/ 100
301

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 12/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 44


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiết học trước, chúng tôi đã giảng xong kinh văn phẩm thứ chín. Trước khi giảng kinh văn phẩm thứ mười, chúng tôi xin quy nạp chỉnh lý một chút những điểm quan trọng trong kinh văn phẩm thứ chín. Lần chỉnh lý trọng điểm này có chút đặc biệt, sẽ dùng hình thức kệ tụng.

“Pháp Tạng tỳ-kheo lục độ vạn hạnh

Tích công lũy đức vô lượng vô biên

Với tất cả pháp, được đại tự tại

Bốn mươi tám nguyện đều thành hiện thực

Nhân viên quả mãn, như thật an trụ

Cõi Phật trọn đủ thanh tịnh, trang nghiêm

Tích công lũy đức mỗi ngày phải làm

Công đức lợi ích vô cùng nhanh chóng

Pháp thân Di-đà trùm khắp mọi nơi

Đến không chỗ đến, đi không chỗ đi

Thời gian không gian thảy đều siêu vượt

Bất sanh bất diệt, thường trụ Tịch Quang

Thế Tôn tán thán Pháp Tạng tỳ-kheo

Vô lượng thắng nhân, cảm được thánh quả

Pháp Tạng tỳ-kheo là tấm gương tốt

Người học Phật nên noi theo gương đó”.

GIAI NGUYỆN TÁC PHẬT ĐỆ THẬP

Kinh văn của phẩm thứ chín phía trước nói A-di-đà Phật tu nhân chứng quả, kinh văn phẩm thứ mười là nói chúng sanh nghe Thích-ca Mâu-ni Phật giảng pháp, chỉ cần phát nguyện vãng sanh thì đều có thể thành Phật. Phẩm kinh văn này giúp cho chúng ta kiên định tín tâm thành Phật. Tuy kinh văn phẩm này rất ngắn nhưng hàm nghĩa của nó rất sâu, chúng ta học Phật, nếu muốn thành tựu trong một đời này thì chỉ có pháp môn niệm Phật vãng sanh, nếu tu học pháp môn khác mà muốn thành tựu trong một đời thì tương đối khó.

Mời xem kinh văn bên dưới:

Phật thuyết A-di-đà Phật, vi Bồ-tát cầu đắc thị nguyện thời, A-xà vương tử dữ ngũ bá đại trưởng giả, văn chi giai đại hoan hỷ, các trì nhất kim hoa cái, câu đáo Phật tiền tác lễ, dĩ hoa cái thướng Phật dĩ, khước tọa nhất diện thính kinh, tâm trung nguyện ngôn, linh ngã đẳng tác Phật thời, giai như A-di-đà Phật.

Khi Phật nói A-di-đà Phật lúc là Bồ-tát thành tựu thệ nguyện xong, vương tử A-xà cùng năm trăm đại trưởng giả nghe rồi đều rất hoan hỷ. Mỗi người cầm một lọng hoa bằng vàng đều đến trước Phật làm lễ, dâng lọng hoa lên Phật rồi ngồi đối diện nghe kinh, trong tâm phát nguyện rằng, khi chúng tôi thành Phật đều giống như A-di-đà Phật.

Đại ý của đoạn kinh văn này là, khi Phật nói xong việc A-di-đà Phật thành tựu thệ nguyện rộng lớn như biển đã phát khi còn là Bồ-tát ở nhân địa, trong pháp hội có một vị vương tử và 500 đại trưởng giả, tên của vương tử là A-xà, ông cùng với 500 vị đại trưởng giả tuổi cao đức trọng, uy vọng rất cao, sau khi nghe Phật thuyết pháp đều khởi lên tâm hoan hỷ trước nay chưa từng có, mỗi vị cầm một lọng hoa bằng vàng, đến trước Phật lễ bái cúng dường. 501 người này đều là cư sĩ tại gia, họ hành động như nhau, lại mang phẩm vật cúng dường như nhau, có thể thấy là họ cùng nhau đến. Sau khi họ cúng dường lọng hoa xong, đều trở vào trong đại chúng, ngồi yên một bên nghe kinh, khi đó trong tâm mỗi một người phát nguyện, nguyện khi chúng tôi thành Phật, tất cả đều giống như A-di-đà Phật. Từ “chúng tôi” trong kinh văn đủ thấy đây là nguyện chung của họ.

Mời xem đoạn kinh văn tiếp theo:

Phật tức tri chi, cáo chư tỳ-kheo, thị vương tử đẳng, hậu đương tác Phật, bỉ ư tiền thế trụ Bồ-tát đạo, vô số kiếp lai cúng dường tứ bá ức Phật. Ca-diếp Phật thời, bỉ đẳng vi ngã đệ tử, kim cúng dường ngã, phục tương trị dã. Thời chư tỳ-kheo văn Phật ngôn giả, mạc bất đại chi hoan hỷ.

Phật liền biết được, nói với các tỳ-kheo, nhóm của vương tử này về sau sẽ thành Phật. Các ông ấy trong đời quá khứ trụ Bồ-tát đạo, vô số kiếp đến nay từng cúng dường bốn trăm ức Phật. Thời Phật Ca-diếp, các ông ấy là đệ tử của ta, nay cúng dường ta, lại gặp được nhau. Bấy giờ các tỳ-kheo nghe lời Phật nói thảy đều hoan hỷ thay cho họ.

Đại ý của đoạn kinh văn này là: Nhóm A-xà vương tử phát ra đại nguyện, Thế Tôn lập tức biết ngay. Cho nên khởi tâm động niệm của chúng ta, Như Lai thảy đều thấy biết, tâm của chúng ta và tâm Phật không có mảy may ngăn cách. Khi đó Phật nói với 12.000 đại tỳ-kheo trong hội, nhóm của vương tử này về sau đều sẽ thành Phật, điều này cũng tương đương với việc Phật trong đại hội thọ ký cho 501 người làm Phật.

/ 100