/ 100
89

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 10/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 39

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Xin xem phần kệ tụng tiếp theo:

Bế tắc chư ác đạo, thông đạt thiện thú môn, vị chúng khai pháp tạng, quảng thí công đức bảo.

Đóng bít các đường ác, mở toang cửa cõi lành, khai tạng pháp cho chúng sanh, rộng thí báu công đức.

Phần kệ tụng này nêu ra căn nguyên của đại nguyện. Kinh Tỳ-lô-giá-na nói: “Đại bi làm gốc”. Thệ nguyện thù thắng, vô biên diệu hạnh trong hai đoạn vô lượng quang thọ phía trước, xuất phát điểm của nó, tổng thể của nó, chỗ quy túc của nó chỉ là một câu: Vì vô lượng hết thảy chúng sanh đều được lợi ích chân thật triệt để rốt ráo. Nói đơn giản một chút thì đó chính là lợi tha, đây chính là gốc.

“Bế tắc chư ác đạo”

Muốn đóng bít tất cả con đường dẫn đến ác đạo, khiến chúng không thông, khiến hết thảy chúng sanh không còn đi vào ác đạo nữa. “Chư ác đạo”, xin chú ý từ “chư”, nghĩa là rất nhiều, hết thảy, tất cả. Ác đạo có một số cách giải thích như sau, xin cúng dường các đồng tu tham khảo.

Thứ nhất, kinh Địa Trì nói rằng: “Theo ác hạnh mà đi thì gọi là ác đạo”. Hoàng Niệm Lão giải thích rằng: Con đường do ác hạnh dẫn lối thì gọi là ác đạo. Ác đạo có ba đường, trong kinh của chúng ta thường gọi là địa ngục đạo, ngạ quỷ đạo, súc sanh đạo.

Thứ hai, lục đạo đều là ác đạo, bởi vì lục đạo đều là ở trong luân hồi, đều không triệt để lìa khỏi quỷ đạo, súc sanh đạo, địa ngục đạo, cho nên đều là ác đạo. Kinh Vô Lượng Thọ, bản dịch thời Ngụy nói rằng: “Cắt ngang năm đường ác”. Năm đường ác là đem cõi tu-la phân tán vào các cõi còn lại, bởi vì a-tu-la có rất nhiều trường hợp, có a-tu-la trong cõi trời, cõi người, cõi quỷ, cõi súc sanh. Vì vậy “bế tắc chư ác đạo” là chỉ đường lục đạo đều không thông nữa.

“Thông đạt thiện thú môn”

“Thông đạt” nghĩa là thông suốt không trở ngại, không có bất kỳ chướng ngại nào. “Môn” có hai nghĩa, một là khác biệt, hai là tiến vào. Quyển thứ nhất của Đại Thừa Nghĩa Chương nói rằng: “Thể loại không như nhau nên gọi là môn”, chúng ta hay nói là phân chia thành từng loại khác nhau, ví dụ: bộ môn, môn loại. “Lại có thể thông vào, tiến vào thì gọi là môn”, ở chỗ này mở cửa ra thì người ta có thể ra vào. Niệm Lão giải thích cho chúng ta: “Pháp có nhiều loại khác biệt tức là có nhiều môn, đều có thể khiến người tiến vào Niết-bàn”. 84.000 pháp môn, pháp môn bình đẳng, không có cao thấp. Vì sao vậy? Mỗi pháp môn đều có thể giúp chúng ta phá mê khai ngộ, đều có thể giúp chúng ta chứng nhập đại Niết-bàn, “thế nên gọi các pháp trong kinh là môn”. Chúng ta y theo phương pháp trong kinh tu hành thì có thể lìa khổ được vui, có thể siêu thoát luân hồi, có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc, đây đều là nghĩa của chữ “môn”. Quyển ba Tứ Giáo Nghĩa nói rằng: “Môn nghĩa là thông suốt, bốn cú pháp chân chánh[1] trong giáo pháp của đức Phật khiến cho hành nhân thông đạt đến lý thật tướng chân tánh”, nên gọi là môn. Đây chính là nghĩa trong kinh này.

Thiện thú có những cách giải thích như sau, xin cúng dường các đồng tu tham khảo:

Thứ nhất, thiện thú thông thường chỉ cho ba đường thiện trong sáu đường, đây là cách nói thông thường. “Thiện thú” chính là đường thiện, ba đường thiện chính là cõi trời, cõi người, cõi a-tu-la. “Nhưng điều này lại trái với nghĩa trong kinh này”, không giống với nghĩa của đoạn kinh văn này của chúng ta, xin chú ý đoạn tiếp theo.

“Phần trên đã gọi lục thú đều là ác thú (đường ác), nên cõi người và cõi trời không thể gọi là thiện thú được. Nên biết “thiện thú môn” không phải là lối dẫn hướng vào nẻo trời và người, mà là nơi bậc thượng thiện hướng đến, nên gọi là thiện thú môn. Như sách Hội Sớ nói: Bồ-đề là chỗ đến của bậc thượng thiện, nên gọi là thiện thú môn”.

Ý nghĩa của đoạn này là: Người học Phật chúng ta, mục tiêu, phương hướng chính là cầu Bồ-đề; Bồ-đề chính là giác, giác ngộ vô cùng quý báu, vô cùng khó được. Bậc thượng thượng căn, đời này ở thế gian cầu điều gì? Cầu Bồ-đề, họ không cầu thứ khác. Bồ-đề chính là chữ giác trong “thanh tịnh, bình đẳng, giác” của đề kinh. Bồ-đề từ đâu mà có? Từ bình đẳng mà có. Bình đẳng từ đâu mà có? Từ thanh tịnh mà có. Thanh tịnh từ đâu mà có? Từ buông xuống mà có. Danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, không chỉ buông xuống như thế, mà còn phải buông xuống hết thảy phân biệt chấp trước, khởi tâm động niệm thì Bồ-đề mà tự tánh vốn có tự nhiên sẽ hiện tiền.

/ 100