/ 100
92

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 15/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 50

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Vi lan từ hồi, chuyển tương quán chú, ba dương vô lượng, vi diệu âm thanh. Hoặc văn Phật Pháp Tăng thanh, ba-la-mật thanh, chỉ tức tịch tĩnh thanh, vô sanh vô diệt thanh, thập lực vô úy thanh. Hoặc văn vô tánh vô tác vô ngã thanh, đại từ đại bi hỷ xả thanh, cam lộ quán đảnh thọ vị thanh.

Sóng gợn lăn tăn chan hòa vào nhau, phát ra vô lượng âm thanh vi diệu. Hoặc nghe tiếng Phật Pháp Tăng, tiếng ba-la-mật, tiếng chỉ tức tịch tĩnh, tiếng vô sanh vô diệt, tiếng thập lực vô úy. Hoặc nghe tiếng vô tánh, vô tác, vô ngã; tiếng đại từ đại bi hỷ xả; tiếng cam lộ quán đảnh thọ vị.

Đoạn kinh văn này là nước nói diệu pháp, hiển thị công đức thuyết pháp không thể nghĩ bàn của chúng vô tình ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Sóng gợn trong nước, lớn thì gọi là “lan”, nhỏ thì gọi là “ba”, hiện nay trong kinh gọi là “vi lan”, chỉ cho những gợn nhỏ trên mặt nước, cũng chính là con sóng. Những con sóng này an hòa từ từ gợn theo vòng, sóng nước với sóng chan hòa vào nhau. Nước chảy có âm thanh, diễn phát ra vô lượng âm thanh vi diệu, sóng nước chính là đang rộng tuyên pháp âm, làm lợi ích cho chúng sanh, khiến cho người nghe mỗi mỗi đều nghe được pháp mà chính mình muốn nghe. Nói cụ thể chính là:

“Hoặc văn Phật Pháp Tăng thanh”

Phật Pháp Tăng là Tam bảo. Kinh A-di-đà nói: “Người nghe âm thanh ấy, tự nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”. Ba-la-mật dịch là đáo bỉ ngạn, tu đại hạnh của Bồ-tát, có thể từ bờ sanh tử bên này đến được bờ Niết-bàn bên kia, gọi là Ba-la-mật.

“Chỉ tức tịch tĩnh thanh”

Chỉ là đình chỉ, tức là dừng lại, chỉ cho dập tắt hết thảy vọng tưởng. Chỉ tức chính là chỉ quán. Sách Chỉ Quán, quyển thứ ba nói rằng: “Pháp tánh tịch nhiên thì gọi là chỉ, tịch mà thường chiếu thì gọi là quán”. Đây là nói tịch nhiên bất động là chỉ, tương đương với nghĩa của định trong giới định tuệ. Trong tịch định vẫn có tác dụng giác chiếu, chính là quán, tương đương với nghĩa của tuệ trong giới định tuệ. Tịch tĩnh, thoát ly tất cả phiền não thì gọi là tịch, chấm dứt tất cả khổ hoạn thì gọi là tĩnh. Tịch tĩnh chính là cảnh giới Niết-bàn.

“Vô sanh vô diệt thanh”

Quốc sư Thanh Lương nói: “Chư pháp vốn vô sanh, lại vô diệt”. Kinh Nhân Vương nói: “Hết thảy pháp tánh là chân thật không, không đến không đi, vô sanh vô diệt”. Tâm Kinh nói: “Tướng không của các pháp đây, không sanh không diệt”. “Tướng không” của Tâm Kinh chính là “chân thật không” của kinh Nhân Vương, chính là “đệ nhất nghĩa đế không”. Hết thảy pháp đã là chân thật không thì sao lại có sanh diệt đến đi chứ. Cho nên kinh này nói “đức Như Lai ấy đến không chỗ đến, đi không chỗ đi, vô sanh vô diệt”, lìa khỏi hết thảy các tướng phân biệt: đến đi, sanh diệt, không hữu. Thế nên quốc sư Thanh Lương nói: Các pháp vốn là vô sanh, đã vô sanh, đương nhiên cũng là vô diệt.

“Thập lực vô úy thanh”

Thập lực chính là trí lực chứng nhập thật tướng của Phật, tổng cộng có 10 loại. Vô úy là [uy] đức điềm tĩnh tự nhiên, không chút sợ sệt của Phật khi thuyết pháp trong đại chúng. Tổng cộng có bốn loại: Thuyết nhất thiết trí vô sở úy, thuyết lậu tận vô sở úy, thuyết chướng đạo vô sở úy, thuyết tận khổ đạo vô sở úy.

“Hoặc văn vô tánh, vô tác, vô ngã thanh

Vô tánh, hết thảy pháp đều không có thực thể, cho nên nói là vô tánh. Vô tác nghĩa là không có sự sắp đặt tạo tác, tương đồng với vô vi, nếu như có hành động thì thành pháp hữu vi. Pháp Sự Tán nói rằng: “Cực Lạc vô vi là cảnh giới Niết-bàn”. Niết-bàn là vô sanh vô diệt, trừ tận hết thảy pháp hữu vi, lìa khỏi tất cả tạo tác hữu vi. Tông Thiên Thai chủ trương rằng: Phật của Quyền giáo, Pháp Tướng tông là do tu hành cảm được Phật quả mà thành Phật, do nhân tu hành trong ba đại kiếp báo đáp mà thành Phật, cho nên đó là Phật của pháp hữu vi. Ba thân của Phật trong Viên giáo đều là Phật tánh vốn tự nhiên như vậy, chẳng phải là do kết quả của tạo tác tu hành ở nhân địa, thế nên gọi là ba thân vô tác. Phẩm Thủ Hộ Quốc Giới trong kinh Pháp Hoa nói: “Hữu vi báo Phật là quả Phật Quyền giáo trong mộng; vô tác pháp chứng tam thân là Phật thật trước khi nằm mộng”. Đây là nói Phật của Quyền giáo là từ pháp hữu vi tu hành mà thành, Phật quả này giống như quả mà con người đạt được trong khi đang nằm mộng. Đây là Như Lai vì chúng sanh nên phương tiện khéo léo mà gọi là Phật. Nếu như do vô tác pháp mà chứng được ba thân: pháp thân, báo thân, hóa thân của Phật của Viên giáo, thì đó là chân ngã trước khi nằm mộng, đây mới là Phật thật.

/ 100