PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 13/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 46
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Chúng tôi xin giảng tiếp phần nội dung của tiết học trước.
Thứ năm là Trí Huệ Quang, đại sư Đàm Loan trong bài kệ Vô Lượng Quang Phật đã nêu ra: “Trí tuệ quang minh không thể lường, cho nên cúi đầu đảnh lễ đấng Chân Thật Minh”. Khen Vô Lượng Quang là quang minh chân thật, nêu rõ Phật quang là quang minh phát ra từ bản thể chân thật. Phật quang chính là trí tuệ chân thật, thế nên trí tuệ, quang minh vốn là một thể không phải hai. Phương diện này phần trước đã nói rõ rồi, nên trong bài kệ chỉ khen ngợi diệu dụng của trí tuệ.
Kệ nói rằng: “Phật quang có thể phá vô minh tăm tối, nên Phật lại có hiệu là Trí Huệ Quang.” Bởi vì chỉ có trí tuệ mới có thể phá vô minh, Phật quang vì có thể phá trừ vô minh, cấu bẩn trong tâm của chúng sanh, nên được gọi là Trí Huệ Quang.
Đại đức Cảnh Hưng của xứ Cao Ly vào thời nhà Đường nói rằng: “Quang minh từ tâm thiện căn vô si của Phật khởi nên, lại trừ tâm vô minh phẩm của chúng sanh, nên [là] trí tuệ”. Ngài Cảnh Hưng nói: “Phật quang là từ tâm thanh tịnh mà khởi, lại tiêu trừ vô minh của chúng sanh, cho nên là trí tuệ.” Phật quang có diệu dụng tiêu trừ vô minh căn bản của chúng sanh, thật sự cho chúng sanh lợi ích chân thật. Cho nên A-di-đà Phật được xưng tán là “quang minh tôn quý nhất, vua trong các Phật”.
Thứ sáu là Thường Chiếu Quang, bản dịch thời Tống là Thường Chiếu Quang, bản dịch thời Ngụy là Bất Đoạn Quang. Sư Tịnh Ảnh nói: “Thường chiếu không gián đoạn, nên có tên là Bất Đoạn Quang.” Đủ để chứng minh Thường Chiếu Quang trong bản dịch thời Tống chính là Bất Đoạn Quang trong bản dịch thời Ngụy. Kệ của đại sư Đàm Loan là: “Quang minh phổ chiếu hết thảy thời, nên Phật còn có hiệu là Bất Đoạn Quang.” Khen quang minh của Phật trong tất cả các thời, quang minh phổ chiếu, không có gián đoạn, không hề bỏ sót. Diệu quang chiếu khắp, diệu dụng thường tồn, đại ân đại đức, thế giới Cực Lạc, A-di-đà Phật.
Thứ bảy là Thanh Tịnh Quang. Đại sư Đàm Loan nói: “Do quang minh sáng rỡ sắc siêu tuyệt, nên Phật hiệu là Thanh Tịnh Quang. Một phen quang chiếu trừ tội cấu, đều được giải thoát nên đảnh lễ.” Đại sư gọi Phật quang là đạo quang, quang minh thẳng tắp một đường, cho nên sáng rỡ, vả lại diệu sắc siêu tuyệt, vượt hơn tất cả thế gian, cho nên gọi là Thanh Tịnh Quang. Đại sư lại nói: “Quang minh này chỉ cần vừa chiếu đến bạn thì tội cấu liền tiêu trừ, đều có thể đạt được giải thoát, cho nên chúng ta đảnh lễ A-di-đà Như Lai.” Vãng Sanh Luận nói: “Ba loại trang nghiêm của thế giới Cực Lạc nhập vào nhất pháp cú.” Nhất pháp cú là gì? Là câu thanh tịnh. Câu thanh tịnh là gì? Chính là trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi, thế nên Thanh Tịnh Quang chính là câu thanh tịnh, chính là pháp thân, cũng chính là tự tâm của chúng ta, cho nên mới có thể có diệu dụng không thể nghĩ bàn như vậy.
Thứ tám là Hoan Hỷ Quang. Hoan Hỷ Quang khiến tất cả chúng sanh đắc đại an lạc. Kệ của đại sư Đàm Loan nói: “Từ quang hà bị thí an lạc, nên Phật hiệu là Hoan Hỷ Quang” (Từ quang rộng chiếu ban an lạc, nên Phật hiệu là Hoan Hỷ Quang). “Hà” là xa, là rộng, quang minh sinh ra từ tâm từ bi của Phật có thể rộng chiếu đến nơi xa vô cực, có thể đem an lạc ban khắp cho tất cả chúng sanh. Chúng sanh đạt được an lạc thảy đều rất hoan hỷ, cho nên lại có hiệu là Hoan Hỷ Quang.
Thứ chín là Giải Thoát Quang. Giải Thoát Quang có trong bản dịch thời Tống, không có trong bản dịch thời Ngụy. Bởi vì có đồng tu thọ trì kinh Vô Lượng Thọ, dùng bản của Khang Tăng Khải, trong bản này không có Giải Thoát Quang, vì sao vậy? Các dịch giả xưa không có chú thích, các tổ sư đại đức thời xưa, các ngài chú giải kinh Vô Lượng Thọ đều dùng bản dịch thời Ngụy, chính là bản của Khang Tăng Khải, không có người dùng bản dịch thời Tống, cho nên tổ sư đại đức không có giải thích cho Giải Thoát Quang. Nhưng trong bản dịch thời Ngụy có hai quang là Diễm Vương Quang và Vô Xưng Quang.
Chúng ta xem đại sư Đàm Loan tán thán: “Phật quang chiếu diệu là đệ nhất tột bậc, nên Phật có hiệu Quang Diễm Vương, ba cõi hắc ám nhờ quang chiếu, cho nên đảnh lễ đấng Đại Ứng Cúng.” Lại nói: “Thần quang lìa tướng, không thể gọi tên, nên Phật còn có hiệu là Vô Xưng Quang. Nhờ quang thành Phật quang rực sáng, chư Phật ngợi khen, cho nên đảnh lễ.” Hai bài kệ này đều là tán thán sự giải thoát, tuy không có tên gọi là “Giải Thoát”, nhưng có ý nghĩa [như vậy], Diễm Vương Quang và Vô Xưng Quang có ý nghĩa này.