõi tức bốn cõi, bốn cõi là một cõi.

Kinh nói: “Dung sắc vi diệu, hiếm có vượt hơn thế gian, đều cùng một loại, không có tướng khác biệt.” Tướng mạo tương đồng với ai vậy? Tương đồng với A-di-đà Phật, hoàn toàn là dựa vào mô hình của A-di-đà Phật mà tạo ra dường như giống như nhau vậy. Mỗi một người đều là A-di-đà Phật, đây là siêu thế hy hữu thứ nhất.

“Thân thể pháp tánh thanh tịnh, cho nên gọi là hy hữu”. Chúng sanh ở thế giới Ta-bà là thân sanh diệt hữu lậu, chúng sanh ở thế giới Cực Lạc là thân thanh tịnh vô lậu. Chúng sanh ở thế giới Ta-bà là thân pháp tướng, chúng sanh của thế giới Cực Lạc là thân pháp tánh. Thân pháp tánh là thân thanh tịnh, thân pháp tướng là thân nhiễm ô.

Có đồng tu có lẽ sẽ thắc mắc như vầy: chúng ta là thân pháp tướng của thế giới Ta-bà, vãng sanh đến thế giới Cực Lạc thì làm thế nào biến thành thân pháp tánh, khi nào thì biến đổi? Lão pháp sư giải thích cho chúng ta như sau:

Pháp tướng biến thành pháp tánh, đây là chuyển tám thức thành bốn trí mà Tướng tông nói. Người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, bất luận là từ cõi nước Phật nào, là cõi nào trong lục đạo luân hồi, thì vãng sanh đến thế giới Cực Lạc thảy đều là thân pháp tánh thanh tịnh. Khi nào họ chuyển tám thức thành bốn trí vậy? Tôi nghĩ như vầy, tôi nghĩ A-di-đà Phật tiếp dẫn chúng ta vãng sanh, bạn xem khi ngài đến tiếp dẫn chúng ta, chúng ta niệm Phật, tin sâu nguyện thiết, thật thà niệm Phật, thì trong ao thất bảo ở bên ngoài giảng đường của A-di-đà Phật có một đóa sen, hoa sen ấy có tên, do chúng ta niệm Phật niệm ra, tương lai ta vãng sanh thì chính hoa sen ấy đến tiếp dẫn ta. A-di-đà Phật mang hoa sen ấy đến tiếp dẫn chúng ta, lúc tiếp dẫn chúng ta thì hoa nở ra, hoa tự nhiên nở ra, chúng ta ngồi trong hoa sen, ngồi lên đài sen thì hoa sẽ khép lại. Phật đem hoa ấy mang đến ao thất bảo của thế giới Cực Lạc, đặt ở trong ao, lúc này thì hoa khép lại, đợi đến khi hoa nở thì thấy Phật. Hoa vừa nở thì thấy A-di-đà Phật, thân tướng ấy chính là thân pháp tánh thanh tịnh.

/ 100