/ 100
188

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 22/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 4

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Hôm qua đã giảng tới từ “thanh tịnh” trong đề kinh Vô Lượng Thọ, hôm nay chúng ta tiếp tục giảng “bình Đẳng Giác”.

Thứ bảy: “Bình Đẳng Giác”.

Kinh nói “bình đẳng gọi là chân như, cho đến bình đẳng chính là pháp môn không hai”. “Bình Đẳng Giác” trong đề kinh có bốn cách giải thích:

Thứ nhất: bình Đẳng Giác ngộ khắp hết thảy chúng sanh. Tức là pháp giúp hết thảy chúng sanh bình đẳng thành Phật.

Thứ hai: dùng pháp bình Đẳng Giác ngộ chúng sanh.

Thứ ba: bình Đẳng Giác là chánh giác của Như Lai.

Thứ tư: chuyên dùng cho kinh này mà nói, bình Đẳng Giác cũng là thánh hiệu của giáo chủ cõi Cực Lạc.

Tổng cương lĩnh tu học thứ hai là Bình Đẳng Giác. Thế nào là bình đẳng? Dùng cách nói đơn giản nhất, thông thường nhất để giải thích thì một là bình đẳng, hai là không bình đẳng. Trong thập đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ-tát có câu “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, có ý nghĩa gì? Học nhiều năm như vậy, chúng ta đã hiểu rõ hàm nghĩa của hai câu này chưa? Cho dù chúng ta mở miệng liền có thể nói ra hai câu này, thập đại nguyện vương đọc thuộc làu làu, nhưng không hiểu được nghĩa chân thật của Như Lai! Những gì chúng ta biết chỉ là bề ngoài mà thôi, còn những điều tinh túy chúng ta vẫn chưa đạt được!

Khởi tâm động niệm chính là không bình đẳng. Có việc nào bạn không khởi tâm động niệm đâu? Không tìm ra được một việc nào. Chúng ta nghe kinh Vô Lượng Thọ cũng hiểu rồi, giác ngộ rồi, biết được thế nào là tâm bình đẳng. Hằng thuận chính là tâm bình đẳng. Đi đâu để tìm tâm bình đẳng? Không cần hướng ra bên ngoài tìm. Hằng thuận chúng sanh thì tâm bình đẳng của bạn sẽ hiện tiền. Chuyện này đơn giản biết bao!

Hằng thuận, tùy thuận đều cùng một nghĩa. Trong tâm khởi một vọng niệm thì không gọi là tùy thuận. Tùy thuận là tùy thuận theo tánh đức, tùy thuận theo pháp tánh, tùy thuận theo tự tánh. Tự tánh thanh tịnh, pháp tánh không nhiễm, đây gọi là tùy thuận tự tha. Chính mình là tự tánh, tha là pháp tánh, đó mới thực sự là tùy thuận. Cho nên tùy thuận là bình đẳng thanh tịnh, là tâm bình đẳng, đây là chân như.

Để tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện có liên quan tới bình đẳng.

Năm đó ở Diên An, cuộc sống rất gian khổ, quân dân bắt đầu triển khai vận động sản xuất rộng rãi, tự cung tự cấp. Có một bài hát tên là “Nam Nê Loan”, vào thời đó rất nổi tiếng, ai cũng yêu thích bài hát này, cho đến nay vẫn còn đang hát, trở thành một bài hát kinh điển của lịch sử. Câu chuyện mà tôi muốn kể cho mọi người chính là xảy ra ở Diên An năm đó. Nhân vật chính của câu chuyện là chủ tịch Mao kính yêu của chúng ta. Có một hôm, chủ tịch Mao tiếp kiến một người. Là ai vậy? Tiêu Kính Quang. Tiêu Kính Quang vừa nhận được thông báo tiếp kiến của chủ tịch liền rất vui, từ rất sớm đã đến rồi. Ông bước vào phòng của chủ tịch, nhìn thấy chủ tịch đang ngồi trên giường, còn chưa xuống đất, trên người đang đắp chăn. Tiêu Kính Quang trong lòng cảm thấy buồn bực, chủ tịch trước giờ đều nho nhã lễ độ, hôm nay sao lại không xuống giường như vậy? Ông thấy chủ tịch còn đang đắp chăn, trong lòng nghĩ hay là chủ tịch bị bệnh. Thế là ông nói với chủ tịch: “Chủ tịch, ngài bị bệnh à? Có cần tìm bác sĩ tới khám không?” Chủ tịch cười rồi nói: “Anh đừng lo, tôi không bị bệnh”. Tiêu Kính Quang dùng ánh mắt khó hiểu nhìn chủ tịch, dường như đang hỏi, vậy ngài đang làm gì vậy, tại sao lại không xuống giường? Mọi người có biết chủ tịch trả lời như thế nào không? Chắc chắn là mọi người không đoán ra được. Chủ tịch nói rằng: “Bởi vì tôi không mặc quần, cho nên không xuống giường được”. Tiêu Kính Quang nghe xong há hốc miệng không nói được lời nào. Vậy quần đâu rồi? Mang giặt rồi, phơi còn chưa khô.

Đó gọi là gì? Gọi là bình đẳng, gọi là đồng cam cộng khổ. Cuộc sống gian khổ, chiến sĩ có một chiếc quần, chủ tịch cũng có một chiếc quần, không có đặc cách nào hết. Thế nào là một nhà lãnh tụ vĩ đại? Đây gọi là một nhà lãnh tụ vĩ đại!

Nói tới bình đẳng, để tôi kể cho mọi người nghe một câu chuyện, xem như việc xen giữa, tuy là việc xen giữa nhưng bạn cũng đừng nghe như không nghe. Phải làm thế nào mới đạt được bình đẳng? Người xưa nói hòa bình. Hòa ở trước, bình ở sau, bạn không hòa thì sẽ không bình. Hòa là nhân, bình là quả. Cho nên Phật dạy chúng ta tu Lục hòa kính. Mục tiêu của Lục hòa kính là bình Đẳng Giác. Không thể lục hòa thì bình đẳng chỉ là hữu danh vô thực. Chung sống với người khác phải hòa. Người phải hòa mà việc cũng phải hòa, không có pháp nào không hòa. Đức Phật dạy chúng ta lục hòa, chúng ta không thể không biết, không thể không nghiêm túc tu học.

/ 100