PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 12/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 43
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Từ hôm nay trở đi, chúng tôi bắt đầu giảng kinh văn phẩm thứ chín. Kinh văn từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám nêu lên nguyện hạnh của Pháp Tạng đại sĩ lúc còn ở nhân địa, là đại nguyện và đại hạnh ở nhân địa của A-di-đà Phật, rất đáng để chúng ta học tập, có thể giúp cho chúng ta vãng sanh.
Từ phẩm kinh văn thứ chín là bắt đầu nói về thành tựu quả đức, có nhân có duyên thì tất nhiên cảm được có quả. Nhân vô lượng thù thắng của Pháp Tạng đại sĩ cảm được thánh quả, hết thảy thệ nguyện đều đã viên mãn thành tựu, đây chính là tên gọi của phẩm thứ chín:
VIÊN MÃN THÀNH TỰU ĐỆ CỬU
Mời xem kinh văn:
Phật cáo A-nan, Pháp Tạng tỳ-kheo, tu Bồ-tát hạnh, tích công lũy đức, vô lượng vô biên, ư nhất thiết pháp nhi đắc tự tại, phi thị ngữ ngôn phân biệt chi sở năng tri.
Phật bảo A-nan, tỳ-kheo Pháp Tạng tu Bồ-tát hạnh, tích công lũy đức vô lượng vô biên, nên đối với tất cả pháp đều được tự tại, việc này không thể dùng lời lẽ và tâm phân biệt mà có thể hiểu được.
Đại ý của đoạn kinh văn này là: Phật nói với A-nan, tỳ-kheo Pháp Tạng tu lục độ vạn hạnh của Bồ-tát, tích lũy đủ loại công đức vô lượng vô biên, cho nên đối với hết thảy pháp đắc được tự tại. Đối với tất cả các loại pháp đều thông đạt tự tại, không bị ngăn ngại. Ý của câu này rất sâu. Phật đã từng nói như sau: “Ta là đấng pháp vương, tự tại đối với pháp”. Thí như vua của loài người tự tại trong loài người, không ai có thể vượt hơn ta, khống chế ta. Ta là pháp vương, nên tự tại trong các pháp, trong hết thảy pháp đều viên dung vô ngại.
Đây là lời tán thán cực điểm không còn lời nào hơn của Thích-ca Mâu-ni Phật dành cho Pháp Tạng tỳ-kheo, cũng chính là nói Pháp Tạng tỳ-kheo lúc này cũng như Thích-ca Mâu-ni Phật vậy, đã đạt được sự giác ngộ vô thượng, tự tại vô ngại, bình đẳng với mọi pháp.
“Phi thị ngữ ngôn, phân biệt chi sở năng tri”
Ở đây nêu rõ sự thành tựu vô thượng của Pháp Tạng đại sĩ, đương nhiên trong đó bao gồm sự tự tại đối với hết thảy pháp, là sự sâu mầu khôn sánh, tuyệt đường ngôn ngữ, bặt dấu tâm hành, tác dụng của ngôn ngữ và tâm đều không thể đạt đến được. [Sự thành tựu của] Pháp Tạng đại sĩ, tâm của chúng sanh không thể nào suy lường được.
“Không thể dùng lời diễn tả, tâm phân biệt mà có thể hiểu được”, câu nói này rất quan trọng, cũng rất dễ hiểu. Thế nhưng người nghiên cứu Phật học càng sâu thì thường lại càng không hiểu, họ không thừa nhận câu nói này. Họ đại khái cho rằng người khác có thể không hiểu, còn họ là nhà Phật học cho nên đều hiểu cả, họ không những hiểu mà còn có thể làm trọng tài phán xét, đối với kinh Phật nào họ xem không vừa mắt thì có thể nói là đồ giả, cho nên rút thẻ đỏ đuổi ra khỏi sân. Ví dụ, đối với bản hội tập của kinh Vô Lượng Thọ thì họ làm như vậy, mà không biết kết quả của việc làm này đã tạo ra nghiệp tội rất lớn. Đợi đến ngày bạn thọ quả báo, hối hận cũng muộn rồi. Bạn đã đoạn mất pháp thân huệ mạng của chính mình rồi, không biết vì sao phải làm ra việc ngu xuẩn như vậy nữa, bạn không thích thì bạn không học, không tu, chẳng phải là xong rồi sao. Chọn thứ mà bản thân bạn thích rồi tu học, có ai can thiệp đến bạn đâu, vì sao bạn phải báng Phật, báng pháp, báng tăng làm gì?
“Không thể dùng lời diễn tả, tâm phân biệt mà có thể hiểu được”. Giống như Pháp Hoa nói: “Pháp ấy không thể dùng suy lường phân biệt mà có thể hiểu được” hoàn toàn là như nhau. Hai câu này về phần văn tự có chút khác biệt, nhưng về mặt thật nghĩa thì hoàn toàn không có khác biệt.
Kinh Pháp Hoa nói: “Chư Phật Thế Tôn, chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời”. Đại sự nhân duyên này là muốn khiến cho chúng sanh được khai thị ngộ nhập vào tri kiến Phật. Phật là muốn mọi người có thể ngộ nhập tri kiến Phật. Thế nhưng tri kiến Phật, trong kinh nói: duy chỉ có chư Phật Thế Tôn mới có thể biết. Vì là chúng sanh nên hiện nay hết thảy chỉ là tri kiến của chúng sanh, cho nên phải dùng đến chữ “xả” trong từ bi hỷ xả, bạn cần phải xả bỏ hết tri kiến của chính mình. Rất nhiều người chỉ ôm lấy tri kiến của chính mình mà không buông, dựa vào tri kiến chúng sanh của chính mình để đánh giá, phán xét tri kiến Phật, vậy thì vĩnh kiếp họ cũng không hiểu. Thế nên trước hết phải xả bỏ hết tình kiến chúng sanh của bạn. Thường nói rằng: Xả thân dễ, xả kiến chấp khó. Vì vậy trước hết phải từ trên chữ “xả” mà hạ công phu. Thường nói rằng: “Một phen gột hết phàm tình liền ngộ được đạo thánh”, chính là nói, trước hết bạn hãy xả bỏ hết kiến giải phàm phu của chính mình. Thí như một cái bình đã đựng đầy hồ dán, bạn dùng nó để đựng nước cam lồ thì sao có thể đựng được, trước hết nhất định phải rửa sạch hồ dán ở trong bình thì mới rót nước cam lồ vào trong được.
