/ 100
286

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 11/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 42


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Chúng tôi giảng tiếp phần nội dung của tiết học trước.

“Bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc”

Bị bức não thân tâm thì gọi là khổ, khổ khiến thân tâm của bạn chẳng an, có câu nói như sau, nói là “tám khổ thay nhau giày vò”, tám mối khổ nào vậy?

Thứ nhất là sanh khổ, tức là nỗi khổ đau lúc mới chào đời. Thứ hai là lão khổ, tức là nỗi thống khổ khi thân thể suy yếu lúc về già. Thứ ba là bệnh khổ, tức là nỗi khổ lúc bệnh hoạn. Thứ tư là tử khổ, tức là thống khổ lúc sắp chết. Năm là ái biệt ly khổ, tức là sự thống khổ khi xa cách người mình yêu mến. Thứ sáu là oán tắng hội khổ, tức là thống khổ khi đối mặt với kẻ thù. Thứ bảy là cầu bất đắc khổ, tức là sự thống khổ khi mong cầu không toại nguyện. Tám là ngũ ấm xí thạnh khổ, tức là tác dụng thiêu đốt hừng hực của ngũ ấm, che lấp chân tánh, không cho hiển phát, nên sau khi chết lại phải tái sanh. Mọi người hãy nghĩ kỹ xem, tám mối khổ này liệu người nào có thể thoát khỏi? Pháp Tạng đại sĩ đối với hết thảy khổ đều không tính toán, ngài phát nguyện, dù cho thân ở trong các khổ, nguyện tâm như vậy mãi không thoái, chính là không toan tính đến những nỗi khổ này.

“Thiểu dục”, kinh Niết-bàn nói chính là không mong cầu nhiều. “Tri túc” nghĩa là tuy có ít nhưng vẫn không phiền giận. Kinh Di Giáo nói: “Người hành hạnh thiểu dục thì tâm thản nhiên”, không có tham cầu, cũng không có sợ hãi và lo lắng. Lại nói, “người thiểu dục thì sẽ được Niết-bàn”, nếu dục vọng của bản thân rất nhiều, đối với thế gian vẫn còn đủ mọi tham luyến, vẫn là thiếu tâm xuất ly thì sao có thể nói đến Niết-bàn được. Tri túc, “tỳ-kheo các ông, nếu muốn thoát ly khổ não, thì phải quán tri túc, pháp tri túc chính là nơi an ổn sung túc, người biết đủ tuy nằm trên đất mà vẫn an lạc, người không biết đủ, dù ở Thiên đường cũng không vừa ý”. Kinh Pháp Hoa nói: “Người thiểu dục tri túc, có thể tu hạnh Phổ Hiền”. Có thể thấy đối với thiểu dục tri túc vạn phần không thể xem thường.

“Chuyên cầu bạch pháp”

Đại Thừa Nghĩa Chương nói: “Thiện pháp thanh tịnh, nên gọi là bạch”. Thế nên “bạch pháp” chính là thiện pháp thanh tịnh trong sáng. Chuyên cầu thiện pháp, cầu pháp thanh tịnh trong sáng lìa lỗi lầm để lợi lạc quần sanh, ban cho chúng sanh lợi ích chân thật thì gọi là “huệ lợi quần sanh”.

“Chí nguyện vô quyện”

Phần sau cùng của đại nguyện trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện đều là niệm niệm tương tục, không có gián đoạn, các nghiệp thân ngữ ý đều không mỏi mệt chán nản. Vô quyện chính là không mỏi mệt chán nản.

“Nhẫn lực thành tựu”

Nhẫn lực chỉ cho lực dụng của nhẫn nhục độ trong lục độ. Sư Pháp Trụ nói rằng: nhẫn có ba loại. Thứ nhất là an khổ nhẫn, đối với những chuyện nghịch duyên trong thế gian có thể nhẫn, có thể chịu. Thứ hai là tha bất nhiêu ích nhẫn, đối với việc người khác hãm hại tổn thương chính mình cũng có thể nhẫn chịu. Thứ ba là pháp tư duy nhẫn, đối với pháp không phân biệt, đối với hết thảy pháp đều xa lìa phân biệt, như vậy mà an trụ, đó là đệ tam nhẫn. Ba loại nhẫn đều thành tựu thì gọi là nhẫn lực thành tựu.

Năm 2018, tôi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ nhất, đã nói về mười loại nhẫn của Phật Bồ-tát, đó là: nội tâm nhẫn, ngoại nhẫn, pháp nhẫn, tùy Phật giáo nhẫn, vô phương sở nhẫn, tu xứ xứ nhẫn, phi sở vi nhẫn, bất bức não nhẫn, bi tâm nhẫn, thệ nguyện nhẫn. Lần đó đã giới thiệu về mười nhẫn, lần này sẽ không nói chi tiết nữa, lần này sẽ nói về nhận thức và thể hội của tôi đối với nhẫn lực thành tựu, xin chia sẻ với các đồng tu.

Tôi là người có tính cách kiên cường khí khái, thà chết chứ không luồn cúi. Nhưng tôi không phải là người không phân rõ phải trái, cả đời tôi không cãi nhau với người, không mắng người, không nói lời dơ bẩn, tôi phục đạo lý chứ không phục sự áp chế, bạn dùng lý phục người thì tôi phục bạn, bạn dùng quyền và thế ép buộc người thì tôi tuyệt đối không phục bạn, cảm thấy bất bình cho nhóm người yếu thế là một trong những đặc điểm tính cách của tôi. Nguyên tắc đối nhân xử thế của tôi là: cao không kết thân, thấp không chà đạp. Người có tính cách giống tôi thì nhẫn là một việc rất khó khăn, gặp phải sự việc mà không thể nhẫn được thì làm sao đây? Tôi xin chia làm các giai đoạn mà nói.

/ 100