PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 08/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 35
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Nguyện thứ hai mươi: nguyện lâm chung tiếp dẫn.
Nguyện văn là: Nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn, lâm thọ chung thời, ngã dữ chư Bồ-tát chúng nghênh hiện kỳ tiền. Kinh tu-du gian, tức sanh ngã sát, tác A-duy-việt-trí Bồ-tát. Bất đắc thị nguyện, bất thủ Chánh giác.
Nhất tâm niệm con, ngày đêm không gián đoạn, đến khi lâm chung, con cùng chư Bồ-tát hiện ở trước mặt người đó nghênh đón. Trong khoảnh khắc liền sanh về nước con, thành A-duy-việt-trí Bồ-tát. Nếu không được như nguyện, con không thành Chánh giác.
Đại ý của lời nguyện là: Nếu phát tâm siêng tu như trên, niệm Phật không gián đoạn thì người cầu sanh Tịnh độ đến khi lâm chung, “ngã” ở đây là chỉ cho A-di-đà Phật, cùng với rất nhiều đại Bồ-tát ở Tây Phương đồng hiện ra trước mặt người đó, tiếp dẫn người ấy vãng sanh. Chỉ trải qua thời gian khoảng 48 phút thì đã sanh đến cõi nước Cực Lạc, thành Bồ-tát bất thoái chuyển. Nếu như nguyện này không thành tựu thì tôi không thành Phật.
Nguyện lâm chung tiếp dẫn này vô cùng quan trọng, có lời nguyện này thì chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh độ tâm được định rồi; không chút mảy may nghi hoặc, lo lắng. Chúng ta không cần lo rằng hư không pháp giới lớn như vậy, thế giới Cực Lạc ở nơi đâu? Đến giờ thì A-di-đà Phật sẽ đến đón bạn, bạn hãy an tâm mà niệm Phật đi.
Việc này, khi chị tôi là lão Bồ-tát Lưu Tố Thanh vãng sanh tôi đã thể hội được. Vì trước khi chị vãng sanh đã nói với tôi: Chị lần này vãng sanh thế giới Cực Lạc, hai bậc đạo sư của hai cõi sẽ một người tiễn và một người đón. Thích-ca Mâu-ni Phật tiễn chị, A-di-đà Phật đón chị. Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy cách nói như vậy, sự thật đã nghiệm chứng rồi. Khi chị ra đi, xác thật là hai vị đạo sư người tiễn người đón.
Vì sao nói nguyện lâm chung tiếp dẫn rất quan trọng? Vì con người đến khi lâm chung sẽ cực kỳ mê loạn và điên đảo. Đại sư Linh Chi đời nhà Tống nói: “Phàm người lúc lâm chung, thần thức vô chủ”. Đến lúc lâm chung, thần thức của con người đã mê loạn rồi, không thể làm chủ. “Nghiệp thiện ác đã gieo thảy đều hiện hành”. Những việc thiện, việc ác mà đời này bạn đã làm đều ở trong ruộng tâm thức thứ tám của chính mình, những chủng tử lưu trong đó đều hiện hành. Người ta khi sắp chết, những điều họ làm trong đời đều hiện ra từ trong tâm, làm việc xấu thì tâm vô cùng đau khổ, có khi sẽ khởi ác niệm, hoặc khởi tà niệm.
Ví dụ, có người cả đời ăn chay, lâm chung đột nhiên muốn ăn thịt, việc này chính tôi đã thể hội sâu sắc. Năm 2005, tôi bị bệnh nặng, sau khi bị bệnh tôi có một cảm giác đặc biệt, đặc biệt thèm ăn, thèm gì vậy? Muốn ăn món chân giò rút xương. Hơn nữa chân giò đó sau khi thái xong thành món chân giò rút xương đều nhìn thấy được đường vân thớ thịt rất rõ ràng, mùi thơm đó cứ lần lượt xông vào mũi tôi phảng phất, lại còn nhìn thấy món chân giò rút xương ấy đang bốc khói, thèm chết đi được, hận một nỗi không thể ăn một miếng. Lúc đó tôi nghĩ, hay là nói với con, bảo chúng nó đi mua cho tôi. Sau đó, tôi đã nhẫn được, không thể nói. Nếu như tôi vừa nói ra, các con sốt sắng lập tức đi mua cho tôi thì việc ăn chay của tôi không thể nào tiếp tục được nữa. Cho nên lần đó tôi đã rất khen ngợi bản thân, tôi nhẫn được, tuy rằng thèm nhưng sau cùng tôi đã không ăn.
Có người tu hành mấy chục năm đến khi lâm chung thì mắng Phật, rất nhiều loại người, hoặc tham luyến thế gian, không thể buông xuống, hoặc giận dữ điên cuồng, đủ mọi tướng xấu, đều gọi là điên đảo. Cho nên lúc lâm chung, đất lửa nước gió tứ đại phân ly đã khổ không nói nên lời, lại còn thêm điên đảo, lúc này nghĩ muốn dụng công thì phàm phu rất khó làm được. Nếu không có tu trì đặc biệt thì không thể làm được, lúc này điều có thể tựa nương chỉ có nhờ vào sự gia trì của đại nguyện Di-đà.
Viên Trung Sao nói: Chúng sanh thế giới Ta-bà, tuy có thể niệm Phật, thế nhưng kiến hoặc, tư hoặc của họ cuồn cuộn như nước lũ, thật sự không ngừng dứt. Chẳng những không đoạn dứt được, mà ngay cả phục cũng không phục nổi, đè nén một chút cũng không làm được. Trong tình cảnh như vậy, mà đến khi lâm chung tâm không điên đảo, có thể niệm Phật thì điều đó hoàn toàn không phải tự sức mình làm chủ được, tức là nói chỉ dựa vào sức của bản thân thì không có cách nào làm được. Chỉ dựa vào tự lực thì không làm chủ nổi, cho nên hoàn toàn nhờ vào A-di-đà Phật hiện đến trước mặt, nhổ trừ nghiệp chướng mà cứu giúp. Lúc này hoàn toàn nhờ vào đại lực của A-di-đà Phật đến tiếp dẫn, cứu vớt. Tuy vốn không phải chánh niệm nhưng có thể sanh chánh niệm. Cho nên tâm không điên đảo, vãng sanh Cực Lạc, đây toàn nhờ vào sức gia trì của Phật.