Kinh Viên Giác nói: “Chưa thoát luân hồi mà muốn nhận rõ viên giác”. Chưa thoát khỏi luân hồi, vẫn còn ở trong sanh tử, tâm của bạn chính là tâm sanh diệt, trong tâm sanh diệt thì vọng tưởng nối tiếp không dừng, niệm trước vừa diệt, niệm sau liền sanh, mãi luôn sanh diệt sanh diệt không ngừng, không có phút giây ngừng nghỉ, vọng tưởng chẳng dứt, thế nên chưa thoát ra khỏi luân hồi.
Trong tình cảnh này mà muốn phân biệt rõ thế nào là viên giác thì kết quả chỉ có thể là: “tánh viên giác ấy tức đồng lưu chuyển”. Cũng chính là nói, bạn muốn nhận biết rõ được thật tánh viên giác thì tánh ấy cũng như vọng tưởng của bạn mà thôi, cũng đang lưu chuyển, thế nên bạn không thể thật sự hiểu rõ được viên giác. Cho nên chân thật nghĩa của Như Lai thì chúng sanh không thể từ trong vọng tâm suy lường phân biệt, ngôn ngữ phân biệt mà có thể hiểu được, bởi vì chân thật nghĩa của Như Lai đều theo vọng tâm của bạn mà cùng nhau lưu chuyển.
Chúng ta nên biết, hết thảy ngôn giáo của Như Lai đều là tấm biển chỉ mặt trăng, Như Lai chỉ ra phương hướng để thấy mặt trăng, không có ngón tay này của Như Lai, gọi là bỏ ngón tay mà nhận ra mặt trăng thì càng khó thấy mặt trăng hơn; lại càng không được vọng chấp ngón tay này là mặt trăng, đem ngón tay của Như Lai xem thành mặt trăng, vậy thì ba đời chư Phật đều kêu oan. Thế nên kinh giáo giống như biển chỉ đường, làm một mũi tên, bên trên viết Bắc Kinh, mọi người theo hướng mũi tên thì nhất định tìm được Bắc Kinh, nhưng không được cho rằng biển chỉ đường chính là Bắc Kinh.
Một ví dụ khác, có vài người bạn tốt muốn kết bạn đi du lịch, đã mua một tấm bản đồ, tại nhà một người bạn nghiên cứu tuyến đường du lịch, trạm đầu tiên là Phổ Đà Sơn, một bạn khác tinh mắt nhanh tay chỉ vào bản đồ nói Phổ Đà Sơn ở nơi này, anh ấy nói đúng hay là không đúng vậy? Nói đúng cũng đúng, nói không đúng cũng không đúng. Nói anh ấy đúng là vì điểm anh ấy chỉ ra là Phổ Đà Sơn trên bản đồ, nói anh ấy không đúng là vì anh ấy và bản đồ đều ở nhà của người bạn này, nơi đó không phải là Phổ Đà Sơn.
Đoạn kinh văn này là Thế Tôn tán thán A-di-đà Phật đã nhân viên quả mãn, cũng là khích lệ chúng ta, dạy chúng ta noi gương A-di-đà Phật, học tập A-di-đà Phật. Mặt khác nói với chúng ta, A-di-đà Phật cũng là từ một người thông thường xuất gia rồi tu hành thành tựu, cho dù là thị hiện thì cũng không có gì khác biệt, cũng là sự thật. Nếu chúng ta muốn thành tựu giống như Phật, nếu chỉ mong cầu quả báo thì chẳng có ích gì, mà phải học tập nhân hạnh của ngài, học tập ngài tận tâm tận lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh trong pháp giới đều thành Phật đạo.
Mời xem kinh văn kế tiếp:
Sở phát thệ nguyện, viên mãn thành tựu, như thật an trụ, cụ túc trang nghiêm, uy đức quảng đại, thanh tịnh Phật độ.
Thệ nguyện đã phát thành tựu viên mãn, như thật mà an trụ, cõi Phật thanh tịnh, uy đức rộng lớn, đầy đủ các sự trang nghiêm.
Đoạn kinh văn trước là nói về thành tựu về chánh báo của Pháp Tạng đại sĩ, còn đoạn kinh văn này nói trọn về sự thành tựu trên cõi nước Phật, cũng chính là thành tựu về y báo.
Đại ý của đoạn kinh văn này là: những thệ nguyện đã phát đều thành tựu viên mãn. Những nguyện đã phát chính là chỉ 48 nguyện, 48 nguyện đã phát trước đây toàn bộ đều thành hiện thực, 48 nguyện không có một câu hư dối, mỗi nguyện đều thực hiện được, không chỉ thực hiện được mà mỗi nguyện đều thực hiện được 100%, như vậy mới có thể gọi là viên mãn thành tựu. Nếu như có nguyện thực hiện được, có nguyện vẫn chưa thực hiện được thì không thể gọi là viên mãn thành tựu. Cho nên 48 nguyện của A-di-đà Phật, mỗi nguyện đều viên mãn, thế nên kinh văn không có chữ nào là giả cả, không có câu nào là lời thừa, chúng ta có thể y giáo phụng hành thì thật là may mắn lớn lao của đời người.
