PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 09/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 37
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Nguyện thứ 39: nguyện trang nghiêm vô tận.
Nguyện văn là: Ngã tác Phật thời, quốc trung vạn vật, nghiêm tịnh, quang lệ, hình sắc thù đặc, cùng vi cực diệu, vô năng xưng lượng. Kỳ chư chúng sanh, tuy cụ thiên nhãn, hữu năng biện kỳ hình sắc, quang tướng, danh số, cập tổng tuyên thuyết giả, bất thủ Chánh giác.
Khi con thành Phật, vạn vật trong nước trang nghiêm, thanh tịnh, quang minh, mỹ lệ, hình sắc thù đặc, hết sức vi diệu, chẳng thể tính kể nổi. Các chúng sanh tuy có thiên nhãn mà có thể phân biệt hình sắc, quang tướng, tên gọi, số lượng cho đến có thể nói được tổng thể thì con không thành Chánh giác.
Đại ý của lời nguyện là, tất cả vạn vật trong nước đều trang nghiêm, thanh tịnh, quang minh, mỹ lệ; hình và sắc đều kỳ diệu thù thắng. Hình là hình dạng, chỉ cho lớn nhỏ, vuông tròn, dài ngắn v.v. Sắc là màu sắc, chỉ xanh vàng đỏ trắng tím đen v.v. Tất cả đều vô cùng tươi đẹp và kỳ diệu, không còn gì hơn, cho nên nói hình sắc thù đặc.
“Vi” là tinh diệu, vi diệu là tinh diệu đến cực điểm. “Cùng” là cùng tận, “cùng vi” là trọn phần xinh đẹp, vi diệu tột cùng, không có khiếm khuyết, không có thiếu sót. “Cực diệu” chính là tuyệt diệu, thần diệu. Đối với sự vi diệu của cõi nước Cực Lạc, không có người nào có thể ngợi khen tán thán, suy tính đo lường, cho nên gọi là “vô năng xưng lượng”.
Giải thích của Hội Sớ rất hay, mở rộng ra ý nghĩa mà giải thích như sau: trong một hạt cực nhỏ, ví dụ như hạt neutrino cũng bao gồm toàn bộ lý thể mà thành, tất cả sự tướng làm thể, hoàn toàn là tướng do diệu lý hiện ra, cho nên tướng mà vô tướng, là tướng vô lậu, là tướng của thật tướng. Hết thảy hình tướng đều là tâm thanh tịnh của đức Di-đà. Trong chỗ cực vi, hoàn toàn là tướng do diệu thể hiện ra, đều là thật tướng, thế nên gọi là “cùng vi cực diệu”.
Do vì thế giới Cực Lạc hoàn toàn hiển hiện pháp giới sự sự vô ngại, một hàm chứa nhiều, nhiều có thể dung nhập vào một, nhỏ có thể chứa lớn, dung nhiếp lẫn nhau, trùng trùng vô tận. Ví như đem hai tấm gương chiếu đối diện nhau, bạn sẽ nhìn thấy được vô cùng vô tận lớp lớp tấm gương ở bên trong, cho nên không thể nói, không thể đo lường được, cách thức ở thế gian đều không thể làm được. Cực Lạc Tịnh độ chỉ có Phật và Phật mới có thể hiểu rốt ráo, nên ngoài Phật ra thì tất cả chúng sanh trong chín pháp giới đều không thể phân biệt hình sắc của vạn vật ở Cực Lạc, bao gồm hình dạng, màu sắc, quang tướng tức tướng hảo của quang minh, danh số tức danh tự số mục, huống hồ có thể nêu lên được tổng quát tổng cộng là bao nhiêu, tổng thể là như thế nào, đều không thể làm được. Cho nên nói, nếu có thể phân biệt được hình sắc, quang tướng, danh số, cho đến nêu ra được tổng thể thì đức Di-đà không thành Phật.
Nguyện thứ 40: nguyện vô lượng sắc thụ.
Nguyện văn là: Ngã tác Phật thời, quốc trung vô lượng sắc thụ, cao hoặc bá thiên do-tuần, đạo tràng thụ cao tứ bá vạn lý. Chư Bồ-tát trung, tuy hữu thiện căn liệt giả, diệc năng liễu tri.
Khi con thành Phật, vô lượng cây báu rực rỡ trong nước cao trăm ngàn do-tuần, cây Bồ-đề cao bốn trăm vạn dặm. Trong số các Bồ-tát tuy có người thiện căn kém cỏi nhưng cũng có thể biết rõ.
Đại ý của lời nguyện là: trong nước có vô lượng sắc thụ. Sắc thụ là tất cả các cây báu trong nước đều do bảy báu hợp thành, màu sắc sáng rỡ, sắc đẹp mỹ lệ, độ cao hoặc mấy trăm do-tuần, mấy ngàn do-tuần. Một do-tuần có người nói là 40 dặm, có người nói là 60 dặm, có người nói là 80 dặm, đây là đơn vị khoảng cách, nhưng không quá chặt chẽ. Do lộ trình hành quân trong một ngày của đế vương thời xưa là một do-tuần, nên có sự chênh lệch lớn. Nếu chúng ta lấy con số lớn nhất là 80 dặm thì cây cao chín ngàn do-tuần sẽ là 720.000 dặm, bạn có thể tưởng tượng ra không? Một cây cao đến 720.000 dặm thì như thế nào vậy?
Thù thắng hơn nữa là đạo tràng thụ, đạo tràng thụ chính là cây Bồ-đề. Từ phía tây nam núi Chánh Giác ở Ấn Độ, đi thêm 14-15 dặm có một cây Tất-bát-la, Phật ngồi ở dưới cội cây này thành Phật, cho nên cây này được gọi là cây Bồ-đề.