/ 100
84

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 09/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 38

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Từ tiết học này trở đi, chúng tôi sẽ giảng phẩm kinh văn thứ bảy:

TẤT THÀNH CHÁNH GIÁC ĐỆ THẤT

Phẩm kinh văn thứ sáu là “phát đại thệ nguyện”, phẩm kinh văn thứ bảy là “nhất định thành Chánh giác”. Hai phẩm kinh văn này có quan hệ như thế nào? Một phẩm là nhân, một phẩm là quả. Phát đại thệ nguyện là nhân, nhất định thành Chánh giác là quả. Có nhân thù thắng của đại thệ nguyện ắt sẽ cảm được thành tựu diệu quả Vô thượng Chánh giác.

Tỳ-kheo Pháp Tạng ở trước Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai sau khi nói ra 48 đại nguyện, lại dùng kệ tụng biểu đạt tâm nguyện của chính mình.

Tiếp theo chúng ta xem bài kệ tụng đầu tiên của tỳ-kheo Pháp Tạng.

Ngã kiến siêu thế chí, tất chí Vô thượng đạo, tư nguyện bất mãn túc, thệ bất thành Đẳng Giác. Phục vi đại thí chủ, phổ tế chư cùng khổ, linh bỉ chư quần sanh, trường dạ vô ưu não, xuất sanh chúng thiện căn, thành tựu Bồ-đề quả.

Con lập chí hơn đời, ắt đến đạo Vô thượng, nguyện này nếu không toại, thề không thành Đẳng giác. Còn làm đại thí chủ, cứu khắp chúng cùng khổ, khiến các quần sanh kia, đêm dài không ưu não, xuất sanh các căn lành, thành tựu quả Bồ-đề.

Bốn câu mở đầu của bài kệ tụng này là toàn thể trọng tâm đại nguyện của Pháp Tạng Đại sĩ. Đại ý của 4 câu mở đầu là: Tôi đã lập nên chí nguyện siêu vượt tất cả thế gian, nhất định thành tựu đến đạo Vô thượng, nếu nguyện này không thể viên mãn, tôi nhất định không thành Phật. Bốn câu này dệt nên các đường kinh vĩ tuyến của 48 nguyện: đại nguyện nhất định thành Phật.

Đại ý của sáu câu kinh văn kế tiếp là: Khi tôi cầu thành bậc Chánh giác, còn muốn làm vị đại thí chủ của các loài chúng sanh, cứu giúp sự bần cùng và khốn khổ của họ, muốn làm cho các loài chúng sanh trong đêm dài sanh tử vĩnh viễn lìa ưu khổ, đồng thời sanh ra đủ mọi thiện căn, thành tựu diệu quả Bồ-đề. Đây lại dệt nên một đường kinh vĩ tuyến khác của 48 nguyện: nguyện nguyện đều vì tất cả chúng sanh.

Tiếp theo sẽ giải thích cụ thể bài kệ tụng này.

“Ngã kiến siêu thế chí, tất chí Vô thượng đạo”.

Siêu thế là siêu vượt tất cả thế gian, ở đây chỉ cho không những vượt hơn Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát mà còn vượt hơn chư Phật. Trong kinh đã nói, khi Pháp Tạng Đại sĩ phát nguyện nói rằng: Tôi lập thệ nguyện, đều vượt hơn vô số cõi nước chư Phật. Còn có bài kệ Hậu Xuất nói rằng: Phát nguyện du chư Phật, gồm 24 lời thệ. “Du” nghĩa là vượt hơn, tôi phát 24 lời thệ nguyện, vượt hơn tất cả chư Phật, đây chính là nói, đại nguyện mà Pháp Tạng Đại sĩ đã phát là muốn vượt hơn chư Phật, thế giới Cực Lạc vượt hơn hết thảy thế giới mười phương. Cho nên nói chí nguyện siêu thế của Pháp Tạng tỳ-kheo, gọi là siêu thế, thực tế bao gồm việc muốn vượt hơn đại nguyện của chư Phật.

Pháp Tạng Đại sĩ trụ chân thật huệ, nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ, thế nên các sự thù thắng trang nghiêm của Cực Lạc đều là sự lưu lộ trí tuệ chân thật của tự tâm đức Di-đà, khế hợp với “ba thứ trang nghiêm nhập vào nhất pháp cú” mà Vãng Sanh Luận nói. Nhất pháp cú chính là câu thanh tịnh, là trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi. Pháp thân vô vi chính là tự tâm của mỗi người, cho nên các loại y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc hoàn toàn hiển bày tâm của chính chúng ta.

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư nói: “Nhờ y chánh ấy, hiện tự tâm ta” (thác bỉ y chánh, hiển ngã tự tâm). “Thác” nghĩa là mượn, nương vào, chính là nương vào y báo cõi nước của thế giới Cực Lạc, tức là màu sắc, ánh sáng, âm thanh, mùi hương; chánh báo chính là chư Phật Bồ-tát. Nương vào y báo, chánh báo của thế giới Cực Lạc ấy mà hiển hiện bản tâm của chính mình. Bởi vì thứ sẵn có trong tự tâm cũng chính là sự lưu hiện của pháp thân chư Phật. Cho nên một mảy trần, một sợi lông đều là nhất chân pháp giới, mỗi thứ đều tròn sáng đầy đủ công đức. Lý sự vô ngại: chim, nước, rừng cây đều nói diệu pháp; âm thanh, màu sắc, hương thơm, ánh sáng đều tăng trưởng ý niệm tu đạo. Đặc biệt là phàm phu đới nghiệp vãng sanh đều chứng địa vị bất thoái, siêu tình ly kiến, không thể nghĩ bàn. Sự sự vô ngại: hạt cải chứa núi Tu-di, sát-na chính là ức vạn kiếp, hoàn toàn phá trừ hết thảy tình kiến của thế gian. Cho nên đại thệ nguyện rộng lớn như biển của Pháp Tạng Đại sĩ được gọi là “siêu thế chí”.

/ 100