“Như thật an trụ, cụ túc trang nghiêm, uy đức quảng đại, thanh tịnh Phật độ”
Bốn câu này là Thích-ca Mâu-ni Phật tán thán thế giới Tây Phương Cực Lạc.
“Như thật an trụ”, thật là chân thật, A-di-đà Phật dựa vào lý tưởng của ngài mà lập nên đạo tràng rộng lớn rốt ráo viên mãn, đó không phải là nơi do quả báo từ việc chúng sanh tạo thiện tạo ác mà nên, mà đó là đạo tràng tu hành. Bạn thật sự phát nguyện cầu sanh Tịnh độ thì đạo tràng ấy bạn sẽ có phần.
“Như thật an trụ” chính là như như mà trụ. Ý nghĩa của như thật tương đồng với như thật trong câu “như thật biết tự tâm” trong Mật tông. Yếu lĩnh của Mật tông là “như thật biết tự tâm”, như thật biết được tâm của chính mình. Như thật an trụ, như thật biết tự tâm, hai chữ “như thật” này là như nhau. Trong kinh này thì sâu thêm một tầng, chẳng những là biết mà còn an trụ, cũng chính là an trụ nơi tự tâm, cũng chính là an trụ vào chân thật chi tế, cũng chính là an trụ vào thật tướng các pháp, cũng chính là an trụ vào pháp thân. Vãng Sanh Luận nói: Ba loại trang nghiêm trong nước Cực Lạc nhập vào nhất pháp cú. Nhất pháp cú là câu thanh tịnh, câu thanh tịnh là trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi. Thế nên, thân và cõi nước nơi Cực Lạc chính là pháp thân, pháp thân thường trụ, ba đời là một, quá khứ, hiện tại, vị lai là ba đời, ba đời không có phân biệt, đột phá được thời gian, đây là cảnh giới pháp thân. Pháp thân chân thật thường hằng, thế nên quốc độ rốt ráo nơi Cực Lạc được gọi là Thường Tịch Quang.
Nói ra nhiều điều về mặt lý luận như vậy có đồng tu nghe không hiểu, vậy chúng ta làm thế nào như thật an trụ, chúng ta an trụ vào nơi đâu? Chúng tôi sẽ dùng cách nói đơn giản nhất để nói cho mọi người biết chúng ta như thật an trụ vào nơi đâu:
Thứ nhất, như thật an trụ vào tự tâm, tự tâm chính là chân tâm, chính là tự tánh, chính là chân như, chính là bổn tánh. Cách nói không như nhau nhưng ý nghĩa thì tương đồng.
Thứ hai, như thật an trụ vào thật tướng các pháp. Thật tướng các pháp là gì? Chính là chân tướng của vạn vật trong vũ trụ. Chân tướng của vạn vật trong vũ trụ là gì? Nếu dùng một từ làm tiêu biểu thì đó chính là “không”. Nói cách khác chính là hết thảy pháp đều không có sở hữu, không thể đạt được, rốt ráo không. An trụ thật tướng là nghĩa thế nào? Chính là không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đối với tự tánh năng sanh năng hiện và vạn pháp được sanh được hiện thảy đều không khởi tâm động niệm, không phân biệt không chấp trước. Chính là “như như bất động” mà kinh Kim Cang nói.
Thứ ba, như thật an trụ vào câu Phật hiệu A-di-đà Phật, đây là cách nói của Tịnh độ tông chúng ta. Chúng ta tu học pháp môn Tịnh độ trì danh niệm Phật chính là phải an trụ vào câu Phật hiệu A-di-đà Phật.
Thứ tư, như thật an trụ vào trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi, đảm bảo bạn đời này viên mãn thành Phật, đây là trí tuệ chân thật, trong tâm chỉ có A-di-đà Phật, không có vọng niệm khác, gọi là pháp thân vô vi.
Thứ năm, nói theo pháp thế gian, chúng ta phải như thật an trụ vào toàn thế giới, khởi tâm động niệm phải vì sự an nguy, họa phước của toàn thế giới mà lo nghĩ, không được chỉ nghĩ đến bản thân, không được chỉ nghĩ cho gia đình nhỏ của riêng mình, không được chỉ nghĩ cho đất nước mình, mà phải nghĩ đến toàn thế giới. Đó là trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường. Không được quên rằng tất cả vũ trụ là một thể.
Nói về “như thật an trụ” nhiều như vậy vì phần này lý rất sâu, không dễ hiểu. Bởi vì chúng tôi phải quan tâm đến đồng tu thuộc các trình độ khác nhau, cho nên không thể nói quá khó, cũng không thể giảng quá cạn được. Giảng sâu thì nghe không hiểu, giảng cạn thì ăn không no, rất khó đảm bảo được mức độ, tôi đành cố gắng hết sức vậy, dùng hết khả năng để các đồng tu với các trình độ khác nhau đều có được thu hoạch. Đương nhiên tôi mong những người nghe kinh rõ lý càng nhiều càng tốt, người thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh độ càng nhiều càng tốt, người vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc làm Phật làm Bồ-tát càng nhiều càng tốt.
Tiếp theo chúng tôi xin tiếp tục giảng về “cụ túc trang nghiêm”.
