/ 100
224

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 14/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 48


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiết học này chúng tôi sẽ giảng kinh văn phẩm thứ 15.

BỒ-ĐỀ ĐẠO TRÀNG ĐỆ THẬP NGŨ

Mời xem đoạn kinh văn tiếp theo:

Hựu kỳ đạo tràng, hữu Bồ-đề thụ, cao tứ bá vạn lý, kỳ bổn chu vi ngũ thiên do tuần, chi diệp tứ bố nhị thập vạn lý. Nhất thiết chúng bảo tự nhiên hợp thành, hoa quả phu vinh, quang huy biến chiếu. Phục hữu hồng lục thanh bạch, chư Ma-ni bảo, chúng bảo chi vương, dĩ vi anh lạc. Vân Tụ bảo tỏa, sức chư bảo trụ, kim châu linh đạc, châu táp điều gian, trân diệu bảo võng la phú kỳ thượng, bá thiên vạn sắc hỗ tương ánh sức, vô lượng quang viêm, chiếu diệu vô cực, nhất thiết trang nghiêm, tùy ứng nhi hiện.

Nơi đạo tràng lại có cây Bồ-đề cao bốn trăm vạn dặm, chu vi gốc cây rộng năm ngàn do-tuần, cành lá xòe ra bốn phía hai mươi vạn dặm. Tất cả các báu tự nhiên hợp thành. Hoa quả sum suê, ánh sáng chiếu khắp. Lại có các báu Ma-ni hồng lục xanh trắng, là vua trong các báu, dùng làm chuỗi anh lạc, móc báu Vân Tụ trang hoàng các trụ báu. Vàng, châu, linh, đạc treo khắp trên cành. Lưới báu trân diệu giăng phủ bên trên. Trăm ngàn vạn sắc, chói ngời lẫn nhau, vô lượng tia sáng, chiếu diệu vô cực, hết thảy trang nghiêm tùy theo tâm cảm mà ứng hiện.

Trước tiên chúng tôi xin giải thích thế nào là đạo tràng. Đạo tràng, nói đơn giản, nơi tu đạo thì gọi là đạo tràng, nói tường tận thì có 5 ý nghĩa. Đây là Hoàng Niệm lão giải thích cho chúng ta.

Ý nghĩa thứ nhất “chỉ cho nơi thành đạo dưới cội Bồ-đề của Thế Tôn ở Ấn Độ, gọi là đạo tràng”. Giải thích này là một cách nói phổ biến của nhà Phật. Thích-ca Mâu-ni Phật là ở dưới cội cây này mà chứng đạo, cũng chính là nơi đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, gọi là chốn thành đạo.

Ý nghĩa thứ hai “chỉ cho phương pháp tu hành để đắc đạo. Như kinh Duy-ma nói: trực tâm là đạo tràng”. Trực tâm, người Trung Quốc gọi là tâm chí thành, chân thành đến cùng cực, đây chính là đạo tràng. Bất luận vào lúc nào, bất luận ở nơi đâu chúng ta đều phải dùng chân tâm, dùng chân tâm chính là đạo tràng, dùng vọng tâm thì không phải đạo tràng.

Ý nghĩa thứ ba, “nơi cúng Phật được gọi là đạo tràng”.

Ý nghĩa thứ tư, “là nơi học đạo”. Duy-ma Kinh Triệu Chú, chú giải của đại sư Tăng Triệu nói rõ: “Nơi tu đạo nhàn nhã an tĩnh thì gọi là đạo tràng”. [Nơi] học tập, tu hành, dưỡng đạo đều gọi đó là đạo tràng.

Ý nghĩa thứ năm, “thời Tùy Dượng Đế, lấy đó làm tên của chùa chiền”. Tùy Dượng Đế ra chiếu cải cách chùa chiền trong thiên hạ, đều đặt tên là đạo tràng. Đây là một sự kiện lịch sử, tất cả nơi hoạt động của Phật giáo đều gọi là đạo tràng. Đạo tràng mà kinh Vô Lượng Thọ nói chính là ý nghĩa thứ tư: phàm những nơi học đạo tu hành đều gọi là đạo tràng. Đạo tràng mà kinh văn phẩm này nói chính là nơi A-di-đà Phật giảng kinh thuyết pháp.

Tiếp theo xin giải thích đơn giản về cây Bồ-đề.

Đại sư Huyền Trang trước tác Tây Vực Ký. Tây Vực Ký là nhật ký của đại sư Huyền Trang, đại sư Huyền Trang đem những điều mà ngài thấy nghe trên chặng đường của mình dùng hình thức nhật ký ghi chép lại, lưu lại tác phẩm Tây Vực Ký vô cùng trân quý này cho người đời sau.

Trong Tây Vực Ký, đại sư cũng có ghi chép về cây Bồ-đề. Cây Bồ-đề chính là cây Tất-bát-la, Tất-bát-la là tiếng Phạn, vì sao gọi tên này? Phật ngồi dưới cây này thành Đẳng Chánh Giác, nên có tên là cây Bồ-đề. Nghĩa tiếng Phạn là đạo, học đạo, tu giác, cho nên cũng gọi là cây đạo, cây giác. “Khi Phật tại thế, cây cao 400 thước”, là cây đại thụ rất cao rất to, đối với ngày nay của chúng ta mà nói thì rất khó tưởng tượng, cũng rất khó tiếp nhận, làm gì có cây lớn đến như vậy? Đại sư Hoằng Nhất vì người đời sau giải thích mối nghi này.

Đại sư Hoằng Nhất lưu lại cho chúng ta một tài liệu gọi là Chu Xích Khảo. Phật xuất hiện vào thời đại nhà Chu ở Trung Quốc, lúc phiên dịch kinh đều dùng chế độ của triều Chu. Thước ngắn của thời Chu, một thước độ chừng 6 tấc của thước Trung Quốc chúng ta. Chính là nói cao chừng phân nửa của 400 thước, cũng là cao 200 thước theo thước Trung Quốc. Người thời sau có ghi chép, “về sau nhiều lần [cây] bị tàn phá, vẫn cao 4-5 trượng”, “là cây Bồ-đề của thế giới đó”.

/ 100