/ 100
94

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 14/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 47

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem đoạn kinh văn tiếp theo:

Như thị quang minh, phổ chiếu thập phương nhất thiết thế giới, kỳ hữu chúng sanh, ngộ tư quang giả, cấu diệt thiện sanh, thân ý nhu nhuyễn. Nhược tại tam đồ cực khổ chi xứ, kiến thử quang minh, giai đắc hưu tức, mạng chung giai đắc giải thoát. Nhược hữu chúng sanh, văn kỳ quang minh, uy thần công đức, nhật dạ xưng thuyết, chí tâm bất đoạn, tùy ý sở nguyện, đắc sanh kỳ quốc.

Quang minh như vậy chiếu khắp hết thảy thế giới mười phương, nếu có chúng sanh gặp được quang minh này, trần cấu tiêu diệt, thiện căn tăng trưởng, thân ý nhu nhuyễn. Nếu ở nơi ba đường ác cực kỳ đau khổ, thấy được quang minh này thì đều được dừng khổ, mạng chung đều được giải thoát. Nếu chúng sanh nào nghe được uy thần công đức của quang minh này, ngày đêm khen nói, chí tâm không ngớt, tùy theo ý nguyện được sanh về nước ấy.

Đại ý của đoạn kinh văn này là, 12 loại diệu quang thù thắng mà ở trên đã nói, phổ biến chiếu diệu đến hết thảy thế giới mười phương. Phật quang tuy bình đẳng chiếu khắp đến mười phương thế giới, nhưng người có thể nhìn thấy Phật quang vẫn là vô cùng hiếm hoi. Cho nên kinh nói: “Nếu có chúng sanh gặp được quang minh này”. Phật quang chiếu khắp, vì sao chúng sanh có người gặp được, có người không gặp được vậy? Có thể lấy một ví dụ để nói, những năm trước đây chúng ta sử dụng máy thu thanh, sóng điện từ từ tiết mục mà đài phát thanh phát ra có ở hết thảy nơi, các phương đông tây nam bắc đều có thể thu nhận. Thế nhưng ăng-ten của máy thu thanh, các loại linh kiện bị sự cố, hoặc là không dò sóng tốt, thậm chí chỉ một sợi dây tiếp xúc không tốt thì sẽ không thu được.

Sóng điện từ tỉ dụ cho Phật quang thường chiếu, chiếu khắp. Máy thu thanh bị sự cố, tỉ dụ cho chúng sanh không gặp được quang minh. Nếu gặp được Phật quang thì trần cấu có thể tiêu diệt, thiện căn tăng trưởng, cho nên trong kinh nói là “cấu diệt thiện sanh”, lại còn “thân ý nhu nhuyễn”.

Người ở thế giới này của chúng ta cang cường khó giáo hóa, tình kiến kiên cố, thà bỏ mạng chứ không từ bỏ kiến hoặc, mười loại kiến hoặc rễ sâu gốc chắc, đối với sự giáo hóa siêu tình ly kiến của đức Phật không thể tin nhận. Thế nên nếu trở thành nhu nhuyễn thì dễ giáo hóa rồi.

Nếu ở trong ba đường ác, nơi cực kỳ đau khổ, thấy được quang minh ấy thì đều được dừng khổ, điều quan trọng hơn là, mạng chung đều được giải thoát. Sau khi thọ mạng chịu khổ trong một kỳ đã kết thúc, đều có thể lập tức được giải thoát. Nếu không thì một phen thọ báo trong ba đường ác là năm ngàn kiếp, ngày nào mới có thể giải thoát đây? Cho nên chúng sanh nếu có thể nghe biết quang minh thù thắng của 12 vị Quang Phật, quang minh có thể khiến chúng sanh phá tối tăm, sanh sáng suốt; trừ chướng ngại, cởi trói buộc; nhanh chóng thoát sanh tử, chứng uy thần công đức tam bất thoái. Lợi người là công, quy về chính mình là đức, thật đức của quả giác vô thượng mà đức Di-đà chứng được bên trong có thể ban lợi ích chân thật giải thoát rốt ráo ra bên ngoài. Sau khi nghe xong, “ngày đêm khen nói”, dùng tâm chí thành liên tục không gián đoạn. “Tùy theo ý nguyện được sanh về nước ấy”, tùy theo ý nguyện của mỗi người đều có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc. Cho nên khen ngợi quang minh cũng có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc.

Mười loại kiến hoặc mà phần trước nhắc đến, xin giải thích đơn giản như sau:

Một là thân kiến, chấp trước vào thân thể là ngã kiến. Hai là biên kiến, chấp vào cái thấy thường đoạn hai bên, chính là đối lập. Ba là tà kiến, cái thấy phủ định nhân quả. Bốn là kiến thủ kiến, chấp trước vào cái thấy của chính mình, chính là cố chấp kiến giải của mình. Năm là giới cấm thủ kiến, chấp trước giới luật không chính xác. Sáu là tham kiến, tham ái hưởng thụ ngũ dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc. Bảy là khuể kiến, sân khuể không nhẫn nhục. Tám là vô minh kiến, ngu si vô minh. Chín là mạn kiến, cống cao ngã mạn. Mười là nghi kiến, hoài nghi chân lý, hoài nghi lời dạy của thánh hiền.

Kinh văn phẩm thứ 12, Quang Minh Biến Chiếu Đệ Thập Nhị đã giảng xong rồi.

/ 100