Pháp Tạng đại sĩ lúc đang phát thệ nguyện tu tập, “đối với sự trang nghiêm công đức trong hai trăm mười ức cõi Phật kia, ngài thông đạt hiểu rõ như một cõi Phật, cõi nước mà ngài nhiếp thủ, vượt trội các cõi kia”. Lại trong phẩm Cõi Nước Nghiêm Tịnh thì “thế giới Cực Lạc ấy có đủ sự trang nghiêm, kỳ diệu tú lệ, thanh tịnh trang nghiêm, vượt hơn hết thảy thế giới mười phương”. Có thể thấy thế giới Cực Lạc đã nhiếp trọn sự vi diệu trang nghiêm của vô lượng cõi Phật mà thành tựu, thế nên mới là “cụ túc trang nghiêm”. Lại còn là sự lưu hiện của câu thanh tịnh, tức trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi. Tâm tịnh ắt cõi nước tịnh, thế nên đầy đủ các sự trang nghiêm.
“Uy đức quảng đại”
Đáng kính, đáng sợ thì gọi là “uy”; đáng tôn trọng, đáng mến thì gọi là “đức”. Uy là uy lực, uy nghi, khiến người khác không khỏi tôn kính, không dám phóng túng. Đức là có đức đối với người khác, khiến người khác tôn kính, yêu mến. Âm thanh, ánh sáng, hương thơm ở cõi Cực Lạc đều làm Phật sự, làm lợi ích cho chúng sanh. Sợi lông, mảy trần đều là viên minh cụ đức, thế nên có đức.
Vả lại, phương pháp giáo hóa chúng sanh có hai loại, một là chiết phục, hai là nhiếp thọ. Chiết phục là uy, nhiếp thọ là đức. Đồng thời trong lúc độ sanh thì luôn phải chiết phục trước rồi mới có thể nhiếp thọ. Ví dụ, biện luận với ngoại đạo, chỉ có chiết phục được họ, sau khi thuyết pháp đánh bại họ thì mới có thể nhiếp thọ họ làm đệ tử của Phật.
“Quảng đại” nghĩa là không gì không trùm khắp, thảy đều dung chứa là “đại”; bản thể cùng cực, diệu dụng vô cùng gọi là “quảng”. Hàm nghĩa của quảng đại có thể dùng ngôn ngữ hiện nay để nói rõ, đó chính là lớn vô hạn trong toán học, ký hiệu là số tám nằm ngang (∞). Số lớn vô hạn trừ với bất kỳ số nào thì vẫn là lớn vô hạn, cho nên nó không có cùng tận. Hiện nay đức Như Lai trong mười phương cõi Phật đều khuyên nhân dân của nước mình vãng sanh Cực Lạc, như vậy thì vãng sanh đến Cực Lạc vĩnh viễn không có điểm dừng, nước Cực Lạc cũng vĩnh viễn không có chuyện không thể dung nạp nổi. Nhân dân cõi Cực Lạc đến mười phương đi cúng dường chư Phật Bồ-tát, những vật dụng cần thiết để cúng dường vĩnh viễn không có cùng tận, giống như ký hiệu lớn vô hạn ấy, dù có trừ đi, chia đi thế nào thì kết quả vẫn là lớn vô hạn.
“Thanh tịnh Phật độ”
Kinh nói rằng thế giới Cực Lạc “thanh tịnh trang nghiêm, vượt trỗi mười phương”, mà thanh tịnh cũng là danh hiệu của Phật, bản dịch thời Hán thì gọi A-di-đà Phật là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật. Phật đều vô lượng, vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng thanh tịnh, vô lượng trang nghiêm, đủ mọi vô lượng. Do A-di-đà Phật là vô lượng thanh tịnh, tâm tịnh thì cõi nước tịnh, nên thế giới Cực Lạc là vô lượng thanh tịnh.
Thế giới Cực Lạc chính là thế giới Hoa Tạng, cũng chính là thế giới Mật Nghiêm. Kinh Kim Cang Đảnh nói rằng: “Duy cõi Phật này thảy đều do sự thanh tịnh của tự tánh kim cang mà hình thành Mật Nghiêm và Hoa Nghiêm”. Đây chính là nói hai cõi nước Phật Mật Nghiêm và Hoa Tạng đều là sự thanh tịnh của tự tánh kim cang, không phải do vật chất thông thường tạo nên. Mật Nghiêm Pháp Tạng Sớ lại nói: “Nay thế giới Mật Nghiêm đây chỉ hiện ra từ nơi tạng tâm thanh tịnh của Như Lai”. Ở đây nói rõ cõi nước Mật Nghiêm hiện ra từ tạng tâm thanh tịnh của Như Lai nơi cõi nước ấy, thế nên thế giới Cực Lạc là cõi nước thanh tịnh.
Mời xem kinh văn tiếp theo:
A-nan văn Phật sở thuyết, bạch Thế Tôn ngôn, Pháp Tạng Bồ-tát thành Bồ-đề giả, vi thị quá khứ Phật da, vị lai Phật da, vi kim hiện tại tha phương thế giới da. Thế Tôn cáo ngôn, bỉ Phật Như Lai lai vô sở lai, khứ vô sở khứ, vô sanh vô diệt, phi quá hiện vị lai, đãn dĩ thù nguyện độ sanh, hiện tại Tây phương khứ Diêm-phù-đề bá thiên câu-chi na-do-tha Phật sát, hữu thế giới danh viết Cực Lạc. Pháp Tạng thành Phật hiệu A-di-đà, thành Phật dĩ lai ư kim thập kiếp, kim hiện tại thuyết pháp, hữu vô lượng vô số Bồ-tát, Thanh văn chi chúng, cung kính vi nhiễu.
