PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 22/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 3
Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
Tập thứ hai ngày hôm qua khá là khó. Tại sao vậy? Bởi vì kinh Vô Lượng Thọ có vô lượng nghĩa, đề kinh cũng có vô lượng nghĩa. Mọi người nghĩ xem, đề kinh có vô lượng nghĩa mà chỉ giảng trong vài tiết học ngắn ngủi thì thực sự rất khó. Ngoài ra đề kinh này nhất định phải giảng theo lời dạy của đại đức xưa hoặc theo kinh điển, không thể do một ai đó tùy tiện nói ra được. Do vậy hôm qua sử dụng từ ngữ trong Phật giáo khá nhiều, đây là đặc điểm thứ nhất.
Đặc điểm thứ hai là đề kinh có vô lượng nghĩa, trong thời gian ngắn như vậy muốn giảng cho rõ ràng, thực sự là khá khó, hơn nữa đều là dùng văn ngôn văn. Khả năng [đọc hiểu] văn ngôn văn của chúng ta cao hay thấp. Vấn đề này làm sao giải quyết? Mọi người không nên lo lắng, bởi vì phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai này, tôi chia làm ba cấp bậc: cấp thấp, cấp trung, cấp cao, hơn nữa nghiêng về cấp trung và cấp cao. Tôi đã nói với mọi người, lần phúc giảng này hy vọng có nhiều đồng tu có thể khai ngộ hơn, có thể chứng quả, cho nên mà nói, về lý luận phải giảng cao hơn một chút. Đối với những đồng tu nghe không hiểu thì phải làm sao? Phải nắm bắt trọng điểm. Có đồng tu nói, thưa cô con nghe không hiểu thì làm sao nắm bắt trọng điểm? Đừng vội, đến tập thứ năm, tôi sẽ tổng kết trọng điểm từ tập 1 đến tập 4 để cung cấp cho mọi người tham khảo.
Hôm nay chúng tôi bắt đầu giảng tập thứ ba. Hôm qua, tôi đã giảng tới chữ “Vô Lượng Thọ” trong đề kinh, hôm nay chúng tôi nói tiếp tới “Trang Nghiêm”.
Thứ 5: Trang Nghiêm.
Kinh nói rằng: “nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ”, “trang nghiêm chúng hạnh”, lại nói “ngã dĩ thành tựu trang nghiêm Phật độ, thanh tịnh chi hạnh”, “bỉ Cực Lạc giới, vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm”, “chánh hiển sự sự vô ngại pháp giới chi viên minh cụ đức dã”.
Những câu tôi vừa nói đều là trích dẫn nguyên văn, đều là văn ngôn văn. Sau đây tôi sẽ giải thích một chút. Hàm nghĩa của hai chữ “Trang nghiêm”, dùng ngôn ngữ hiện nay mà nói chính là: chân, thiện, mỹ, tuệ. Thám Huyền Ký nói rằng: “Trang nghiêm có hai nghĩa; một là đầy đủ tánh đức, hai là trang hoàng đẹp đẽ”. Kinh Phật thuyết A-di-đà nói: “Cõi nước Phật đó, thành tựu công đức trang nghiêm như vậy”. Vãng Sanh Luận nói thế giới Cực Lạc có ba loại trang nghiêm: “Phật trang nghiêm, Bồ-tát trang nghiêm, cõi nước trang nghiêm”. Đây là nói sơ lược, nói chi tiết thì có hai mươi chín loại trang nghiêm. Cho dù nói sơ lược hay chi tiết thì đều là sự tập hợp của chân, thiện, mỹ, tuệ mà thành tựu.
Chân thiện mỹ tuệ của thế gian có danh nhưng không thực, đều là giả. Mặc dù trong Phật pháp có chân thiện mỹ tuệ, nhưng không rốt ráo, không viên mãn. Chỉ có câu A-di-đà Phật của Tịnh độ là chân thiện mỹ tuệ rốt ráo nhất, viên mãn nhất. Chân tướng sự thật này rất ít người biết. Lấy kinh văn làm bằng chứng, kinh Vô Lượng Thọ nói rằng: “Nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ”. Các đồng tu tu học Tịnh độ đều rất quen thuộc với bộ kinh này, có đồng tu đã từng đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ mấy vạn lần, rất nhiều đồng tu có thể đọc thuộc làu làu kinh Vô Lượng Thọ. Ở đây tôi xin tùy hỷ công đức của quý vị đồng tu.
Nhắc tới câu nói ở trên, mọi người ngay lập tức nghĩ rằng, câu này ở trong kinh điển. Câu này có ý nghĩa gì? Mọi người có biết hay không? Ý nghĩa của câu này là: A-di-đà Phật đã giác ngộ thấu triệt chân tướng của vũ trụ nhân sinh, một lòng xây dựng thế giới Tây Phương Cực Lạc. Lần này mọi người đã hiểu triệt để hàm nghĩa sâu xa của câu kinh này. Nếu như không giác ngộ thấu triệt thì cũng không làm được. Mỗi một người niệm A-di-đà Phật cầu sanh thế giới Cực Lạc cũng giác ngộ thấu triệt giống như vậy. Ngày đêm sáu thời chấp trì danh hiệu, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, đây là người thực sự giác ngộ. Không chỉ trang nghiêm diệu độ ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, mà thực sự là trang nghiêm vô lượng vô biên cõi nước của mười phương chư Phật. Đây là một loại phương pháp tu hành, chẳng phải là quá tuyệt hay sao? Thật sự là không thể nghĩ bàn! Trong nhà Phật, tìm khắp tám vạn bốn ngàn pháp môn cũng không tìm được pháp môn thứ hai. Các đồng tu phải thể hội một cách tỉ mỉ, đây tuyệt không phải là người tu học Tịnh độ tự mình khoa trương. Nếu như có người nghĩ như vậy tức là có tội, bởi vì nghĩ như vậy là hủy báng pháp. Cho nên, nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật, khi chưa hiểu rõ ràng thì phải thận trọng từng lời nói cử chỉ, nhất định không được dựa vào phán đoán chủ quan của mình để nói linh tinh.