/ 100
277

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 21/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 36


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Nguyện thứ 28: nguyện trong nước không có danh từ bất thiện.

Nguyện văn là: Ngã tác Phật thời, quốc trung vô bất thiện danh.

Khi con thành Phật, trong nước không có danh từ bất thiện

Đại ý của lời nguyện là, kinh A-di-đà nói: “Cõi nước của đức Phật ấy còn không có tên của ác đạo, huống hồ thật có. Những loài chim ấy đều là A-di-đà Phật muốn tuyên lưu pháp âm mà biến hóa ra”. Trong nước Cực Lạc không có ba đường ác, ngay cả tên còn không có huống gì là thật có. Những chim vẹt, chim công ấy đều là A-di-đà Phật biết hóa mà sanh ra.

Trong kinh ghi rằng “không có danh từ bất thiện”, nghĩa là không những không có tên gọi của ba đường ác mà mở rộng ra không có tên của tất cả sự bất thiện. Giải thích của Bồ-tát Long Thọ rất hợp với kinh này. Bồ-tát Long Thọ nói: “Cõi nước của đức Phật ấy không có danh từ xấu ác, cũng không có người nữ và nỗi sợ hãi của ba đường ác, cho đến không có ác tri thức của các cõi”. Chúng ta hiện nay có đủ mọi loại ác tri thức, họ đội lốt thiện tri thức, tự xưng là pháp vương, Phật sống, đủ loại đại pháp sư, nhưng trên thực tế lại là ác tri thức, giả mạo người khác, muốn gắn mác tôn sư trọng đạo, là thuốc giả đội lốt. Cho nên hiện nay tu đạo khó, khó ở chỗ phân biệt thiện tri thức với ác tri thức. Phải tôn sư trọng đạo, nhưng bạn tôn kính vị thầy như thế nào, bạn trọng đạo gì? Bạn từ ác tri thức đạt được một chút tà đạo, bạn tôn trọng họ, sau cùng như kinh Lăng-nghiêm nói: “Đệ tử và sư phụ đều gặp nạn lớn, các ông trước hết phải giác ngộ, chớ rơi vào luân hồi, mê hoặc không biết thì đọa ngục Vô Gián”.

Cho nên thế giới Cực Lạc không có ác tri thức của các cõi, như thiên ma của cõi trời, cõi người thì là kẻ giả mạo tín đồ Phật giáo làm chuyện xấu xa lừa đời lấy tiếng, Tu-la nhiễu loạn chánh giáo của cõi tu-la, ở cõi súc sanh thì ví dụ như loài chồn nhím cáo rắn của miền bắc Trung Quốc, ở cõi quỷ thì có đủ loại quỷ thần tà ác. Đương nhiên không thể thành ác tri thức ở địa ngục được, bởi vì họ không có tự do.

Vừa rồi nói đến loài chồn nhím cáo rắn ở miền bắc Trung Quốc, tôi muốn nhân cơ hội này kể một việc như sau. Miền bắc Trung Quốc, đặc biệt là nông thôn miền bắc Trung Quốc, tín ngưỡng của người dân quá nhiều, quá tạp, quá loạn. Nếu dân số có tín ngưỡng đông hơn một chút thì thuộc các nhóm tin Phật, tin giáo, tin thần, tin tiên, theo những gì tôi quan sát và tiếp xúc thì về phương diện tín ngưỡng ở vùng nông thôn đông bắc Trung Quốc, tôi xin dùng bốn chữ để khái quát là: hỗn loạn, mê tín.

Trước tiên nói về nhóm người tin Phật, bạn hỏi họ Phật là gì? Họ chỉ vào tượng Phật trên bàn, đa số là Quán Thế Âm Bồ-tát, Di-lặc Bồ-tát. Bạn hỏi họ vì sao tin Phật? Họ trả lời cầu Phật phù hộ. Bạn hỏi họ tin Phật thế nào? Họ trả lời, thắp hương, dập đầu, người có thể trả lời với trình độ như vậy đã xem như là không tệ rồi. Trong số những người tín ngưỡng này không tìm được mấy người không tin thần, không tin tiên. Trong nhà hễ có chút việc gì cũng đi tìm thần tìm tiên.

Lại nói về nhóm người tin giáo, trong nhà tôi có người thân, cô ấy tin giáo, cô ấy có lòng tốt, nói với tôi: Chị Tố Vân, chị hãy tin giáo đi, tin giáo tốt lắm. Tôi nói, cô nói tôi nghe xem tin giáo có gì tốt nào. Tin giáo thì lương thực trong nhà càng ăn càng có nhiều, ăn không hết luôn. Nghe xong câu này thật sự tôi cũng dở khóc dở cười, chẳng phải thuần là mê tín đó sao? Có phải là tin giáo không tốt không? Không phải. Căn bản là cô ấy không biết giáo mà cô ấy tin có ý nghĩa gì.

Sau cùng nói về nhóm người tin thần tin tiên, có thể nói ở nông thôn đông bắc rất thịnh hành việc này. Chẳng những mỗi nhà đều cúng thần cúng tiên mà khi trong nhà xảy ra chuyện thì thần cúng trong nhà không còn linh nữa, tiên cũng chẳng linh, phải đi ra ngoài mời thần tiên, thông thường gọi là nhảy đại thần. Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ độ 5-6 tuổi, đã nhìn thấy nhảy đại thần một lần, trong tâm có chút sợ hãi. Nhảy đại thần ở nông thôn đông bắc vô cùng thịnh hành, làm nghề này rất mau phất, tiền đến nhanh. Có kẻ lừa người thì có người bị lừa, có kẻ cầu thì có người cung, hai bên tình nguyện, ngu si mà. Em họ của tôi gọi điện cho tôi, nói rằng hơn 6.000 tệ thì có thể rước được nhảy đại thần, khiến tôi không lời nào để nói. Bởi vì tiết Thanh minh mỗi năm tôi đi tảo mộ cha mẹ chồng đều phải đến nhà của người em họ này, sức khỏe của cậu ấy không tốt, mỗi lần ghé tôi đều đưa cho cậu ấy một ít tiền, nào ngờ cậu ấy đều đem đi rước nhảy đại thần. Kết quả của việc nhảy là gì? Hai vợ chồng cậu ấy thay phiên nhau bệnh, có khi cùng lúc bị bệnh, nhập viện. Đến bệnh viện, kiểm tra xong chẳng có bệnh gì nặng, nhưng về đến nhà thì đòi sống đòi chết. Làm sao đây? Đi rước đại thần về nhảy nhót, trị bệnh, cho nên hơn 6.000 tệ đều đổ vào việc nhảy này. Nhảy rồi có trị được không? Không hề.

/ 100