A-nan nghe Phật nói rồi liền bạch Thế Tôn rằng, Bồ-tát Pháp Tạng thành Phật là Phật quá khứ, Phật vị lai, hay hiện đang ở thế giới phương khác? Thế Tôn dạy rằng, đức Phật Như Lai kia đến chẳng chỗ đến, đi chẳng chỗ đi, không sanh không diệt, không có quá hiện vị lai, chỉ vì hoàn thành thệ nguyện độ sanh, hiện ở Tây phương cách Diêm-phù-đề trăm ngàn câu-chi na-do-tha cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc. Ngài Pháp Tạng thành Phật hiệu là A-di-đà, thành Phật đến nay đã mười kiếp, nay hiện đang thuyết pháp, có vô lượng vô số Bồ-tát, Thanh văn cung kính vây quanh.
Trước tiên chúng ta xem những câu kinh văn phía trước.
“Thế Tôn cáo ngôn, bỉ Phật Như Lai lai vô sở lai, khứ vô sở khứ, vô sanh vô diệt, phi quá hiện vị lai”
A-nan nghe xong lời khai thị trước đó của Phật bèn hỏi Phật, tỳ-kheo Pháp Tạng đã thành tựu Bồ-đề rồi, ngài là Phật quá khứ, Phật vị lai, hay là Phật hiện tại ở thế giới phương khác? Thế Tôn trả lời, đức Như Lai ấy “đến chẳng chỗ đến, đi chẳng chỗ đi”, chính là nói, không phải quá khứ, chẳng phải vị lai, cũng không thể nói là hiện tại, không phải từ nơi nào mà đến, cũng không phải đi đến nơi nào. Điều này giống với lời trong kinh Kim Cang nói “Như Lai đó, không từ đâu mà đến, cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai” hoàn toàn như nhau. Đức Như Lai ấy chính là A-di-đà Phật, là pháp thân, pháp thân ở khắp mọi nơi, nơi nơi đều là nhà mình, vốn là một thể, sao có thể nói từ đâu mà đến, đi về nơi đâu chứ.
Đại sư Linh Phong trong Kim Cang Kinh Phá Không Luận nói rằng: chân như không thể từ một nơi nào bên ngoài tự thể mà đến, cũng không có một nơi khác bên ngoài tự tánh để đi, chỉ là có duyên thì hiện. Nước trong hồ đã thanh tịnh thì mặt trăng trên trời liền hiện ra, mặt trăng không đi xuống, nước cũng không chảy lên. Thoáng chốc trời âm u, cũng không nhìn thấy mặt trăng, thế nhưng mặt trăng trước sau không đến cũng không đi. Chẳng phải nói lúc nhìn thấy mặt trăng là mặt trăng đi vào trong nước, lúc không nhìn thấy là mặt trăng đi ra khỏi nước, căn bản không có đến đi, nước trong thì trăng hiện, nước đục thì trăng ẩn. Hiện chẳng phải đến, ẩn chẳng phải đi, ẩn hiện do duyên, có duyên thì hiện, vô duyên thì ẩn, đây là gì? Đây chính là đột phá không gian.
“Vô sanh vô diệt, phi quá hiện vị lai”
Hai câu này là đột phá về thời gian. Không sanh không diệt, giống như kinh Niết-bàn nói: “Các hành vô thường là pháp sanh diệt, sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”. Cũng chính là Quán Thế Âm Bồ-tát Viên Thông chương trong kinh Lăng-nghiêm nói: “Sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền”. Chúng sanh ở trong vọng, mỗi một niệm sanh diệt không ngừng, diệt được sanh diệt rồi, cho nên nói là không sanh không diệt. Thế nhưng, sanh diệt đã diệt rồi lẽ nào là đoạn diệt ư? Mà là “tịch diệt là vui” và “tịch diệt hiện tiền”. Chương Quán Âm Nhĩ Căn Viên Thông nói rằng: “Tịch diệt hiện tiền, hốt nhiên siêu vượt thế xuất thế gian, mười phương tròn sáng, đạt được hai loại thù thắng”. Đây chính là Thiền tông nói, từ trong tro lạnh đột nhiên nhảy ra một hạt đậu nóng, ngay thời điểm lửa tắt tro lạnh, ấy vậy mà từ trong tro lạnh xuất hiện một hạt đậu nóng, đây thường dùng để tỉ dụ cho tình trạng khai ngộ của Thiền tông. Hiện nay rất nhiều người, lửa không tắt, tro không lạnh, dẫn dắt một đám người náo nhiệt giả thần giả quỷ, chỉ là lừa mình lừa người, làm náo loạn một vùng. Điểm này rất quan trọng, nhất định phải khiến chúng ta cảnh giác cao độ, vạn phần không được bị dẫn dụ.
Nếu chúng ta sau khi tất cả năng sở đều trừ sạch hết rồi, ngay cả năng diệt sở diệt đều trừ tận hết rồi thì lúc đó mới là “bóng liễu hoa tươi một thôn làng”, chính là một khoảng trời riêng. Vô sanh vô diệt ở đây không phải là đoạn diệt mà là “tịch diệt là vui”, bốn chữ này rất quan trọng, là giáo nhãn, chúng ta phải hết lòng lĩnh hội.
“Phi quá hiện vị lai”
Nhà khoa học lớn Einstein nói với chúng ta rằng, thời gian là do cảm nhận sai lầm của loài người. Quá khứ hiện tại vị lai chỉ là do có vọng tưởng, một niệm trước chính là quá khứ, bây giờ lại có một niệm là hiện tại, phía sau lại có một niệm sắp xuất hiện, chính là vị lai. Lìa khỏi vọng niệm thì cái gì là quá khứ, hiện tại và vị lai chứ?
Người nhập Thiền định hoàn toàn không hay không biết bao nhiêu ngày đã trôi qua rồi. Lão hòa thượng Hư Vân ở trong núi tĩnh tu, một lần tuyết lớn phong tỏa núi, mọi người cho rằng lão hòa thượng Hư Vân chắc là chết rồi, họ dùng cây sào dài để dò đường, tìm ra nơi bế quan của lão hòa thượng. Đánh khánh gọi cửa, đánh thức lão hòa thượng từ trong định, ngài mở cửa gặp mặt, mọi người rất vui mừng. Lão hòa thượng nói, các vị từ xa đến chắc là đói rồi, ở đây tôi có khoai môn luộc, có thể mời mọi người ăn, tôi luộc khoai xong thì ngồi thiền, nào ngờ mở nắp nồi ra xem thì khoai môn đã bị lên mốc hết, không biết đã qua bao nhiêu thời gian rồi, nhưng chỉ cảm giác như trong khoảnh khắc mà thôi.
Thế nên Kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ không thể đạt được, tâm hiện tại không thể đạt được, tâm vị lai không thể đạt được”. Câu sau cùng trong Tín Tâm Minh là: “Không khứ lai hiện tại”, không có quá khứ, vị lai và hiện tại, điều này cho thấy quá khứ hiện tại vị lai, ba đời vốn không có sai biệt, đều không lìa một niệm của người đó. Phía trên nói “đến chẳng chỗ đến, đi chẳng chỗ đi”, cho thấy mười phương chính ở ngay đây, khái niệm thời gian không gian mà người đời nói hoàn toàn đã bị phá vỡ.
Phía trên nói là: Pháp Tạng đại sĩ chứng được lý thể của pháp thân cũng chính là “chân thật chi tế” của kinh này. Ở đây có thể đủ thấy rằng kinh này và kinh Kim Cang vốn không khác biệt. Đức Di-đà thành Phật, rốt ráo là cảnh giới pháp thân, tâm-Phật-chúng sanh, ba thứ không khác biệt, vậy còn có chúng sanh nào để độ chứ. Thế nhưng lý không chướng ngại sự, trong tịch diệt hiển rộng đại dụng, cho nên tịch mà thường chiếu, lý sự viên dung, lại thêm bổn nguyện vô tận, cho nên muốn rộng ban lợi ích chân thật, làm lợi ích cho khắp chúng sanh.
“Đãn dĩ thù nguyện độ sanh”
Câu kinh văn này nêu rõ vì sao từ cảnh giới pháp thân lưu hiện ra cõi nước Cực Lạc vừa là thể vừa là báo thân và ứng hóa thân, chỉ là vì để “thù nguyện độ sanh”. Thù là báo đáp, thù nguyện thông thường gọi là hoàn thành lời nguyện, cũng chính là muốn thực hiện thệ nguyện của mình cho nên phải thù nguyện. 48 nguyện, mỗi nguyện đều là vì chúng sanh, đại nguyện này thành tựu rồi nên đương nhiên phải thực hiện nguyện độ sanh.
Làm thế nào để độ? Cho nên “hiện ở Tây Phương có thế giới tên là Cực Lạc”. Từ “hiện” có hai nghĩa, thứ nhất chỉ rằng thế giới Cực Lạc là từ tâm thanh tịnh trong tự tánh của Như Lai lưu hiện ra; nghĩa thứ hai là hiện tại, hiện thời ngài đang thuyết pháp. Tây Phương là chuyên chỉ cho Tây Phương, là chỉ phương lập tướng trong Mật tông, là mật ý vô thượng thù thắng: ngay nơi tướng mà hiển lý chân thật. Như Pháp Hoa nói: Phật nhìn căn cơ của chúng sanh, “theo đó mà độ, nơi nơi tự thuyết, danh tự bất đồng, tuổi tác lớn nhỏ v.v...” Phật đã nói rõ rồi, pháp mà Phật nói là tùy theo căn khí lợi độn của chúng sanh mà có đủ loại không như nhau, danh hiệu và thọ lượng của Phật v.v... đều là tùy theo trình độ tiếp thu của chúng sanh mà thuyết. “Hiện ở Tây Phương”, chính là chỉ phương lập tướng, là phương tiện thù thắng, ngay nơi sự mà hiển lý chân thật.
Đại sư Thiện Đạo chủ trương rằng, chúng sanh Ta-bà vọng tâm dấy động, chỉ phương lập tướng còn chưa chắc có thể chuyên chú, huống hồ không phương không tướng. “Bộc” ví như nổ tung, vọng tâm của chúng sanh thường xuyên cuồng động, nên phải chỉ phương lập tướng, khiến họ có thể chuyên chú, nên trong kinh Phật Di Giáo nói: “Giữ tâm một chỗ, mọi việc đều thành”, đạo lý đều như nhau. Thượng Đô Nghi nói rằng: “Phải chỉ phương lập tướng, trụ tâm giữ cảnh, để phàm phu buộc tâm vào mà còn chưa được, huống hồ lìa tướng”.
Do tâm của chúng sanh hết sức cuồng loạn, vì muốn đem vọng tâm của họ trước hết chuyên chú vào một nơi, nên mới chỉ định Tây Phương, và lập nên biểu tượng Mandala. Như vậy mà còn chưa nhiếp được tâm của phàm phu, bạn còn muốn họ lìa phương lìa tướng thì họ làm sao mà hạ thủ được. Vả lại, theo ngũ phương Phật của Mật giáo thì A-di-đà Phật là diệu quan sát trí, cũng ở nơi phương Tây, đây đều là khái niệm của Mật tông. Trên thực tế, chúng ta thường nói Cực Lạc ở khắp mọi nơi, không có phương hướng cố định, quả địa cầu nhỏ bé là hình tròn, bạn cứ đi mãi về hướng đông, sau cùng cũng trở về điểm xuất phát.
“Khứ Diêm-phù-đề bá thiên câu-chi na-do-tha Phật sát”
Bản dịch thời Ngụy, bản dịch thời Đường đều là mười vạn ức cõi nước Phật. Con số trong kinh này so với bản dịch thời Ngụy lớn hơn 100 lần, ở đây có thể có hai cách giải thích. Phật tùy theo căn khí không đồng của chúng sanh theo đó mà nói, cho nên nói không như nhau.
“Trăm ngàn câu-chi na-do-tha” vốn không phải chỉ cho một con số cụ thể, ví dụ trăm ngàn tam-muội, không phải là một trăm nhân với một ngàn, mà chỉ cho rất nhiều tam-muội. Ví dụ chúng ta nói ngàn vạn người không thể kể xiết, ngàn vạn cũng không phải là con số cứng nhắc, một ngàn nhân với một vạn. Cho nên con số trong hai bản dịch không như nhau cũng không sao, huống hồ vừa mới nói rằng, không gian chỉ là vọng chấp thì còn có khoảng cách gì để nói nữa chứ. Tóm lại, Ta-bà, Cực Lạc đều ở trong tự tâm. Kinh nói: “Mười phương hư không từ tâm ta mà sanh, như đám mây điểm vào chốn hư không”, nói xa nói gần đều là hý luận. Thế nên Quán Kinh nói: A-di-đà Phật cách đây không xa. Lời trong Sớ Sao của đại sư Liên Trì thì càng hay hơn “rõ ràng ngay trước mắt”. Tịnh độ tông và Thiền tông không hề khác biệt, cái gì là mười vạn ức, ngàn vạn ức cõi nước, chỉ là “rõ ràng ngay trước mắt” mà thôi, chính là ngay trước mắt của chư vị.
“Hữu thế giới danh viết Cực Lạc”
“Thế” đại biểu cho thời gian, chỉ ba đời quá khứ, vị lai và hiện tại; “giới” đại biểu cho không gian, chỉ bốn phương và trên dưới; thời gian không gian hợp lại thì gọi là thế giới. Thế giới này tên là Cực Lạc, tiếng Phạn là Tu-ma-đề, có thể phiên dịch thành An Lạc quốc, An Dưỡng quốc, Thanh Thái quốc v.v... Yếu Giải nói: “Vĩnh ly chúng khổ, đệ nhất an ổn”, vĩnh viễn xa lìa các khổ, lại còn an ổn cùng cực. Sớ Sao nói: “Hiển rõ niềm vui chí cực, tất cả niềm vui của trời người không thể sánh bằng”, là niềm vui tột đỉnh, tất cả niềm vui ở cõi người và cõi trời không thể so sánh, thế nên cõi nước ấy gọi là Cực Lạc.
“Pháp Tạng thành Phật, hiệu A-di-đà”
Ngài Pháp Tạng đã triệt để giác ngộ, rốt ráo thành Phật, Phật hiệu là A-di-đà. Di-đà Yếu Giải nói: thế giới Cực Lạc đang được nói ở đây “chính là chỉ cho cõi Đồng Cư Tịnh độ, nhưng đồng thời nó cũng gồm cả ba cõi Tịnh độ ở bên trên”. Hơn nữa, “nay nói A-di-đà Phật là chỉ cho “thị sanh hóa thân” ở cõi Đồng Cư, nhưng đồng thời cũng chính là báo thân và pháp thân”. Lời của Yếu Giải vô cùng tinh diệu, nói rằng thế giới Cực Lạc ở đây là cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong bốn cõi, nhưng chỗ thù thắng chính là đồng thời nó cũng gồm cả, chính là đồng thời cũng có đủ cõi Phương Tiện Hữu Dư, cõi Thật Báo Trang Nghiêm và cõi Thường Tịch Quang ở bên trên, đây chính là chỗ thù thắng tối cực của thế giới Cực Lạc.
Yếu Giải lại nói: A-di-đà Phật mà kinh văn nói chỉ cho thị sanh hóa thân Phật trong ba thân của Phật, thị hiện ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư, thế nhưng đồng thời cũng là báo thân Phật và pháp thân Phật.
Phật có ba thân, một là pháp thân, cư trú tại cõi Thường Tịch Quang, gọi là cư trú chỉ là thị hiện để chúng sanh có thể hiểu, trên thực tế là thân và cõi nước không hai. Thứ hai là báo thân, ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Thứ ba là ứng hóa thân, thường thị hiện ở cõi Phương Tiện Hữu Dư và Phàm Thánh Đồng Cư.
Hóa thân lại có hai loại, một là thị sanh hóa thân, là thân Phật thị hiện tám tướng thành đạo; hai là ứng hiện hóa thân, ứng theo căn cơ của chúng sanh mà thị hiện ứng hóa thân. Lại có thể phân thành: một là Phật giới hóa thân, hiện thân ở cõi Phật; hai là tùy loại hóa thân, thị hiện thân giống thân chúng sanh trong chín cõi.
Kinh này là nói thị sanh hóa thân, chính là ứng hóa thân Phật, thị hiện thân Phật ở cõi Đồng Cư Tịnh độ tại Tây Phương. Xin chú ý, đồng thời đó cũng là báo thân Phật, cũng là pháp thân Phật.
Ba thân của Phật giống như bảo châu Ma-ni, bảo châu có châu thể, châu quang, ảnh của châu. Châu thể là bản thể, là pháp thân; châu quang là tướng dụng, là báo thân; ảnh của châu là sự hiển hiện của toàn bộ hạt châu, là hóa thân. Thế nhưng ba thứ đều không lìa nhau, cho nên một là ba, ba là một. Sanh đến cõi Đồng Cư, bạn thấy được hóa thân Phật, nhưng cũng đồng thời thấy được pháp thân Phật, báo thân Phật. Nơi bạn ở là cõi Đồng Cư, nhưng đồng thời cũng gồm cả ba cõi trên. Cho nên cõi Đồng Cư của Cực Lạc công đức thù thắng không thể nghĩ bàn.
A-di-đà Phật chính là Tỳ-lô-giá-na, cũng chính là Đại Nhật Như Lai. Trong Di-đà Sớ Sao, dùng đạo lý của Mật tông để giải thích thì ngũ trí trở thành ngũ phương Phật. Tỳ-lô-giá-na ở giữa, biểu thị cho pháp giới thể tánh trí, bốn trí còn lại hiện ra bốn phương Như Lai. Diệu quan sát trí hiện ra A-di-đà Phật ở Tây Phương, vô lượng quang, vô lượng thọ. Di-đà Sớ Sao nói: “Một Phật mà hiện đồng thời ở hai cõi”, Di-đà và Tỳ-lô-giá-na chính là một vị Phật, kiêm thống lĩnh hai cõi nước Phật là thế giới Hoa Tạng và thế giới Cực Lạc.
Đông Mật lại nói: A-di-đà Phật chính là Đại Nhật Như Lai. Đại sư Hưng Giáo của Nhật Bản là đại đức Mật tông, ngài nói Đại Nhật Như Lai còn có tên là Vô Lượng Thọ Phật, do vì không sanh không diệt; lại có tên là Vô Lượng Quang Phật, bởi vì quang minh chiếu khắp. Cho nên Đại Nhật Như Lai vừa có tên Vô Lượng Thọ vừa có tên Vô Lượng Quang. Đại Nhật Như Lai chính là A-di-đà Phật. Ba chữ A-di-đà có vô lượng mật ý thắng diệu, vô lượng thọ, vô lượng quang, Cam Lộ Vương, Vô Lượng Thanh Tịnh v.v... Vả lại ba chữ A-di-đà, mỗi một chữ đều có vô lượng mật ý.
Sách A-di-đà Mật Thích nói: “Xướng lên ba chữ A-di-đà thì diệt được trọng tội từ vô thủy”, niệm ba chữ này có thể tiêu diệt trọng tội từ vô thủy kiếp đến nay. “Niệm một Phật A-di-đà thì thành tựu phước trí vô cùng”, chuyên niệm một Phật A-di-đà thì thành tựu phước trí không thể cùng tận. “Như một hạt châu trên lưới của Thiên đế”, giống như một hạt châu trên lưới báu, điện báu trong cung của Đế Thích, “lập tức hiện ra vô tận bảo châu”, vô lượng vô biên bảo châu đều xuất hiện trong một hạt châu. Cho nên niệm một Phật Di-đà liền lập tức đầy đủ vô biên tánh đức.
Trong sách cực kỳ tán thán sự thù thắng của việc chuyên niệm A-di-đà Phật, nhanh chóng viên mãn vô biên công đức mà tự tánh vốn có. Đoạn khai thị vô thượng này của sách Mật Thích đã mở toang kho tàng thâm mật của chư Phật, hiển thị pháp trì danh thâu nhiếp công đức của tất cả pháp, chỉ cần chuyên niệm Di-đà thì có thể nhanh chóng viên mãn vô biên diệu đức mà tự tánh sẵn có. Đây chính là tri kiến của Phật, đây không phải là tri kiến của chúng sanh. Phước của việc niệm Phật, đức của việc niệm Phật, cho đến công dụng thù thắng “chỉ có Phật với Phật mới có thể hiểu rốt ráo”, chỉ có Phật và Phật mới có thể biết triệt để, nếu có thể hiểu được một phần rất nhỏ thì đã siêu phàm nhập thánh rồi. Đa phần chỉ được sơ lược đại khái, mơ mơ hồ hồ, bán tín bán nghi, tưởng hiểu nhưng chưa hiểu mà thôi, bởi vì pháp này là pháp khó tin trong hết thảy thế gian.
“Thành Phật dĩ lai ư kim thập kiếp”
A-di-đà Phật cho đến hiện nay tổng cộng đã 10 kiếp rồi, đây cũng là tạm nói, nếu luận về thực tế thì A-di-đà Phật và Thích-ca Mâu-ni Phật đều đã thành Phật lâu xa về trước. Kinh Pháp Hoa nói: Thích-ca Mâu-ni Phật và A-di-đà Phật đều là vương tử của Đại Thông Trí Thắng Như Lai lúc ngài chưa xuất gia cách đây vô lượng kiếp, hai ngài vốn là huynh đệ, sau đó đều theo phụ vương xuất gia. Thích-ca Mâu-ni Phật thành Phật đến nay đã vô lượng vô biên kiếp số như vi trần rồi, nhiều kiếp đến nỗi không thể nói hết. A-di-đà Phật cũng như vậy, đã sớm thành Phật rồi, “cách nay mười kiếp” chỉ là thị hiện mà thôi.
“Kim hiện tại thuyết pháp”
Chính là chỉ thẳng ngay lúc này. “Kim hiện tại” biểu thị A-di-đà Phật là Phật hiện tại, chính tại thời điểm này của chúng ta, ngài đang thuyết pháp cho chúng sanh. Lại qua bao nhiêu năm sau, có người đọc đến câu “kim hiện tại thuyết pháp”, nghĩa là khi người đó đang đọc kinh, A-di-đà Phật ở thế giới Cực Lạc đang thuyết pháp.
“Hữu vô lượng vô số Bồ-tát, Thanh văn chi chúng cung kính vi nhiễu”
Ngay nơi thế giới Cực Lạc đã có vô lượng vô biên chư đại thánh hiền, vô lượng thế giới trong mười phương lại có vô lượng vô biên thánh hiền đến nơi này lễ thỉnh nghe pháp, pháp hội rộng lớn trang nghiêm, các ngài đều vây quanh dưới tòa của đức Di-đà, cung kính nghe pháp.
Tiết học này giao lưu đến đây, cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!